Mất ngủ là dạng rối loạn giấc ngủ phổ biến với các biểu hiện như khó đi vào giấc ngủ, ngủ không sâu, dễ bị giật mình, thức dậy khi ngủ, khó trở lại giấc ngủ. Người bệnh thường thức dậy rất sớm và cảm giác mệt mỏi sau khi thức dậy. Tình trạng này kéo dài có thể gây khó chịu và làm ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe, hiệu suất làm việc cũng như chất lượng cuộc sống của người bệnh. Vậy nguyên nhân mất ngủ thường gặp là gì và cách khắc phục ra sao, hãy cùng tìm hiểu ngay sau đây.
Menu xem nhanh:
1. Nguyên nhân mất ngủ do yếu tố khách quan
1.1 Môi trường
Các nghiên cứu cho thấy môi trường sống có ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng giấc ngủ.. Nếu môi trường xung quanh có nhiều tiếng ồn hay ánh sáng quá mạnh sẽ khiến người bệnh khó đi vào giấc ngủ, ngủ không sâu giấc.
1.2 Không gian phòng ngủ
Nghiên cứu chỉ ra không gian phòng ngủ có thể quyết định đến 70% chất lượng giấc ngủ của mỗi người. Cụ thể, nếu phòng ngủ quá kín, chật hẹp, ẩm thấp hay có nhiệt độ quá cao sẽ làm cho cơ thể không thoải mái để đi vào và duy trì giấc ngủ.
1.3 Lịch trình du lịch hoặc làm việc
Nhịp sinh học của cơ thể cũng giống như một đồng hồ hoạt động với chu kỳ nhất định. Khi nhịp sinh học bị thay đổi, có thể do lệch múi giờ khi sang nước ngoài, làm việc quá muộn hoặc sớm thay đổi liên tục thì sẽ khiến bạn khó ngủ hoặc không thể ngủ.
1.4 Thuốc
Một số loại thuốc điều trị bệnh có kê toa như thuốc trầm cảm, thuốc chữa trị hen suyễn, thuốc trị huyết áp… có thể có tác dụng phụ tác động đến giấc ngủ của người bệnh. Một số loại thuốc không kê đơn như thuốc giảm đau, dị ứng, cảm lạnh; thuốc hỗ trợ giảm cân có thành phần caffeine và chất kích thích làm cản trở quá trình ngủ.
2. Nguyên nhân mất ngủ do yếu tố chủ quan
2.1 Tuổi tác – Nguyên nhân mất ngủ thường gặp ở người cao tuổi
Người cao tuổi thường có xu hướng mất ngủ. Họ thường “thính ngủ”, dễ bị đánh thức bởi các âm thanh, ánh sáng hoặc các tác động khác từ môi trường xung quanh. Tuổi càng cao, người bệnh càng bị mệt mỏi vào buổi tối và thức dậy rất sớm hơn vào buổi sáng. Mặt khác, quá trình lão hóa có thể khiến chức năng của các cơ quan nội tạng kém đi làm giảm thời gian và nhu cầu về giấc ngủ. Các loại bệnh tật cũng có thể gây các triệu chứng khó chịu, làm ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ của người già.
2.2 Mang thai
Những thay đổi hormone trong cơ thể ở phụ nữ đang mang bầu, phụ nữ tiền mãn kinh có thể tác động, gây bất thường về tâm sinh lý. Đây là một trong những nguyên nhân gây ra hiện tượng thiếu ngủ. Nhiều trường hợp phụ nữ sau sinh mắc bệnh trầm cảm cũng có thể bị thiếu ngủ.
2.3 Thói quen ngủ xấu
Ngủ không đúng giờ, không ngủ trưa, chỗ ngủ không thoải mái có thể gây bất thường trong nhịp thức ngủ. Ngoài ra, hoạt động mạnh, xem tivi, sử dụng điện thoại, máy tính, chơi game,… trước khi ngủ cũng là nguyên nhân khiến bạn khó đi vào giấc ngủ, ngủ không ngon giấc.
