Đau mí mắt trên: Nguyên nhân và cách phòng tránh

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKII

Nguyễn Thị Xuân Loan

Phó khoa Khám bệnh phụ trách chuyên khoa Mắt

Đau mí mắt trên là tình trạng sưng mí kèm đau có thể liên quan đến việc bị viêm và tích tụ dịch bên trong các mô liên kết xung quanh mắt. Tình trạng này có thể xảy ra do rất nhiều nguyên nhân thông thường như kiệt sức, khóc nhiều hoặc cũng có thể do bệnh lý gây ra. Vậy nguyên nhân và cách phòng tránh đau mí mắt trên là gì? Trong bài viết dưới đây, hãy cùng Thu Cúc TCI tìm câu trả lời cho những thắc mắc trên về tình trạng sưng tấy mí mắt nhé.

1. Tổng hợp một số nguyên nhân gây đau mí mắt trên

Trong thực tế, có rất nhiều nguyên do khiến mắt gặp tình trạng sưng mí mắt, dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến như:

1.1 Đau mí mắt trên do bị lẹo

Lẹo mắt là một loại bệnh nhiễm trùng thường xuất hiện ở góc mi mắt hoặc tuyến dầu. Ban đầu, bệnh thường xuất hiện dưới dạng nốt đỏ nhỏ, hơi sưng ở mí mắt trên. Sau một thời gian ngắn, vết mụn sẽ phát triển thành dạng như mụn mủ và sưng to hơn. Lẹo đa số xuất hiện nhiều ở mí mắt trên, có khả năng lây lan và tái phát lại nhiều lần trong đời.

Đau mí mắt trên do bị lẹo

Lẹo mắt cũng có khả năng cao gây sưng và đau mí mắt (minh họa).

1.2 Đau mí mắt trên do bị chắp

Mắt bị chắp không phải là dạng nhiễm trùng như lẹo mắt mà do tình trạng tắc nghẽn tuyến dầu ở mi mắt. Chắp cũng có dưới dạng mụn mủ to, thường sẽ không gây hại và dễ tái phát lại nhiều lần như khi bị lẹo.

Đau mí mắt trên do bị chắp

Bệnh chắp mắt gây nên đau nhức và sưng mí mắt trên (minh họa).

1.3 Do mắc bệnh Herpes mắt

Herpes mắt do virus có tên Herpes gây nên, chúng tấn công mắt và vùng xung quanh mắt gây sưng mí mắt. Biểu hiện phổ biến của Herpes mắt là có mụn rộp kích thước nhỏ đặc trưng, sưng mí,…

1.4 Bệnh viêm bờ mi

Viêm bờ mi khiến tình trạng mí tiết nhờn, đóng vảy quanh lông mi gây sưng, đau, thậm chí là ngứa. Thực tế, viêm bờ mi là một bệnh mạn tính có thể điều trị khỏi được.

1.5 Do bệnh Grave

Grave là một bệnh rối loạn về nội tiết, làm cho tuyến giáp hoạt động quá tải trong việc sản xuất dịch chống nhiễm trùng mắt. Sự quá tải của kháng thể này làm cho mí mắt sưng đỏ và viêm.

1.6 Do bệnh viêm mô tế bào hốc mắt

Đây cũng là một nguyên nhân gây nên tình trạng mí mắt sưng tấy, vì loại nhiễm trùng này xảy ra ở ngay các mô mí mắt. Viêm mô tế bào hốc mắt cũng dễ lây lan như các bệnh khác và có thể gây đau nhức kèm sưng viêm mi mắt.

1.7 Do đau mắt đỏ

Đau mắt đỏ (viêm kết mạc) là bệnh gây nên tình trạng mắt bị đỏ, sưng mí, hay chảy nước mắt và đau nhức. Bệnh viêm kết mạc có thể bị do các tác nhân như vi khuẩn, virus, nấm, ký sinh trùng hoặc dị ứng.

1.8 Do tắc tuyến lệ

Tắc tuyến lệ là vấn đề dễ mắc phải khi tuyến lệ bị tắc nghẽn, làm cho nước mắt không thể thoát ra bên ngoài. Lúc này mí mắt có thể đau nhẹ, đỏ và kèm theo sưng.

1.9 Do mệt mỏi và kiệt sức

Khi cơ thể làm việc quá độ có thể dẫn đến mệt mỏi và kiệt sức. Khi kiệt sức, các mô quanh mắt giữ nước nhiều vào ban đêm khiến sáng hôm sau mắt chúng ta bị sưng lên, có thể có đỏ và đau mắt.

1.10 Do khóc quá nhiều

Việc bạn khóc quá nhiều và trong thời gian dài khiến tăng lượng máu dẫn đến các mô quanh mắt, điều này có thể làm vỡ mao mạch quanh mắt, gây sưng mí, mắt đỏ và đau nhẹ.

2. Mất bao lâu để tình trạng mí mắt sưng khỏi hoàn toàn?

Chắc hẳn nhiều người thắc mắc rằng khi bị sưng và đau mí mắt như vậy thì bao giờ khỏi hoàn toàn? Câu trả lời là việc ước lượng thời gian hồi phục sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân gây sưng tấy mí mắt trên. Cụ thể như sau:

– Với những nguyên nhân như dị ứng hoặc cọ xát, quá trình hồi phục có thể kéo dài vài giờ thông qua biện pháp chăm sóc tại nhà hoặc sử dụng thuốc kháng dị ứng không kê đơn.

– Sưng mí mắt do phù nề hoặc giữ nước sau khi tiêu thụ lượng muối lớn có thể giảm nhẹ trong vòng 24 giờ, thông qua việc tăng cường uống nước và giảm lượng muối trong cơ thể.

– Trường hợp sưng mí mắt không đau do những vấn đề như nhiễm trùng nhẹ hoặc tắc nghẽn tuyến dầu có thể giảm nhẹ sau 1 đến 3 tuần nếu được chăm sóc đúng cách. Mặt khác, khi có các vấn đề nghiêm trọng như nhiễm trùng da, viêm mô tế bào, thời gian điều trị sẽ kéo dài hơn, đặc biệt nếu không có phản ứng tích cực đối với kháng sinh.

– Đối với những nguyên nhân gây sưng mí mắt nặng nề hơn như suy nội tạng, tiền sản giật hoặc rối loạn tuyến giáp, triệu chứng sưng có thể không cải thiện cho đến khi các vấn đề trên được giải quyết.

3. Cách phòng tránh tình trạng đau mí mắt trên

Bảo vệ mí mắt khỏi nguy cơ sưng và nhức không khó khăn nếu bạn áp dụng những biện pháp phòng ngừa hợp lý. Dưới đây là một số cách đơn giản để bảo vệ đôi mắt của bạn:

3.1 Đeo kính khi ra ngoài

Hãy thực hiện thói quen đeo kính râm khi ra khỏi nhà để bảo vệ mắt khỏi tác động của môi trường như khói, bụi, ô nhiễm và tia cực tím từ ánh nắng mặt trời. Những yếu tố này có thể gây kích ứng, dị ứng và viêm nhiễm mắt.

3.2 Hạn chế dụi mắt

Tránh thói quen dụi mắt hoặc chạm tay vào mắt thường xuyên. Những hành động này có thể tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn xâm nhập và gây nguy cơ viêm nhiễm mắt.

3.3 Lựa chọn mỹ phẩm cẩn thận

Khi sử dụng mỹ phẩm hoặc đồ trang điểm, hãy chọn những sản phẩm được thiết kế để đảm bảo an toàn cho mắt. Kiểm tra sản phẩm trước khi sử dụng để tránh tác động tiêu cực đến mắt.

3.4 Thiết lập chế độ sinh hoạt hằng ngày khoa học

Duy trì một chế độ ăn uống cân đối và nghỉ ngơi đủ giấc để cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho mắt. Điều này giúp bảo vệ sức khỏe mắt và giảm nguy cơ mệt mỏi hoặc nhức mí mắt.

3.5 Kiểm tra mắt định kỳ

Kiểm tra mắt định kỳ

Khách hàng đang thực hiện kiểm tra mắt định kỳ tại TCI (minh họa).

Hãy duy trì thói quen kiểm tra mắt định kỳ hàng năm để theo dõi sức khỏe của mắt và phát hiện sớm các vấn đề như đục thủy tinh thể, cườm nước. Điều này giúp áp dụng biện pháp điều trị kịp thời và giảm rủi ro mất thị lực vĩnh viễn.

Hy vọng những thông tin về nguyên nhân và cách phòng tránh tình trạng đau mí mắt trên hữu ích với bạn đọc. Bạn cũng cần lưu ý là thay vì tự điều trị tại nhà, nên đến bệnh viện để thăm khám và điều trị sớm tình trạng mí mắt sưng đau nhé.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital