5 Cách nhận biết dấu hiệu đột quỵ bạn cần lưu ý

Tham vấn bác sĩ

Trong bệnh cảnh đột quỵ não, phản ứng nhanh là yếu tố then chốt giúp giảm tối đa ảnh hưởng, di chứng do bệnh gây ra. Trong đó, việc nhận biết dấu hiệu đột quỵ sớm đóng vai trò quan trọng giúp người bệnh được sơ cấp cứu, cấp cứu kịp thời.

1. Đột quỵ là tình trạng khẩn cấp

Đột quỵ hay tai biến mạch máu não là tình trạng máu lên não bị tắc nghẽn, gián đoạn, không thể lưu thông. Điều này dẫn đến các tế bào não đột ngột mất đi nguồn oxy và chất dinh dưỡng, gây tổn thương và làm chết các tế bào não.

Thời gian đột quỵ càng lâu, số lượng tế bào não chết đi sẽ càng nhiều, ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng nhận thức và vận động của cơ thể. Nhiều trường hợp không được can thiệp kịp thời có thể dẫn đến tử vong.

Do đó, đối với bệnh đột quỵ não, thời gian là yếu tố quyết định tỷ lệ thành công của điều trị cũng như khả năng hồi phục của bệnh nhân. Đặc biệt, nếu người bệnh được cấp cứu trong khoảng “thời gian vàng” (từ 3-4,5h) sau phát hiện các dấu hiệu đột quỵ đầu tiên, sẽ giảm đáng kể nguy cơ tử vọng cũng như hạn chế tối đa di chứng của bệnh.

2. Cách nhận biết dấu hiệu đột quỵ ở người bệnh

Phụ thuộc vào vùng não bộ bị tổn thương và mức độ nghiêm trọng của bệnh mà các dấu hiệu đột quỵ có thể khác nhau và gây ra các ảnh hưởng khác nhau. Tuy nhiên, bạn có thể nhận biết sớm cơn đột quỵ nhờ 5 dấu hiệu phổ biến:

2.1 Cách nhận biết dấu hiệu đột quỵ – Méo mặt

Người bị đột quỵ thường có xu hướng liệt một bên mặt với mắt không thể nhắm kín, lông mày, mí mắt sụp; các nếp nhăn trên trán, má mờ đi; nửa bên miệng bị kéo xệ xuống. Khi yêu cầu người bệnh cười lên, có thể thấy rõ sự mất cân đối này.

Cách nhận biết dấu hiệu đột quỵ - quan sát sự mất cân đối giữa 2 bên mặt người bệnh.

Cách nhận biết dấu hiệu đột quỵ – quan sát sự mất cân đối giữa 2 bên mặt người bệnh.

2.2 Cách nhận biết dấu hiệu đột quỵ – Cử động khó khăn

Khi xảy ra đột quỵ, người bệnh thường bị tê liệt một bên cánh tay hoặc chân dẫn đến khó thao tác, cử động, mất khả năng phối hợp giữa các chi.

Để nhận biết chính xác, bạn có thể yêu cầu người bệnh giơ hai tay cùng lúc qua đầu hoặc mở rộng hai cánh tay trong 10 giây. Nếu người bệnh không thể thực hiện được động tác hoặc cố gắng thực hiện được nhưng một bên tay nhanh chóng rơi xuống, đây có thể là dấu hiệu cảnh báo đột quỵ.

2.3 Gặp khó khăn khi nói

Người bệnh bị đột quỵ thường bị tê cứng một bên cơ mặt dẫn đến khó mở miệng, môi lưỡi không linh hoạt. Điều nãy dẫn đến hiện tượng nói khó, nói ngọng, nói dính chữ bất thường. Bạn có thể kiểm tra bằng cách yêu cầu người bệnh lặp lại một cụm từ. Nếu có các biểu hiện vừa nêu, khả năng cao người bệnh đã bị đột quỵ.

2.4 Xuất hiện cơn đau đầu dữ dội hoặc chóng mặt

Đột ngột đau đầu dữ dội hay tự nhiên chóng mặt đến mức không thể đi lại có thể là biểu hiện của bệnh đột quỵ, thậm chí ngay cả khi người bệnh không bị yếu liệt chi. Khi gặp tình trạng này, người bệnh không nên tự ý dùng thuốc giảm đau mà cần đến cơ sở y tế để được thăm khám ngay lập tức.

2.5 Suy giảm hoặc mất thị lực

Đột quỵ não có thể gây suy giảm thị lực. Người bệnh có thể gặp phải tình trạng nhìn mờ, nhìn đôi hoặc mất thị lực đột ngột.

Trong một số ít trường hợp, đột quỵ xảy ra mà không có bất kỳ triệu chứng cụ thể nào có thể được nhìn thấy. Đây được gọi là đột quỵ im lặng.

3. Nên làm gì nếu xuất hiện dấu hiệu đột quỵ?

Khi phát hiện người có một trong 5 dấu hiệu đột quỵ nêu trên, hãy gọi cấp cứu ngay lập tức để được hỗ trợ y tế sớm nhất. Mỗi phút trôi qua, có tới 2 triệu tế bào thần kinh bị phá hủy. Do đó, ngay cả khi nhận thấy các triệu chứng đột quỵ có xu hướng biến mất, hãy chắc chắn rằng người bệnh vẫn được cấp cứu kịp thời.

Ngoài ra, nếu bạn có kỹ năng sơ cứu cơ bản, dưới đây là một số việc bạn có thể làm để hỗ trợ người bệnh trong quá trình đợi xe cấp cứu.

3.1 Trường hợp người bệnh tỉnh

Đầu tiên, hãy đặt bệnh nhân ở tư thế nằm nghiêng, cố định và nâng nhẹ đầu người bệnh khỏi mặt đất. Tiếp đến kiểm tra mạch, huyết áp, nhịp tim của người bệnh, nếu có bất thường cần ghi lại để thông tin đến nhân viên y tế khi xe cấp cứu đến. Bạn cũng có thể giúp người bệnh loại bỏ các dị vật trong khoang miệng như răng giả, thức ăn còn sót lại, đờm dãi (nếu có) nhằm khai thông đường thở. Nếu người bệnh có dấu hiệu liệt một bên thân, khi vận chuyển, cần đặt bệnh nhân nằm nghiêng về bên người không bị liệt.

3.2 Trường hợp người bệnh hôn mê

Bạn vẫn thực hiện theo các bước sơ cứu khi người bệnh tỉnh. Tuy nhiên cần theo dõi kỹ trạng thái mạch của người bệnh. Trường hợp người bệnh ngừng thở hoặc không thấy mạch, cần lập tức tiến hành thổi ngạt và ép tim ngoài lồng ngực cho bệnh nhân theo tỷ lệ cứ mỗi 5 lần ép tim đến 1 lần thổi ngạt.

Kỹ thuật ép tim và thổi ngạt cần thực hiện xen kẽ, nhịp nhàng theo các chu kỳ hồi sức tim phổi.

Kỹ thuật ép tim và thổi ngạt cần thực hiện xen kẽ, nhịp nhàng theo các chu kỳ hồi sức tim phổi.

4. Điều trị đột quỵ

Điều trị đột quỵ như thế nào đối với mỗi trường hợp phụ thuộc phần lớn vào nguyên nhân gây đột quỵ.

Đối với đột quỵ do thiếu máu cục bộ, mục tiêu điều trị trước hết là khôi phục lại lưu lượng máu lên não. Để làm được điều này, bác sĩ có thể cho người bệnh sử dụng thuốc làm tan cục máu đông, giúp người bệnh vượt qua cơn nguy kịch kịp thời.

Đối với đột quỵ do xuất huyết não (vỡ mạch máu não), tùy thuộc vào tình trạng xuất huyết hoặc tụ máu não của người bệnh mà bác sĩ sẽ đưa ra hướng xử lý phù hợp. Điều trị khi này tập trung vào việc cố gắng kiểm soát huyết áp cao và tình trạng chảy máu não.

5. Phòng ngừa nguy cơ đột quỵ

Huyết áp cao, tiểu đường, mỡ máu, tim mạch… là các yếu tố nguy cơ cao dẫn đến đột quỵ. Để hạn chế những tác nhân này, bạn cần xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, cân bằng (giảm muối, đường và chất béo), không uống rượu bia, không hút thuốc lá, tăng cường tập thể dục thường xuyên…

Tập thể dục mỗi ngày và duy trì thói quen sinh hoạt khoa học giúp giảm nguy cơ đột quỵ.

Tập thể dục mỗi ngày và duy trì thói quen sinh hoạt khoa học giúp giảm nguy cơ đột quỵ.

Đặc biệt, huyết áp, tiểu đường nên được kiểm tra thường xuyên để tránh nguy cơ đột quỵ gây ra do các bệnh lý này. Người đã và đang mắc bệnh “nền” cũng cần tuân thủ nghiêm ngặt quá trình điều trị nhằm kiểm soát các chỉ số duy trì ở ngưỡng ổn định.

Đối với người khỏe mạnh, khám tầm soát đột quỵ là một trong những biện pháp hiệu quả để sớm phát hiện các yếu tố nguy cơ, giúp bạn can thiệp, điều trị kịp thời trước khi chúng tác động gây ra tình trạng đột quỵ.

Hy vọng với các thông tin cung cấp trong bài, bạn đã biết cách nhận biết dấu hiệu đột quỵ cũng như hướng xử lý nhanh khi gặp phải tình trạng này. Bên cạnh đó, mỗi người cũng nên nâng cao ý thức phòng ngừa đột quỵ để đảm bảo sức khỏe bản thân và gia đình.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital