Dấu hiệu ung thư đại trực tràng thường khó nhận biết ở giai đoạn đầu bởi có thể lầm tưởng thành các vấn đề sức khỏe, bệnh lý đường tiêu hóa khác. Sàng lọc ung thư đại trực tràng là cách để tìm kiếm, phát hiện ung thư trước khi bạn có bất kỳ triệu chứng hoặc dấu hiệu nào.
Menu xem nhanh:
1. Bệnh ung thư đại trực tràng và nguyên nhân hình thành
Cũng như các căn bệnh ung thư, ung thư đại trực tràng xảy ra khi các tế bào phát triển và phân chia không kiểm soát, từ đó hình thành nên khối u tại đại trực tràng. Khối u này có khả năng tiến triển xuyên qua nhiều lớp của thành đại trực tràng và xâm lấn đến các hạch bạch huyết và di căn đến các cơ quan xa trên cơ thể.
Những tế bào bất thường có thể đến từ các polyp đại trực tràng. Ở một số người bệnh được phát hiện có polyp đại tràng tiền ung thư rồi trở thành ung thư đại trực tràng. Chưa có nguyên nhân xác định dẫn đến ung thư đại trực tràng hay polyp mà có một số yếu tố nguy cơ làm tăng nguy cơ phát triển bệnh đó là:
Mắc các bệnh lý như: Viêm loét đại tràng mạn tính, bệnh Crohn, có nhiều polyp, polyp tuyến, polyp răng cưa…
Di truyền: Tiền sử gia đình có người mắc ung thư đại trực tràng, tiền sử gia đình mắc polyp tiến triển, bệnh đa polyp tuyến gia đình…
Lựa chọn lối sống: Hút thuốc, sử dụng quá nhiều rượu, có chế độ ăn nhiều thịt chế biến sẵn, thịt đỏ, không tập thể dục, không hoạt động thể chất, béo phì…
2. Dấu hiệu cảnh báo và triệu chứng điển hình của ung thư đại trực tràng
Đa số bệnh nhân mắc ung thư đại trực tràng không có bất kỳ triệu chứng hay dấu hiệu nào cho đến khi bệnh tiến triển nên mọi người nên thực hiện tầm soát ung thư thường xuyên.
Các triệu chứng và dấu hiệu ung thư đại trực tràng được liệt kê dưới đây cũng có thể giống như các triệu chứng và dấu hiệu của những bệnh lý phổ biến khác mà không phải ung thư như: bệnh trĩ, hội chứng ruột kích thích IBS… Do đó khi nghi ngờ, hoặc nhận thấy có những bất thường, mọi người nên nhanh chóng và chủ động đi thăm khám. Bằng cách cảnh giác với các triệu chứng hoặc dấu hiệu của ung thư đại trực tràng, có thể giúp phát hiện bệnh sớm, khi đó bệnh có nhiều khả năng được điều trị thành công.
2.1 Những triệu chứng, dấu hiệu xảy ra ở bụng cảnh báo ung thư đại trực tràng
– Đau bụng, đau nhức, đau kiểu co thắt không biến mất hoặc đau ngày càng nhiều hơn.
– Chướng bụng, đầy hơi kéo dài hơn một tuần.
2.2 Những dấu hiệu có thể thấy trong quá trình đại tiện
– Thay đổi thói quen đại tiện chẳng hạn như táo bón, tiêu chảy hoặc phân hẹp hơn hay mỏng hơn so với bình thường kéo dài nhiều hơn một vài ngày.
– Cảm giác muốn đi đại tiện mà không thấy giảm cảm giác buồn khi đi đại tiện, cảm giác ruột không rỗng sau khi đi đại tiện.
– Máu trong phân có thể làm cho phân có màu nâu sẫm, đen hoặc đỏ tươi.
2.3 Những dấu hiệu ung thư đại trực tràng ít được chú ý khác
– Sụt giảm trọng lượng cơ thể nhanh ngay cả khi bạn không cố gắng giảm cân.
– Nôn mửa, thiếu máu, mệt mỏi, cảm thấy khó thở
3. Tại sao sàng lọc ung thư đại trực tràng là quan trọng?
3.1 Lý giải tầm quan trọng của sàng lọc?
Ung thư đại trực tràng là nguyên nhân gây tử vong thứ hai do ung thư trên toàn thế giới với 935,173 ca bệnh vào năm 2020 (Nguồn: Globocan 2020). Nhưng tỷ lệ tử vong do ung thư đại trực tràng đã giảm trong vài thập kỷ trở lại đây. Một lý do cho điều này có thể là polyp đại trực tràng hiện nay thường được phát hiện nhiều hơn bằng cách sàng lọc và loại bỏ trước khi chúng có thể tiến triển thành ung thư.
Khi ung thư đại trực tràng được phát hiện ở giai đoạn đầu trước khi lan rộng, tỷ lệ sống sót tương đối sau 5 năm là khoảng 90%. Nhưng chỉ có khoảng 4 trong số 10 bệnh nhân ung thư đại trực tràng được phát hiện ở giai đoạn đầu. Khi ung thư đã lan ra ngoài đại tràng hoặc trực tràng, tỷ lệ sống sót sẽ thấp hơn chỉ khoảng 13-17%.
Thông qua các số liệu kể trên, có thể thấy sàng lọc ung thư đại trực tràng sớm là điều hết sức quan trọng và cần thiết đối với mọi người để có thể giúp phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm, nâng cao cơ hội điều trị thành công hơn.
3.2 Khuyến nghị của Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ
Hầu hết mọi người nên bắt đầu sàng lọc ung thư đại trực tràng ngay sau khi bước sang tuổi 45, sau đó tiếp tục sàng lọc đều đặn theo hướng dẫn của bác sĩ. Tuy nhiên bạn có thể cần phải thực hiện sàng lọc sớm hơn 45 tuổi hoặc thường xuyên hơn những người khác nếu bạn thuộc đối tượng có nguy cơ cao. Đối tượng có nguy cơ cao bao gồm tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư đại trực tràng hoặc một số loại polyp nhất định, tiền sử cá nhân mắc ung thư đại trực tràng hoặc một số loại polyp nhất định, tiền sử cá nhân mắc viêm loét đại tràng, bệnh crohn, tiền sử cá nhân đã xạ trị vùng bụng hoặc vùng xương chậu để điều trị bệnh ung thư trước đó.
Một số lựa chọn xét nghiệm để sàng lọc ung thư đại trực tràng có thể là: Nội soi ống mềm đại tràng sigma, nội soi đại trực tràng, chụp cắt lớp vi tính, xét nghiệm máu ẩn trong phân, xét nghiệm hóa miễn dịch trong phân, xét nghiệm DNA trong phân…