Gây tê ngoài màng cứng là phương pháp được ứng dụng phổ biến nhất hiện nay trong việc làm giảm các cơn đau chuyển dạ, chủ yếu với các ca sinh thường. Phương pháp này hiện được gắn liền với việc “đi đẻ không đau”. Thế nhưng, điều khiến các mẹ bầu băn khoăn là liệu gây tê màng cứng có nguy hiểm không? Có ảnh hưởng tới sức khỏe của mẹ và bé sau khi sinh không?
Menu xem nhanh:
1. Gây tê ngoài màng cứng, “đẻ không đau”
Với những thai phụ quá nhạy cảm, không thể chịu được những cơn đau khi chuyển dạ sinh thường, tùy theo tình trạng sức khỏe mà bác sĩ gây mê, gây tê sẽ cân nhắc chỉ định thực hiện gây tê ngoài màng cứng.
Phương pháp này được thực hiện bởi các bác sĩ gây tê có chuyên môn. Trước khi bước vào ca sinh và thực hiện gây tê ngoài màng cứng, các mẹ sẽ được bác sĩ gây tê khám và đánh giá tình trạng sức khỏe vào tuần 34 đến 36. Nếu đủ điều kiện thực hiện, quá trình chuyển dạ, sinh thường, thai phụ sẽ được tiến hành gây tê để giảm bớt cơn đau do co tử cung, giãn cổ tử cung.
Quy trình thực hiện gây tê ngoài màng cứng diễn ra nhanh chóng và không quá phức tạp:
– Thai phụ được hướng dẫn nằm trên giường sinh, quay nghiêng người và cuộn tròn.
– Bác sĩ gây tê sẽ sát trùng vùng lưng để chuẩn bị tiến hành gây tê.
– Kim chuyên dụng sẽ được dùng để luồn một ống thông catheter mảnh vào khoang màng cứng.
– Kim được rút ra, ống thông catheter được cố định với bơm tiêm điện nhằm duy trì lượng thuốc gây tê trong quá trình sinh.
– Thuốc tê thử nghiệm được tiêm để xác định vị trí của vùng ngoài màng cứng tại cột sống.
– Đưa đầy đủ lượng thuốc tê cần dùng vào khoang ngoài màng cứng. Cảm giác đau tại vùng lưng chậu giảm đi rõ rệt. Quá trình sinh và gây tê, thai phụ được theo dõi các chỉ số liên tục nhằm đảm bảo an toàn.
– Kết thúc ca sinh, ống truyền sẽ được tháo bỏ khỏi cơ thể của mẹ mà không gây đau, khó chịu cho sản phụ.
2. Gây tê ngoài màng cứng có loại bỏ triệt để cơn đau không?
Trong quá trình sinh, phương pháp gây tê ngoài màng cứng sẽ giúp cho cơn gò tử cung của thai phụ trở nên dễ chịu hơn. Người mẹ vẫn nhận biết được những cơn gò này và vẫn cần thực hiện các thao tác rặn đẻ bình thường để giúp thai nhi ra ngoài. Mẹ cũng sẽ cảm nhận được quá trình đẩy em bé ra từ từ, cảm giác tức ở hậu môn và âm đạo, từ đó phối hợp tốt hơn với sự chỉ dẫn của bác sĩ và nữ hộ sinh.
Bác sĩ chỉ thực hiện gây tê màng cứng khi cổ tử cung của thai phụ mở khoảng 2 – 3 cm. Các mẹ sẽ thấy tác dụng của thuốc tê sau khoảng từ 10 đến 15 phút. Thuốc gây tê cũng sẽ tác dụng lên hệ tim mạch và thần kinh trung ương của thai phụ.
Đặc biệt, các mẹ bầu cần chú ý, thuốc gây tê ngoài màng cứng có đem lại tác dụng giảm đau nhiều hay không còn phụ thuộc vào tư thế thực hiện trong quá trình gây tê và liều lượng thuốc bác sĩ sử dụng. Ngoài ra, gây tê ngoài màng cứng cũng có thể mang lại nhiều tác dụng phụ cho sản phụ sau sinh.
