Bệnh lý đục thủy tinh thể ở người tiểu đường có thể gây tác động tới thị lực của đôi mắt, làm ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của người bệnh. Do đó, nên chủ động đi thăm khám bác sĩ nhãn khoa để được tư vấn và có biện pháp điều trị phù hợp.
Menu xem nhanh:
1. Định nghĩa bệnh đục thủy tinh thể do tiểu đường là gì?
Bệnh đục thủy tinh thể là một loại bệnh thường hay gặp nhiều nhất ở đối tượng người trung niên và người cao tuổi. Bệnh lý này ảnh hưởng trực tiếp đến thị lực của con người, khiến mắt không nhìn rõ sự vật, nhìn sự vật bị mờ, đục, chói, lóa,…
Đục thủy tinh thể do tiểu đường là hiện tượng xảy ra ở những người bị tiểu đường, do hàm lượng sorbitol dư thừa tác động. Chất này tác động tạo thành lớp cặn trong thủy tinh thể. Lâu dần, chúng tác động làm cho thủy tinh thể bị đục, mờ và ảnh hưởng tầm nhìn. Bệnh đục thủy tinh thể do tiểu đường cần phải được phát hiện và điều trị càng sớm càng tốt.
2. Đục thủy tinh thể do tiểu đường có nguy hiểm không?
2.1. Tỉ lệ đục thủy tinh thể ở người bị tiểu đường gia tăng do nguyên nhân nào?
Bệnh đục thủy tinh thể có thể xảy ra với bất cứ đối tượng và giới tính nào, tuy nhiên chúng hay xảy ra với nhóm người già, người cao tuổi. Khi bạn bị mắc bệnh lý đái tháo đường thì sẽ có thể gặp phải bệnh đục thủy tinh thể ở độ tuổi sớm hơn người khác. Bệnh đục thủy tinh thể cũng tiến triển nhanh hơn so với những người không bị tiểu đường.
Một số nguyên nhân sau đây làm gia tăng nguy cơ mắc đục thủy tinh thể đó là:
– Người thường xuyên sử dụng liên tục các loại thuốc lá.
– Người hay lạm dụng rượu bia, chất kích thích.
– Người thường xuyên tiếp xúc với ánh sáng từ mặt trời trong một khoảng thời gian dài.
Ngoài ra, quá trình lão hóa tự nhiên cũng là một trong những nguyên nhân thúc đẩy việc bạn bị đục thủy tinh thể. Khi cơ thể bị lão hóa, mắt cũng sản sinh ra nhiều vấn đề và biến chứng, dẫn tới bệnh đục thủy tinh thể.
2.2. Đục thủy tinh thể ở người tiểu đường có dấu hiệu ra sao?
Đa số đục thủy tinh thể do tiểu đường sẽ có tiến độ phát triển chậm và không gây cản trở thị lực sớm như các dạng đục thủy tinh thể khác. Tuy nhiên, nếu không được điều trị dứt điểm, bệnh cũng sẽ gây ảnh hưởng đến tầm nhìn của người bệnh. Trong nhiều trường hợp, bệnh nhân sẽ thấy mắt có dấu hiệu mờ đục do ảnh hưởng từ đục thủy tinh thể, tuy nhiên dấu hiệu sẽ ít và chỉ một phần nhỏ. Khi tình trạng bệnh tiến triển nặng hơn thì vùng đục thủy tinh thể sẽ lớn hơn, làm che mờ thủy tinh thể và có thể làm biến dạng ánh sáng đi qua tinh thể.
Một số các dấu hiệu đặc trưng khi bị đục thủy tinh thể do tiểu đường đó là:
– Tầm nhìn của mắt sẽ như xuất hiện một lớp màng mờ, phủ sương, khiến người bệnh khó nhìn, quan sát sự vật.
– Mắt bị nhòe đi nhanh chóng.
– Thấy xuất hiện những đốm nhỏ ở trước mắt.
– Xuất hiện dấu hiệu lóa mắt khi tiếp xúc với ánh sáng chói.
– Xuất hiện các quầng sáng hình tròn xung quanh các tia sáng.
– Mắt thường chỉ quan sát được sự vật với màu vàng.
