Điều trị HP dạ dày và giải pháp phòng bệnh hiệu quả

Tham vấn bác sĩ
Phó Giáo sư, Tiến sĩ

Vũ Văn Khiên

Phó giám đốc phụ trách Nội soi tiêu hóa

Nhiễm khuẩn HP dạ dày là tình trạng rất phổ biến tại Việt Nam cũng như trên toàn cầu. Bệnh dễ lây lan, đồng thời dễ tái nhiễm sau khi điều trị. Vi khuẩn HP khi hoạt động có thể gây ra một số biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người bệnh. Bài viết sau sẽ mang đến cho bạn đọc thông tin về cách điều trị HP dạ dày và giải pháp phòng ngừa hiệu quả.

1. HP dạ dày và các con đường lây truyền

Vi khuẩn HP có tên đầy đủ là Helicobacter pylori, thường được viết tắt là HP hoặc H. pylori. Vi khuẩn này xâm nhập vào đường tiêu hóa, sống và phát triển tại dạ dày. Người nhiễm khuẩn HP có thể không gặp phải bất cứ triệu chứng nào. Chính vì vậy nhiều người không hề phát hiện bản thân đã nhiễm khuẩn HP.

Vi khuẩn HP có thể hoạt động khi gặp các điều kiện thuận lợi trong thời gian dài như thói quen ăn uống không lành mạnh, căng thẳng, lạm dụng một số loại thuốc,… HP tấn công vào niêm mạc dạ dày, là yếu tố nguy cơ phổ biến nhất dẫn đến viêm loét dạ dày – tá tràng, nguy hiểm hơn là ung thư dạ dày.

Đường lây truyền phổ biến nhất của HP là đường miệng – miệng:

– Sử dụng chung các đồ dùng cá nhân như bát đũa, cốc nước, bàn chải đánh răng,…

– Tiếp xúc gần gũi như hôn môi, trò chuyện trực tiếp khiến nước bọt bắn ra,…

– Trẻ nhỏ là nhóm đối tượng có nguy cơ nhiễm HP cao do người lớn có thói quen mớm thức ăn và hôn môi trẻ.

Ngoài ra, HP có thể lây truyền khi người lành tiếp xúc trực tiếp với phân của người bệnh do ăn các thực phẩm tái sống, sử dụng nguồn nước không đảm bảo vệ sinh,… Bên cạnh đó, dùng chung các dụng cụ y tế (dụng cụ nha khoa, dây nội soi,…) không được vệ sinh sạch có thể làm lây truyền HP.

Điều trị HP dạ dày

Vi khuẩn HP có thể gây tổn thương niêm mạc dạ dày – tá tràng, dẫn đến biến chứng ung thư dạ dày đặc biệt nguy hiểm

2. Biến chứng có thể gặp khi nhiễm HP dạ dày

Vi khuẩn HP có thể dẫn đến một số biến chứng nguy hiểm, do đó việc phát hiện và điều trị HP dạ dày cần được tiến hành kịp thời:

– Gây một số tình trạng rối loạn tiêu hóa như: khó tiêu, đau hoặc nóng rát vùng thượng vị, đầy bụng, ậm ạch sau khi ăn,… gây nhiều khó chịu, khiến người bệnh mệt mỏi.

Viêm dạ dày cấp tính: Tình trạng viêm xảy ra ở một phần hoặc toàn bộ niêm mạc dạ dày. Tình trạng viêm cấp tính có thể chuyển sang mạn tính. Người bệnh có thể gặp triệu chứng đầy bụng, chán ăn, buồn nôn.

– Viêm teo dạ dày do tình trạng viêm niêm mạc mạn tính: Viêm teo hang vị dạ dày từ đó dẫn đến loét hành tá tràng. Viêm teo từ hang vị lan lên thân vị có thể dẫn đến viêm teo toàn bộ niêm mạc dạ dày, gây loét và ung thư dạ dày.

– Loét dạ dạ dày – tá tràng do vết viêm lan sâu vào các lớp thành dạ dày, có thể dẫn đến xuất huyết dạ dày, thủng dạ dày.

– HP là nhân tố gây phát triển ung thư dạ dày, u lympho B lớp niêm mạc dạ dày (MALT),… đe dọa đến chất lượng cuộc sống và sức khỏe người bệnh.

– Giảm tiểu cầu chưa rõ nguyên nhân, đau nửa đầu, bệnh lý mạch vành,… là một số biến chứng ngoài đường tiêu hóa liên quan đến vi khuẩn HP.

Cách điều trị HP dạ dày

Việc điều trị vi khuẩn HP có mục tiêu chính là loại bỏ vi khuẩn, chữa lành niêm mạc dạ dày, phòng ngừa biến chứng

3. Làm thế nào để điều trị HP dạ dày

Mục tiêu của việc điều trị vi khuẩn HP là loại bỏ vi khuẩn, chữa lành niêm mạc dạ dày. Đồng thời phác đồ điều trị còn ngăn vết viêm loét tái phát và đặc biệt là phòng ngừa biến chứng ung thư. Thông thường để các phương pháp điều trị bắt đầu phát huy hiệu quả cần thời gian từ 2 tuần.