2.4 Các bệnh lý
Một số bệnh lý mạn tính như đau đầu, ung thư, tiểu đường, bệnh tim, hen suyễn, bệnh Parkinson, Alzheimer… có thể liên quan đến chứng mất ngủ.
Người mắc chứng rối loạn lo âu, rối loạn sau sang chấn tâm lý cũng có thể bị ảnh hưởng tới giấc ngủ. Bên cạnh đó, thức dậy quá sớm có thể là biểu hiện của bệnh trầm cảm.
Tình trạng ngưng thở trong lúc ngủ là một trong những nguyên nhân khiến giấc ngủ bị gián đoạn mỗi đêm.
2.5 Ăn uống không khoa học
Nếu bạn sử dụng các loại đồ uống và các sản phẩm có chứa caffeine, nicotine, bia rượu, trà, nước có gas,… vào buổi chiều muộn, buổi tối hay trước khi đi ngủ thì bạn rất dễ mất ngủ vào ban đêm. Bởi nicotine có trong thuốc lá là chất kích thích sẽ làm cản trở giấc ngủ. Bia rượu có thể làm bạn dễ đi vào giấc ngủ tuy nhiên nó lại làm gián đoạn các giai đoạn của giấc ngủ, làm bạn thức giấc giữa đêm và ngủ không ngon giấc..
2.6 Ít hoạt động thể chất
Việc thiếu hoạt động có thể làm cơ thể thiếu khỏe khoắn, dẻo dai và luôn trong tình trạng mệt mỏi. Việc ngủ trưa hoặc ngủ vào ban ngày quá nhiều cũng gây ảnh hưởng tới giấc ngủ vào buổi tối.
2.7 Áp lực, căng thẳng, stress
Áp lực từ công việc, học tập, gia đình, sức khỏe, tài chính có thể khiến tâm trí hoạt động nhiều vào ban đêm, khiến bạn khó ngủ. Các sự kiện trong cuộc sống hoặc chấn thương về mặt tinh thần như cái chết hoặc bệnh tật của người thân, đổ vỡ tình cảm, ly dị, mất việc,… cũng có thể dẫn đến chứng mất ngủ.
3. Cách khắc phục chứng mất ngủ
Từ những nguyên nhân kể trên, có thể thấy việc xây dựng thói quen ngủ khoa học giúp tránh được bệnh mất ngủ và giúp giấc ngủ của bạn chất lượng hơn. Các phương pháp cải thiện giấc ngủ bao gồm:
– Tập ngủ đúng giờ, đảm bảo thời gian đi ngủ và thức dậy đều đặn mỗi ngày, kể cả ngày cuối tuần. Hạn chế ngủ quá nhiều vào buổi trưa.
– Hoạt động thể chất thường xuyên giúp giấc ngủ ngon hơn, tuy nhiên không nên hoạt động mạnh trước khi đi ngủ.
– Kiểm tra thành phần các loại thuốc đang sử dụng có yếu tố gây mất ngủ hay không.
– Tránh sử dụng thức uống có chứa caffeine và các chất kích thích khác, không hút thuốc lá.
– Không ăn hoặc uống trước khi đi ngủ.
– Thư giãn trước khi vào giấc ngủ bằng cách tắm nước ấm, đọc sách, nghe nhạc,…
Nếu tình trạng mất ngủ kéo dài hoặc nặng hơn gây nhiều khó chịu, hãy đi khám sớm để được tư vấn và điều trị kịp thời. Tùy vào tình trạng mất ngủ của từng bệnh nhân và các yếu tố liên quan mà các bác sĩ sẽ cho bạn sử dụng một số loại thuốc hoặc đưa ra phác đồ điều trị phù hợp.
Như vậy, nguyên nhân mất ngủ rất đa dạng. Tìm ra đúng nguyên nhân gây mất ngủ giúp ích rất lớn cho quá trình điều trị căn bệnh này. Khi nhận thấy các biểu hiện mất ngủ, hay đi khám sớm tại chuyên khoa Nội thần kinh để được chẩn đoán và điều trị hợp lý.