3. Những nguyên nhân nào có thể gây đục thủy tinh thể bên cạnh bệnh tiểu đường
Thủy tinh thể là bộ phần nằm ở vị trí đằng sau tròng đen và đồng tử. Thủy tinh thể hoạt động giống như chức năng của ống kính máy ảnh. Chúng giúp tập trung ánh sáng tại võng mạc ở phía sau mắt. Hình ảnh sẽ được ghi lại ở vị trí này. Ngoài ra, thủy tinh thể cũng giúp điều chỉnh khả năng hội tụ của mắt, cho phép mắt nhìn thấy rõ ràng sự vật, bao gồm ở gần và xa. Thủy tinh thể cũng được hình thành từ nước và protein. Khi các protein sắp xếp chính xác thì thủy tinh thể sẽ có độ trong suốt, lúc này ánh sáng đi qua dễ dàng.
Theo thời gian, quá trình lão hóa xảy ra làm cho các protein có xu hướng co cụm lại với nhau, làm mờ đi một số khu vực trong thủy tinh thể. Nếu vùng thủy tinh thể bị đục lan rộng ra, mắt sẽ càng ngày càng khó nhìn hơn.
Đục thủy tinh thể do tiểu đường xảy ra chủ yếu do biến chứng từ bệnh tiểu đường. Ngoài ra, có một số yếu tố khác là nguyên nhân gây đục thủy tinh thể đó là:
– Trong gia đình từng có thành viên bị đục thủy tinh thể. Lúc này bệnh thủy tinh thể sẽ xảy ra do yếu tố di truyền.
– Người có thời gian dài sử dụng chất corticosteroid.
4. Các biện pháp chẩn đoán và điều trị bệnh đục thủy tinh thể do tiểu đường?
4.1. Làm thế nào để chẩn đoán bệnh đục thủy tinh thể do tiểu đường?
Khi tới bệnh viện thăm khám bác sĩ, bác sĩ sẽ thực hiện việc kiểm tra mắt toàn diện bao gồm các bước sau:
– Hỏi thông tin về triệu chứng lâm sàng mà người bệnh gặp phải.
– Thực hiện kiểm tra thị lực: việc này giúp bác sĩ kiểm tra khả năng nhìn sự vật của bệnh nhân khi ở các khoảng cách khác nhau.
– Sử dụng thuốc giãn đồng tử: bác sĩ sẽ cho bệnh nhân nhỏ thuốc giãn đồng tử. Sau đó sử dụng dụng cụ soi đáy mắt để kiểm tra tình trạng võng mạc, các dây thần kinh thị giác xem bệnh nhân có các dấu hiệu tổn thương hoặc các bệnh lý mắt khác hay không.
– Thực hiện đo nhãn áp: bác sĩ sẽ nhỏ thuốc tế cho bệnh nhân, sau đó sử dụng dụng cụ để đo áp lực bên trong nhãn cầu.
Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể chỉ định bệnh nhân làm một số xét nghiệm khác tùy từng trường hợp bệnh nặng hay nhẹ.
4.2. Điều trị đục thủy tinh thể do tiểu đường như thế nào?
Nếu bệnh đang ở mức độ nhẹ, bệnh nhân có thể sẽ chỉ cần sử dụng thêm kính và thường xuyên sử dụng các loại kính chống chói. Tuy nhiên, nếu như bệnh đã tiến triển nặng, gây suy giảm thị lực, cản trở tầm nhìn, bác sĩ có thể sẽ chỉ định bệnh nhân thực hiện thay thủy tinh thể nhân tạo.
Việc sử dụng loại phẫu thuật đục thủy tinh thể có cần thiết hay không sẽ phụ thuộc vào chỉ định của bác sĩ nhãn khoa. Người bệnh không nên xem thường các triệu chứng của bệnh mà nên chủ động đi thăm khám bác sĩ nếu như thấy xuất hiện các triệu chứng lạ.
Trên đây là những thông tin quan trọng về bệnh lý đục thủy tinh thể do tiểu đường gây ra. Nếu bạn cần tư vấn thêm các thông tin khác về bệnh lý mắt hoặc đặt lịch thăm khám với bác sĩ nhãn khoa, vui lòng liên hệ tới Thu Cúc TCI để chúng tôi có thể hỗ trợ bạn nhanh nhất nhé.