3.1. Dùng thuốc điều trị HP dạ dày

Người bệnh thường được chỉ định dùng ít nhất hai loại kháng sinh khác nhau để điều trị HP. Các loại thuốc được sử dụng phổ biến với người bệnh HP dạ dày gồm:

– Thuốc kháng sinh như: amoxicillin, metronidazol, clarithromycin, tinidazol, tetracycline, levofloxacin,… Nhóm thuốc này có tác dụng tiêu diệt vi khuẩn HP trong dạ dày.

– Thuốc ức chế bơm proton (PPI): Có tác dụng giảm sản xuất acid trong dạ dày. Nhóm thuốc này bao gồm: omeprazole, esomeprazole, pantoprazole, lansoprazole,…

Người bệnh cần lưu ý rằng một số trường hợp có thể gặp phải các tác dụng phụ khi dùng thuốc như:

– Metronidazole hoặc tinidazol có thể gây buồn nôn, nôn mửa, đầy hơi, khó tiêu, ăn không ngon miệng, thay đổi vị giác tạm thời,…

– Một số loại thuốc có thể gây táo bón, đi ngoài phân đen.

– Kháng sinh không chỉ tiêu diệt HP mà còn tác động đến các vi khuẩn có lợi ở ruột. Sự mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột có thể dẫn đến tiêu chảy, đầy bụng, co thắt dạ dày,…

Người bệnh sẽ được yêu cầu tái khám và xét nghiệm lại để đánh giá hiệu quả điều trị sau ít nhất 4 tuần. Trường hợp vẫn có kết quả khuẩn HP dương tính sẽ được đề nghị điều trị đợt hai. Ở lần điều trị này, người bệnh cần sử dụng ít nhất một loại thuốc kháng sinh khác với đợt điều trị đầu tiên.

Vi khuẩn HP có tính kháng thuốc rất cao, việc điều trị đòi hỏi người bệnh tuân thủ nghiêm ngặt phác đồ của bác sĩ. Việc ngừng thuốc đột ngột, tự ý dùng thuốc có thể khiến HP kháng thuốc và khó điều trị hơn.

3.2. Các biện pháp khác hỗ trợ điều trị HP dạ dày

Bên cạnh việc dùng thuốc, việc điều trị vi khuẩn HP còn yêu cầu người bệnh có lối sống lành mạnh. Dưới đây là những thói quen cần áp dụng để điều trị HP hiệu quả, giảm thiểu nguy cơ tái phát:

– Kiêng đồ uống có cồn, chất kích thích và đồ uống có gas.

– Nghỉ ngơi đầy đủ, ngủ sớm, không thức khuya.

– Kiểm soát căng thẳng, giữ tinh thần thoải mái, tích cực.

– Ăn uống đủ chất, đảm bảo vệ sinh, bổ sung rau củ quả và các thực phẩm chứa lợi khuẩn như sữa chua.

– Hạn chế thực phẩm cay nóng, đồ chiên rán, đồ ăn chế biến sẵn, thực phẩm chứa nhiều acid như chanh, quýt, cóc,…

– Người bệnh không tự ý sử dụng các loại thuốc giảm đau, đặc biệt là NSAID. Những loại thuốc này có thể gây tổn thương niêm mạc dạ dày. Do đó người bệnh cần liên hệ với bác sĩ để được tư vấn cụ thể.

Giải pháp điều trị HP dạ dày

Người bệnh cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ để loại bỏ HP hiệu quả

4. Phòng ngừa vi khuẩn HP dạ dày ra sao?

Bạn có thể tham khảo các giải pháp dưới đây để bảo vệ bản thân khỏi sự xâm nhập của vi khuẩn HP:

– Ăn chín uống sôi, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, tiêu thụ thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng. Hạn chế ăn uống tại các hàng quán, vỉa hè; không sử dụng thực phẩm ôi thiu, nấm mốc,…

– Rửa tay thường xuyên với xà phòng diệt khuẩn, nhất là trước khi ăn, chế biến thức ăn và sau khi đi vệ sinh.

– Duy trì chế độ ăn cân bằng dinh dưỡng, đủ các nhóm chất thiết yếu gồm: carbohydrate, chất béo, protein, vitamin, khoáng chất và nước,…

– Tập thể dục – thể thao thường xuyên để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.

– Đồng thời, việc giữ tinh thần thoải mái, không hút thuốc, hạn chế rượu bia và các thực phẩm không lành mạnh cũng giúp tăng cường sức khỏe đường tiêu hóa.

– Bên cạnh đó, mỗi người cần chủ động thăm khám tiêu hóa định kỳ để kịp thời phát hiện và xử lý các vấn đề tiêu hóa, trong đó có HP dạ dày.

Trên đây là các con đường lây truyền, cách điều trị HP dạ dày và giải pháp phòng ngừa. Khi phát hiện nhiễm vi khuẩn HP, người bệnh cần tuân thủ chỉ định theo dõi và điều trị của bác sĩ chuyên khoa. Đây là việc làm cần thiết giúp người bệnh kiểm soát tình trạng nhiễm khuẩn HP, đề phòng các biến chứng, bảo vệ sức khỏe dạ dày.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital