Các bệnh phụ khoa đang có xu hướng ngày càng tăng về số lượng và mức độ nguy hiểm. Có rất nhiều kỹ thuật được áp dụng trong thăm khám phụ khoa, trong đó có nội soi tử cung. Đây là một kỹ thuật xâm lấn an toàn trong việc giúp chẩn đoán và điều trị bệnh lý phụ khoa.
Menu xem nhanh:
1. Tìm hiểu khái quát về phương pháp nội soi tử cung
1.1. Nội soi tử cung là gì?
Nội soi tử cung là phương pháp sử dụng ống nội soi chuyên dụng đầu có gắn camera nhỏ hỗ trợ quan sát cấu trúc bên trong tử cung. Thông thường, trong khi nội soi, bác sĩ sẽ thực hiện lấy mẫu mô nhỏ để làm xét nghiệm hoặc quan sát dưới kính hiển vi.
Với kỹ thuật nội soi này sẽ tìm thấy nguyên nhân gây ra tình trạng xuất huyết trong tử cung, ra máu nhiều trong chu kỳ kinh nguyệt hoặc xuất huyết âm đạo sau mãn kinh. Đồng thời giúp phát hiện u xơ tử cung, polyp nội mạc tử cung hoặc dị dạng bẩm sinh ở tử cung (nguyên nhân của vô sinh).
Nội soi là một phương pháp an toàn và hiệu quả trong việc phát hiện các bệnh lý tại tử cung. Trong một số trường hợp, phương pháp này còn hỗ trợ trong việc điều trị các bệnh lý.
1.2. Khi nào cần thực hiện nội soi tử cung
Phương pháp này thường được áp dụng trong thăm khám phụ khoa. Tùy từng trường hợp mà bác sĩ có chỉ định có nên thực hiện nội soi hay không. Các trường hợp thường được chỉ định đó là:
– Xuất huyết tử cung bất thường: Hành kinh nhiều hoặc kéo dài hơn, chu kỳ thưa hoặc thường xuyên hơn so với bình thường. chảy máu âm đạo, chảy máu sau thời kỳ mãn kinh, xuất huyết đột ngột giữa các lần hành kinh…
– Có sẹo dính trong tử cung do nhiễm trùng hoặc các lần phẫu thuật trước đó, thường kết hợp với dụng cụ đốt để loại bỏ sẹo.
– Chẩn đoán và phân biệt u xơ tử cung với polyp dưới niêm mạc, có độ nhạy và độ đặc hiệu cao.
– Quan sát hình dạng, kích thước tử cung để đánh giá nguyên nhân gây vô sinh.
– Kết hợp nội soi với các phương pháp xét nghiệm khác để tìm ra nguyên nhân sảy thai liên tiếp.
– Đặt dụng cụ tránh thai hoặc tìm và gỡ bỏ vòng tránh thai đặt sai vị trí.
Phương pháp nội soi này chỉ được chỉ định khi bác sĩ thấy có các dấu hiệu bất thường mà không quan sát được bằng phương pháp siêu âm.
Nếu chị em có những dấu hiệu sau thì có thể báo với bác sĩ để được thực hiện nội soi:
– Đau quặn vùng bụng dưới, các cơn đau xuất hiện theo từng đợt.
– Khí hư ra nhiều, có mùi hôi và màu sắc bất thường như (vàng, xanh hoặc dịch nhầy, bã đậu…)
– Đau khi quan hệ tình dục.
– Ngứa ngáy, khó chịu tại vùng kín.
– Da khô, rụng tóc, suy giảm ham muốn dù chưa tới thời kỳ mãn kinh.
Đây chỉ là một trong số các dấu hiệu bất thường báo hiệu tình trạng tại cơ quan sinh sản và nội tiết đang gặp vấn đề.
2. Cách thực hiện và những điều cần lưu ý trước khi nội soi
2.1. Quy trình thực hiện nội soi tử cung
Bước 1: Chuẩn bị
– Các dụng cụ thực hiện cần được vô trùng và đảm bảo máy móc hoạt động bình thường.
– Bạn cần thông tiểu làm trống bàng quang trước khi thực hiện nội soi.
– Nằm ngửa trên bàn với tư thế sản khoa.
Bước 2: Tiến hành nội soi
– Bác sĩ sẽ tiến hành rửa âm đạo bằng dung dịch sát khuẩn và đặt mỏ vịt vào âm đạo để mở đường đi cho ống nội soi.
– Sau khi đưa ống nội soi, bác sĩ sẽ tiến hành quan sát cẩn thận thành tử cung, ghi hình và thực hiện sinh thiết các tổn thương (nếu có).
– Bác sĩ có thể kết hợp điều trị cắt bỏ khối u trong khi nội soi hoặc kết hợp với nội soi ổ bụng để phối hợp quan sát mặt ngoài tử cung.
Bước 3: Nhận kết quả
– Thời gian thực hiện nội soi này thường kéo dài khoảng 15 -30 phút.
– Dựa trên hình ảnh quan sát, bác sĩ sẽ đánh giá tình trạng tử cung và các tổn thương tại đây (nếu có).
2.2. Nên chú ý điều gì trước và sau khi thực hiện nội soi?
Các biến chứng nguy hiểm sau khi thực hiện phương pháp nội soi này rất hiếm. Với tỷ lệ nhỏ nhưng vẫn có khả năng xảy ra một số biến chứng như:
– Dị ứng với thuốc mê/ gây tê.
– Chảy máu nhiều hoặc hình thành cục máu đông.
– Viêm nhiễm vùng chậu.
– Tổn thương gây rách hoặc thủng tử cung.
Để hạn chế nguy cơ biến chứng này, chị em nên tuân theo hướng của bác sĩ khi thực hiện và thông báo cho bác sĩ nếu đang trong các trường hợp sau:
– Có hoặc đang nghi ngờ mang thai.
– Đang sử dụng các loại thuốc nào và có tiền sử dị ứng thành phần nào không.
– Điều trị nhiễm trùng âm đạo, tử cung trong 6 tuần gần đây.
– Không thực hiện trong chu kỳ kinh nguyệt để dễ phát hiện các tổn thương.
– Không thụt rửa, sử dụng tampon, cốc nguyệt san hoặc các loại thuốc đặt âm đạo trong vòng 24 -48 giờ trước khi nội soi.
Sau khi thực hiện nội soi, nếu chị em có sử dụng tiêm gây mê thì nên lưu ý để tránh gây ảnh hưởng tới sức khỏe:
– Không quan hệ tình dục trong vòng 3-5 ngày kể từ khi thực hiện thủ thuật.
– Có thể bị chảy một lượng máu nhỏ tại vùng kín, điều này là hoàn toàn bình thường. Sau khi thực hiện, cơ thể sẽ có cảm giác đau nhẹ và khó chịu. Nếu có kèm theo tình trạng sốt rét, xuất huyết nặng thì cần liên lạc với bác sĩ để tìm nguyên nhân và xử lý kịp thời.
Nội soi tử cung là một thủ thuật xâm lấn an toàn, tuy nhiên không thể tránh được những biến chứng có thể xảy ra, do vậy mà nên lựa chọn địa chỉ uy tín và chất lượng để thực hiện.
Hệ thống y tế Thu Cúc TCI đang là một trong số những địa chỉ y tế nhận được tin tưởng khi lựa chọn tầm soát sức khỏe. Tại đây quy tụ đội ngũ chuyên gia, bác sĩ với trình độ chuyên môn cao, luôn tận tâm vì mục tiêu bảo vệ sức khỏe cho người dân. Cùng với đó là sự đầu tư về trang thiết bị máy móc, công nghệ hiện đại hỗ trợ quá trình thăm khám nhanh chóng nhưng vẫn đảm bảo an toàn và độ chính xác của kết quả.
Các bệnh lý phụ khoa không chỉ gây ảnh hưởng tới sức khỏe mà còn ảnh hưởng tới tâm lý và hạnh phúc của gia đình. Vì vậy, chị em nên chủ động thực hiện tầm soát ung thư định kỳ để phát hiện sớm các bệnh lý nguy hiểm. Từ đó có những phác đồ điều trị bệnh hiệu quả và bảo vệ sức khỏe một cách tốt nhất.