3. Đi sinh thực hiện gây tê màng cứng có nguy hiểm không?
Gây tê ngoài màng cứng là phương pháp được áp dụng phổ biến trong quá trình sinh nở. Tuy nhiên, nếu được thực hiện không đúng cách, tay nghề bác sĩ không đủ tốt, phương pháp này vẫn có thể để lại nhiều biến chứng cho sản phụ.
3.1. Thực hiện “đẻ không đau”, gây tê màng cứng có nguy hiểm không?
“Đẻ không đau”, phương pháp mà bất cứ mẹ bầu nào cũng mong muốn được trải nghiệm. Tuy nhiên, có rất nhiều mẹ thắc mắc không rõ thực hiện gây tê ngoài màng cứng liệu có nguy hiểm không?
Theo các bác sĩ chuyên khoa, gây tê ngoài màng cứng thực tế không gây nguy hiểm cho các mẹ và em bé sau khi sinh. Tuy nhiên, với những trường hợp tay nghề bác sĩ kém, liều lượng thuốc đưa vào cơ thể không phù hợp cũng có thể mang tới nhiều tác dụng phụ không mong muốn.
Đặc biệt, với những trường hợp chống chỉ định sau đây, việc gây tê ngoài màng cứng sẽ không được thực hiện:
– Thai phụ có bệnh lý nhiễm trùng tại chỗ, nhiễm trùng toàn thân.
– Thai phụ bị dị ứng với một vài thành phần của thuốc tê.
– Thai phụ có sử dụng thuốc chống đông máu hoặc các loại thuốc có thành phần chống đông máu trong quá trình mang thai.
– Chất lượng máu, thành phần trong máu không phù hợp để thực hiện thủ thuật.
– Người có các bệnh lý về tim mạch hoặc bệnh gan mãn tính.
– Người có vấn đề, bệnh lý về cột sống, có dấu hiệu viêm nhiễm tại vùng lưng.
– Người có bệnh lý về hệ thần kinh, tiền sử động kinh, co giật.
3.2. Đi đẻ gây tê màng cứng có nguy hiểm không? Thai phụ có thể gặp những tác dụng phụ nào?
Tuy có thể mang đến một vài tác dụng phụ cho mẹ bầu nhưng gây tê ngoài màng cứng lại không ảnh hưởng tới thai nhi. Phương pháp này chỉ giúp ngăn chặn quá trình dẫn truyền cảm giác đau ở các dây thần kinh của mẹ mà không gây hại cho bé.
Những tác dụng phụ mà phương pháp này có thể gây ảnh hưởng tới mẹ gồm:
– Làm hạ huyết áp: Thuốc gây tê có thể tác động tới các dây thần kinh, từ đó chi phối, làm giãn nở mạch máu khiến huyết áp bất ngờ tụt xuống. Vì vậy, thai phụ có thể cảm thấy đau đầu, chóng mặt, choáng, nôn nao,…
Vì vậy, trong ca sinh, chị em luôn được gắn các điện cực kết nối máy Monitor, theo dõi nhịp tim, chỉ số huyết áp để đảm bảo huyết áp ổn định suốt quá trình sinh nở, có biện pháp xử lý, cải thiện kịp thời.
– Tụ máu ngoài màng cứng: Mạng lưới tĩnh mạch xuất hiện rất nhiều ở khoang ngoài màng cứng. Nếu bác sĩ thực hiện có sơ suất, tiêm thuốc vào những mạch máu này sẽ dẫn đến tình trạng xuất huyết ra ngoài màng cứng, tụ máu, ảnh hưởng đến tủy sống của sản phụ. Nếu kéo dài, phản ứng có thể xảy ra bao gồm liệt tứ chi, dây thần kinh bị chèn ép, tổn thương nghiêm trọng. Bởi vậy, phương pháp gây tê ngoài màng cứng không được sử dụng với những trường hợp rối loạn đông máu hay sử dụng thuốc chống đông máu.
– Nhiễm trùng: Quá trình sinh nở, mẹ bầu rất dễ bị nhiễm trùng, viêm. Nếu vi khuẩn tấn công vào khoang ngoài màng cứng khi tiêm truyền, tình trạng viêm, áp xe ngoài màng cứng là không thể tránh khỏi. Nghiêm trọng hơn, nhiễm trùng còn có thể tác động đến các dây thần kinh, làm liệt chi dưới của sản phụ.
– Thủng màng cứng: Khi bác sĩ gây tê tay nghề kém, không đảm bảo quá trình thực hiện, màng cứng của chị em có thể bị thủng, gây ra tình trạng thoát dịch não tủy. Triệu chứng nhận biết thoát dịch não tủy gồm đau đầu, chóng mặt, đau nhiều ở chẩm gáy hoặc trước trán, nôn nao khi vận động hoặc đứng ngồi bất chợt.
– Không kiểm soát được hoạt động của bàng quang: Dưới tác động của thuốc tê, dây thần kinh sẽ không thể dẫn truyền cảm giác, bao gồm cảm giác tại bàng quang. Bởi vậy, trong quá trình sinh, mẹ bầu thường được bác sĩ đặt ống thông tiểu tại bàng quang. Khi thuốc tê không còn, cảm giác sẽ quay trở lại và mẹ có thể tiểu tiện bình thường.
– Ngứa ngoài da: Thuốc giảm đau và thuốc tê có thể bao gồm một vài thành phần dễ gây kích ứng, khiến da của sản phụ nổi mẩn, ngứa sau ca sinh.
– Buồn nôn: Như đã chia sẻ, nếu việc gây tê màng cứng dẫn đến thủng màng cứng, sản phụ có thể có cảm giác buồn nôn sau sinh.
– Đau lưng: Gây tê màng cứng làm mất khả năng dẫn truyền cảm giác của dây thần kinh trong một thời gian ngắn. Vì vậy, nó có thể làm ảnh hưởng đến cảm giác của mẹ khi vận động ở những tư thế gây đau lưng. Khi thuốc tê tan hết, các mẹ mới cảm nhận được những cơn đau này rõ rệt hơn.
Gây tê ngoài màng cứng là phương pháp hỗ trợ quá trình sinh nở diễn ra thuận lợi, dễ dàng hơn, được áp dụng nhiều trong Sản khoa. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn cũng như phát huy được hiệu quả thực sự của phương pháp này, các mẹ vẫn nên lựa chọn sinh nở ở một địa chỉ uy tín, có đội ngũ bác sĩ chuyên môn vững và có các thiết bị hỗ trợ theo dõi tình trạng sức khỏe trong quá trình gây tê, sinh nở.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Thu Cúc TCI là một trong những đơn vị luôn cẩn thận với việc thực hiện các phương pháp gây tê cho thai phụ. Thủ thuật này cũng chỉ được tiến hành khi các mẹ bầu đã có buổi khám cùng bác sĩ gây tê, siêu âm khảo sát tình trạng cột sống và các khe đốt sống. Nhờ phương pháp này, hàng ngàn mẹ bầu đã có được trải nghiệm “đẻ không đau” an toàn, thuận lợi tại Thu Cúc TCI.
Trên đây là những thông tin giải đáp cho thắc mắc: “Gây tê màng cứng có nguy hiểm không?” của các mẹ bầu. Hy vọng với những thông tin này, các mẹ có thể cân nhắc lựa chọn cơ sở, địa chỉ thực hiện sinh nở sao cho phù hợp, đảm bảo an toàn, không lo ngại biến chứng, sớm ngày “mẹ tròn, con vuông”.