Viêm xoang hàm là bệnh lý đường hô hấp thường gặp, ảnh hưởng không nhỏ tới sức khoẻ của người bệnh. Nhân biết sớm các dấu hiệu và triệu chứng của viêm xoang hàm để chủ động điều trị bệnh kịp thời, ngăn chặn các biến chứng có thể xảy ra.
Menu xem nhanh:
1. Viêm xoang hàm là gì?
Xoang hàm là một phần trong hệ thống xoang của cơ thể, nằm ở hai bên gò má và quanh mắt. Viêm xoang hàm xảy ra khi lớp niêm mạc bên trong hốc xoang hàm bị vi khuẩn xâm nhập và gây ra tình trạng sưng tấy, phù nề, và mưng mủ.
Viêm xoang hàm là một trong những loại viêm xoang phổ biến nhất hiện nay, thường xuất hiện khi môi trường và thời tiết thay đổi. Tỷ lệ người mắc viêm xoang hàm ngày càng gia tăng trong nhiều năm trở lại đây do rất nhiều yếu tố tác nhân như môi trường ô nhiễm, nguồn nước kém đảm bảo, đề kháng kém… Nếu không được điều trị kịp thời, viêm xoang hàm cấp tính có thể chuyển sang giai đoạn mạn tính, và đi kèm với đó là những biến chứng nguy hiểm đối với sức khỏe.
2. Dấu hiệu và triệu chứng của viêm xoang hàm
2.1. Viêm xoang hàm cấp tính
Viêm xoang hàm cấp tính thường xuất hiện những triệu chứng như nhức đầu, đau mặt, và cơn đau có thể lan rộng đến khu vực hốc mắt và hai bên thái dương. Cơn đau thường tăng lên vào buổi sáng và buổi trưa, và giảm dần vào buổi chiều tối. Các hoạt động như cúi đầu, gập người, hoặc vận động mạnh có thể làm tăng đau. Bên cạnh đó, người bị viêm xoang hàm cấp tính cũng có thể chảy mũi với nước mũi ban đầu loãng sau đó đặc dần, có màu vàng hoặc có mủ và mùi hôi. Triệu chứng này thường kéo dài trong khoảng 6 tuần và nếu không được điều trị kịp thời có thể chuyển sang giai đoạn mãn tính.
2.2. Viêm xoang hàm mạn tính
Tình trạng viêm xoang thường kéo dài và thường xuyên tái phát được gọi là viêm xoang hàm mạn tính. Viêm xoang hàm mãn tính thường biểu hiện với các dấu hiệu đặc trưng như đau nhức mặt, tắc mũi, và mũi chảy nước hoặc tiết ra dịch mũi màu xanh. Ở giai đoạn này, bệnh ảnh hưởng lớn tới sức khoẻ của người bệnh và việc điều trị dứt điểm thường không dễ dàng, thậm chí có thể gặp các biến chứng nguy hiểm.
3. Nguyên nhân gây bệnh
Vi khuẩn là nguyên nhân chính gây ra viêm xoang hàm. Khi vi khuẩn xâm nhập vào hốc xoang hàm và tấn công niêm mạc, gây viêm nhiễm và kích ứng. Bất kỳ ai cũng có thể mắc viêm xoang hàm nhưng những đối tượng sau thường có nguy cơ mắc cao hơn:
– Những người có các vấn đề về răng miệng như sâu răng, viêm nha chu, viêm nhiễm miệng và các bệnh lý khác liên quan không được điều trị hoặc điều trị chưa đạt hiệu quả.
– Những người có các sai lệch cấu trúc xoang hàm bẩm sinh hoặc do tác động sau phẫu thuật.
– Những người có tiền sử viêm mũi dị ứng hoặc các vấn đề liên quan đến răng miệng.
– Những người đã từng mắc viêm xoang hàm vẫn có nguy cơ tái phát.
– Những người đã từng thực hiện nhổ răng hàm hoặc các phẫu thuật hàm, có nguy cơ bị viêm xoang do tác động của dị vật có thể gây tổn thương trong khoang miệng.
4. Điều trị viêm xoang hàm
Các biện pháp điều trị và xử lý viêm xoang hàm được chỉ định dựa trên tình trạng bệnh cụ thể của từng người bệnh. Trong đó, thuốc là phương pháp phổ biến nhất được áp dụng để điều trị xoang hàm viêm nhiễm. Thông thường, bác sĩ sẽ kê đơn cho các loại thuốc kháng sinh, và có thể kết hợp với thuốc giảm phù nề, giảm đau hoặc chống dị ứng.
Nếu tình trạng bệnh nặng hoặc không đạt hiệu quả sau điều trị thuốc, các phác đồ điều trị chuyên sâu hơn sẽ được áp dụng:
– Chỉnh hình vách ngăn: Điều chỉnh sự bất thường của vách ngăn trong xoang hàm để cải thiện thông khí và dịch mũi xoang.
– Hút mủ xoang hàm: Hút mủ để giảm áp lực và loại bỏ mủ tích tụ trong xoang hàm, giúp cải thiện tình trạng viêm nhiễm.
– Cắt polyp mũi: Phẫu thuật để loại bỏ polyp mũi, tạo sự thông thoáng trong xoang hàm.
– Rửa mũi Proetz: Rửa và làm sạch xoang hàm để loại bỏ chất nhầy và vi khuẩn, cải thiện tình trạng viêm.
Quyết định về phương pháp điều trị cuối cùng sẽ được đưa ra dựa trên đánh giá kỹ lưỡng của bác sĩ và tình trạng sức khỏe của người bệnh. Do đó, người bệnh không nên tự ý điều trị viêm xoang bằng thuốc hoặc bằng mẹo mà nên tham khảo ý kiến của bác sĩ.
5. Phòng ngừa viêm xoang
Để tránh viêm xoang, mọi người hãy áp dụng các biện pháp phòng ngừa sau:
– Đeo khẩu trang khi ra ngoài hoặc khi tới các môi trường có nhiều bụi bặm để bảo vệ đường hô hấp và ngăn ngừa vi khuẩn và bụi xâm nhập vào mũi xoang.
– Giữ môi trường xung quanh luôn sạch sẽ và giảm thiểu khói bụi, chất thải và khói thuốc lá để ngăn ngừa tác nhân xấu làm tổn thương đường hô hấp và tránh kích thích mũi xoang.
– Tránh hít không khí lạnh và khô khi sử dụng máy lạnh hoặc quạt khi ngủ hoặc làm việc. Điều chỉnh nhiệt độ máy lạnh ở mức 27-28 độ C để tránh làm tổn thương niêm mạc mũi xoang.
– Giữ ấm khi đi ra ngoài trong thời tiết lạnh hoặc mưa, đặc biệt khi làm việc vào khuya hoặc sáng sớm.
– Khi tắm hoặc đi bơi, hạn chế để nước vào tai hoặc mũi. Nếu nước vào tai, nghiêng đầu để nước tự thoát ra sau đó lau khô bằng khăn bông sạch. Nếu nước vào mũi, không nên xì cả hai mũi cùng lúc vì điều này có thể làm nước thâm nhập sâu hơn. Vệ sinh mũi thường xuyên bằng nước muối sinh lý hoặc dung dịch vệ sinh bác sĩ chỉ định.
– Tránh stress và làm việc quá sức vì stress có thể làm suy yếu hệ miễn dịch và dễ bị nhiễm trùng.
– Hạn chế sử dụng chung vật dụng cá nhân với người bị viêm xoang để tránh lây lan bệnh.
Dấu hiệu và triệu chứng viêm xoang hàm có thể nhận biết trong quá trình sinh hoạt. Do đó, người bệnh cần cẩn trọng khi phát hiện các dấu hiệu bất thường ở mũi xoang và chủ động đi khám để được bác sĩ tư vấn và điều trị kịp thời.