Ung thư là bệnh lý không còn xa lạ với nhiều người nhưng đa số chúng ta vẫn chưa hiểu rõ về các phương pháp khám tầm soát ung thư. Trong bài viết này, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu về các phương pháp thăm khám thường được sử dụng cho từng dạng ung thư phổ biến tại Việt Nam.
Menu xem nhanh:
1. Các phương pháp khám tầm soát ung thư phổ biến
Theo thống kê về các bệnh ung thư tại Việt Nam, 5 dạng ung thư thường gặp nhất ở cả 2 giới lần lượt là ung thư gan, ung thư phổi, ung thư dạ dày, ung thư vú, ung thư đại trực tràng.
1.1. Phương pháp khám tầm soát ung thư tối ưu cho từng dạng ung thư
Với sự phát triển hiện đại của y học, chúng ta đã có rất nhiều phương pháp kiểm tra, tầm soát ung thư sớm. Mỗi phương pháp này sẽ có những ưu – nhược điểm khác nhau và tối ưu nhất khi sử dụng để tầm soát các dạng ung thư khác nhau.
Loại ung thư | Phương pháp tầm soát |
Ung thư gan | – Siêu âm gan – Sinh thiết gan – Chụp cắt lớp CT – Chụp cộng hưởng từ MRI |
Ung thư phổi | – Chụp X-quang – Chụp cắt lớp CT – Soi phế quản – Sinh thiết xuyên thành ngực |
Ung thư dạ dày | – Nội soi dạ dày – Sinh thiết dạ dày – Chụp cắt lớp CT |
Ung thư vú | – Siêu âm – Chụp X-quang tuyến – Chụp cộng hưởng từ MRI |
Ung thư đại trực tràng | – Nội soi đại tràng – Chụp cắt lớp CT – Sinh thiết |
1.2. Tính chính xác của các phương pháp khám tầm soát ung thư
Tầm soát ung thư có ý nghĩa quan trọng trong việc hỗ trợ phát hiện và điều trị bệnh. Tỷ lệ chữa bệnh thành công có thể lên tới 80-90% nếu bệnh nhân được phát hiện và chữa trị sớm. Bên cạnh đó, việc sàng lọc và điều trị sớm ung thư giúp bệnh nhân có thể giảm bớt đau đớn khi điều trị, tiết kiệm thời gian và tiền bạc. Đây là những lợi ích mà khi phát hiện ung thư muộn không thể có được.
Tuy vậy, nhiều người vẫn đắn đo về tính chính xác của các phương pháp tầm soát ung thư. Không chỉ tầm soát ung thư, bất kỳ phương pháp y học nào cũng đều có xác suất sai sót. Nhưng với sự phát triển hiện nay của y học, các phương pháp tầm soát ung thư có độ chính xác khá cao. Trong đó, phương pháp có độ chính xác cao nhất là sinh thiết mô tại khu vực nghi ngờ ung thư nhằm phát hiện sự tồn tại của các tế bào ác tính.
Sinh thiết được coi là một thủ thuật khá an toàn nhưng trong một vài trường hợp nhất định cũng có thể gây ra các tác dụng phụ. Nguyên nhân vì bản chất của sinh thiết là thủ thuật có xâm lấn, thường được thực hiện thông qua phẫu thuật. Vì vậy, khi tiến hành tầm soát ung thư, các bác sĩ thường sẽ kết hợp nhiều phương pháp kiểm tra khác nhau.
Quy trình khám tầm soát ung thư thường bắt đầu với việc khai thác bệnh sử gia đình và bản thân người bệnh, khám lâm sàng. Sau khi có kết luận cơ bản, bác sĩ sẽ chỉ định thêm 1 số phương pháp tầm soát cơ bản như siêu âm, X-quang, xét nghiệm máu…
Nếu kết quả kiểm tra tầm soát cơ bản nghi ngờ có dấu hiệu ung thư thì đó sẽ là cơ sở để thực hiện các phương pháp tầm soát chuyên sâu hơn. Chụp cắt lớp CT, nội soi và chụp MRI là các phương pháp tầm soát hiện đại, cho độ chính xác cao. Không chỉ khẳng định được sự có mặt của ung thư mà các phương pháp kiểm tra này còn cung cấp thông tin về mức độ xâm lấn của khối u. Tương ứng với đó, chi phí thực hiện của các phương pháp này cũng khá cao.
2. Lưu ý khi đi khám tầm soát ung thư
Tương tự như khi khám sức khỏe thông thường, bạn cũng cần thực hiện một số lưu ý nhằm đảm bảo kết quả tầm soát ung thư được chính xác. Dưới đây sẽ là những lưu ý theo từng phương pháp tầm soát ung thư mà bạn cần biết:
– Xét nghiệm máu: Để thực hiện xét nghiệm máu, người bệnh buộc phải nhịn ăn tối thiểu 6 tiếng. Ngoài ra, bác sĩ có thể yêu cầu bạn phải nhịn ăn lâu hơn tùy theo yêu cầu kỹ thuật của thủ thuật xét nghiệm.
– Chụp X-quang: Bạn phải bỏ đồ trang sức, các vật dụng bằng kim loại bởi chúng sẽ gây cản trở cho quá trình thực hiện kỹ thuật. Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể yêu cầu bạn sử dụng thuốc cản quang. Để chụp X-quang đường tiêu hóa, bạn cần làm sách ruột trước khi chụp. Bạn cũng nên lưu ý không sử dụng sản phẩm khử mùi trước khi chụp X-quang để tránh hiển thị kết quả sai lệch trên phim chụp.
– Siêu âm: Phương pháp này có thể thực hiện ngay mà không cần chuẩn bị gì. Tuy nhiên với một số vị trí siêu âm nhất định, bạn cần lưu ý để cho kết quả hình ảnh chính xác. Ví dụ, siêu âm túi mật, bạn nên nhịn ăn trên 6 tiếng. Siêu âm vùng tiểu khung yêu cầu người bệnh nên nhịn tiểu. Với vị trí siêu âm dạ dày và tụy, bệnh nhân cần uống nước trước khi khám. Bệnh nhân phải đi tiểu trước khi siêu âm đầu dò âm đạo. Người tham gia siêu âm bụng tổng quát nên ăn nhẹ trước khi khám.
– Nội soi: Hạn chế sử dụng các thực phẩm có màu và nên nhịn ăn trên 6 tiếng trước khi khám. Người bệnh được yêu cầu phải làm sạch đường tiêu hóa để việc quan sát hiệu quả hơn.
– Chụp cắt lớp CT: Đối với những đối tượng phải tiêm thuốc cản quang, cần nhịn ăn trên 4 tiếng. Bạn cũng phải tháo bỏ những đồ trang sức kim loại để tránh hiện tượng nhiễu ảnh.
– Chụp cộng hưởng từ MRI: Về mặt nguyên tắc, người bệnh khi chụp MRI có thể ăn uống và sử dụng các loại thuốc theo đơn như bình thường. Tuy nhiên,với một số trường hợp, bạn sẽ được yêu cầu không ăn uống ít nhất 4 tiếng để việc khảo sát hình ảnh được rõ ràng hơn. Người bệnh cũng sẽ phải tháo bỏ các vật dụng kim loại trên cơ thể để đảm bảo an toàn. Phương pháp này cũng chống chỉ định cho người có mang các vật kim loại có từ tính như máy tạo nhịp, thay khớp kim loại, nẹp vít xương…
Tầm soát ung thư là biện pháp hiệu quả giúp bạn dự phòng nguy cơ mắc ung thư. Tuy vậy, để đảm bảo kết quả tầm soát chính xác và có thể tiết kiệm chi phí tối đa, bạn cần tìm hiểu kỹ càng và lựa chọn gói tầm soát cũng như cơ sở y tế uy tín. Chúc bạn sức khỏe!