Đau mắt đỏ có thể phát sinh do nhiều nguyên nhân. Đau mắt đỏ phát sinh do các nguyên nhân khác nhau cần điều trị bởi các phương pháp khác nhau. Trong bài viết sau, Thu Cúc TCI xin chia sẻ với bạn các thuốc điều trị đau mắt đỏ, phân loại theo nguyên nhân phát sinh bệnh lý nhãn khoa này, đừng bỏ lỡ bạn nhé!
Đau mắt đỏ hay viêm kết mạc là bệnh lý nhãn khoa mà trong đó, kết mạc bị viêm. Tình trạng viêm của kết mạc khiến người bệnh đỏ mắt; ngứa mắt, cộm mắt; chảy nước mắt; tiết dỉ mắt; một số trường hợp nghiêm trọng mắt xuất hiện giả mạc…
Đau mắt đỏ có thể phát sinh do nhiều nguyên nhân, phổ biến nhất là do virus, vi khuẩn và các dị nguyên.
– Đau mắt đỏ do virus: Virus gây đau mắt đỏ tiêu biểu là Adenovirus và Enterovirus.
– Đau mắt đỏ do vi khuẩn: Phế cầu, tụ cầu vàng, não mô cầu… là những vi khuẩn gây đau mắt đỏ chủ yếu.
– Đau mắt đỏ do các dị nguyên: Đau mắt đỏ do các dị nguyên chỉ xuất hiện ở người có cơ địa dị ứng. Các dị nguyên gây đau mắt đỏ chính chúng ta có thể kể đến ở đây là phấn hoa, lông động vật, bụi, chất thải sinh hoạt, chất thải công nghiệp, hóa chất, khói thuốc lá…
Menu xem nhanh:
1. Điều trị đau mắt đỏ: Các thuốc được chỉ định theo nguyên nhân
Điều trị đau mắt đỏ phụ thuộc nhiều vào nguyên nhân gây bệnh lý nhãn khoa này. Dựa vào các triệu chứng lâm sàng đã liệt kê phía trên, người bệnh chỉ có thể phỏng đoán được sự tồn tại của đau mắt đỏ, không thể xác định được nguyên nhân gây bệnh lý nhãn khoa này. Chính vì vậy, người bệnh nên đến cơ sở y tế uy tín gần nhất khi có triệu chứng đau mắt đỏ. Tại đó, bác sĩ sẽ khám và chẩn đoán nguyên nhân cũng như mức độ đau mắt đỏ. Dựa trên chẩn đoán ấy, các thuốc điều trị đau mắt đỏ sẽ được chỉ định phù hợp cho người bệnh.
1.1. Thuốc điều trị bệnh lý đau mắt đỏ do virus
Đau mắt đỏ do virus hầu hết là nhẹ và có thể tự biến mất trong 7 – 10 ngày mà không cần điều trị chủ động. Một số trường hợp đau mắt đỏ do virus nặng, bác sĩ có thể chỉ định người bệnh sử dụng thuốc kháng virus, thường là acyclovir.
1.2. Thuốc điều trị đau mắt đỏ do vi khuẩn
Đau mắt đỏ do vi khuẩn nhẹ cũng có thể tự biến mất mà không cần chủ động điều trị, trong 2 – 5 ngày, dài nhất là 2 tuần. Trường hợp nặng đến rất nặng, để điều trị đau mắt đỏ do vi khuẩn, người bệnh cần sử dụng thuốc điều trị tại chỗ hoặc thuốc điều trị toàn thân.
1.2.1. Thuốc điều trị tại chỗ
– Thuốc kháng sinh: Thuốc kháng sinh tại chỗ dạng nhỏ hoặc dạng bôi thường được bác sĩ chỉ định để giới hạn thời gian nhiễm trùng, hạn chế biến chứng, ngăn ngừa phát tán đau mắt đỏ. Cụ thể, các thuốc đó có thể là aminoglycoside (tobramycin, neomycin,…), fluoroquinolone (ofloxacin, ciprofloxacin, levofloxacin, moxifloxacin) hoặc gramicidin/neomycin sulfate/polymyxin B sulfate… Khi nhỏ/bôi thuốc kháng sinh, người bệnh có thể đỏ, nóng, ngứa, châm chích mắt. Các vấn đề này tương đối giống triệu chứng đau mắt đỏ nên người bệnh có thể nghĩ bệnh lý nhãn khoa này đang tiến triển trầm trọng. Tuy nhiên, đỏ, nóng, ngứa, châm chích mắt là các tác dụng phụ của thuốc kháng sinh. Người bệnh bình tĩnh, tiếp tục sử dụng thuốc. Sau 2 ngày, nếu đau mắt đỏ không thuyên giảm, hãy trao đổi với bác sĩ để được tư vấn chi tiết.
– Thuốc chống viêm corticosteroid: Thuốc chống viêm corticosteroid, như prednisolon acetat, fluorometholone… có thể được sử dụng để giảm triệu chứng, giảm sẹo. Tuy nhiên, cần hết sức thận trọng khi sử dụng, vì chúng có thể gây tăng nhãn áp, giảm thị lực…
1.2.2. Thuốc điều trị toàn thân
Các thuốc được chỉ định sử dụng trong trường hợp này là cephalosporin thế hệ 3 (ceftriaxon, ceftazidime), fluoroquinolon dạng uống. Riêng fluoroquinolon chống chỉ định cho người bệnh dưới 16 tuổi.
Ngoài ra, người bệnh có thể cũng được bác sĩ chỉ định thêm các thuốc tăng cường hệ miễn dịch như Vitamin C, B1, B12,…
1.3. Thuốc điều trị đau mắt đỏ do các dị nguyên hay đau mắt đỏ dị ứng
Đau mắt đỏ dị ứng có thể cải thiện chỉ bằng cách loại bỏ dị nguyên. Ngoài ra, người bệnh có thể sử dụng một số thuốc để giảm triệu chứng đau mắt đỏ dị ứng hiệu quả. Các thuốc đó là:
– Thuốc điều trị tại chỗ: Dùng thuốc chống viêm corticosteroid dạng nhỏ như prednisolon acetate 1%, flumetholon 0,1% với liều lượng 6 – 8 lần/ngày trong vài ngày đầu và 3 – 4 lần/ngày khi đau mắt đỏ đã thuyên giảm. Nếu do sưng, đỏ, ngứa, bôi hydrocortisone 1% bôi da mi 3 lần/ ngày.
– Thuốc điều trị toàn thân: Thuốc kháng histamin dạng uống như loratadine, fexofenadine hydrochloride…
2. Một số lưu ý trong điều trị đau mắt đỏ
– Để giảm triệu chứng khô mắt do đau mắt đỏ, người bệnh có thể sử dụng nước mắt nhân tạo.
– Sử dụng nước muối sinh lý 0.9% để vệ sinh, tạo điều kiện cho mắt phục hồi tốt hơn.
– Ngừng trang điểm và đeo kính áp tròng khi đang có đau mắt đỏ. Thay đồ trang điểm và kính áp tròng đã sử dụng trước khi có đau mắt đỏ.
– Sử dụng khăn giấy thay vì khăn mặt để lau mặt và mắt khi đang có đau mắt đỏ.
– Rửa tay nhiều lần trong một ngày, nhất là trước và sau khi ăn, sau khi ho, hắt hơi và sau khi tiểu tiện, đại tiện.
– Không chạm tay vào mắt.
Phía trên là các thuốc điều trị đau mắt đỏ. Theo đó, tùy nguyên nhân, bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh các thuốc khác nhau. Đau mắt đỏ do virus cần điều trị bằng thuốc kháng virus. Đau mắt đỏ do vi khuẩn cần điều trị bằng thuốc kháng sinh và thuốc chống viêm corticosteroid dạng nhỏ, dạng bôi hoặc dạng uống. Còn đau mắt đỏ dị ứng thì cần điều trị bằng thuốc chống viêm corticosteroid dạng nhỏ, dạng bôi và thuốc kháng histamin dạng uống. Nhớ rằng, các thuốc này chỉ phát huy hiệu quả khi bạn sử dụng chúng dưới sự hướng dẫn của bác sĩ. Với những thông tin đó, hy vọng bạn và gia đình an toàn trước bệnh lý nhãn khoa đau mắt đỏ.