Dấu hiệu hen phế quản và nguyên nhân gây nên bệnh

Hen phế quản là một trong những bệnh lý hô hấp mạn tính phổ biến, có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Dù không thể chữa khỏi hoàn toàn, nhưng nếu được phát hiện sớm và kiểm soát tốt, người bệnh vẫn có thể sống khỏe mạnh và sinh hoạt bình thường. Tuy nhiên, nhiều người thường bỏ qua những dấu hiệu hen phế quản hoặc nhầm lẫn với cảm cúm, viêm phế quản thông thường. Hãy cùng tìm hiểu biểu hiện của căn bệnh này trong bài viết sau.

1. Dấu hiệu hen phế quản bạn cần biết

1.1. Một số dấu hiệu hen phế quản (dấu hiệu lâm sàng)

– Thở nhanh, thở dốc, thở rít hoặc khò khè, đặc biệt là vào ban đêm.

– Cảm giác tức ngực hoặc bị bóp nghẹt ở vùng ngực.

– Trong các cơn khó thở, phổi có thể phát ra ran rít, ran ngáy rải rác.

– Ho, khạc đờm, thậm chí có thể dẫn đến nhiễm trùng đường hô hấp trên.

Khó ngủ do cảm giác nghẹt thở hoặc tiếng ngáy lớn.

– Khi bệnh nặng dần, các cơn hen xuất hiện với tần suất dày đặc hơn, người bệnh thở ngày càng khó khăn và thường xuyên phải dùng đến thuốc cắt cơn dạng hít.

1.2. Các dấu hiệu hen phế quản nặng

– Các triệu chứng xuất hiện đột ngột, kể cả khi người bệnh đang nghỉ ngơi hoặc chỉ vận động nhẹ.

– Tình trạng thở rít, thở dốc diễn tiến nhanh, nặng nề hơn so với thường lệ.

– Sau khi đã sử dụng thuốc giãn phế quản tác dụng nhanh dạng hít (như albuterol) tại nhà nhưng các triệu chứng không cải thiện, người bệnh cần được đưa đến cơ sở y tế để xử trí kịp thời.

dấu hiệu hen phế quản nặng

Thở nhanh, thở dốc là dấu hiệu phổ biến của bệnh hen phế quản

2. Nguyên nhân gây nên căn bệnh hen phế quản

Hen phế quản có thể do nhiều nguyên nhân gây ra, trong đó phổ biến nhất là sự kết hợp giữa yếu tố cơ địa và tác động từ môi trường sống. Cụ thể như:

2.1. Hen phế quản do dị ứng

Các cơn hen phế quản cấp tính thường bùng phát khi người bệnh tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng (dị nguyên) như: phấn hoa, bụi trong nhà, lông của các loài thú nuôi (chó, mèo), mạt nhà, một số loại thực phẩm dễ gây dị ứng như hải sản, thịt bò… Ngoài ra, một số loại thuốc như aspirin cũng có thể gây kích ứng và làm khởi phát cơn hen.

2.2. Yếu tố kích thích từ bên ngoài

Hen phế quản có thể trở nên trầm trọng hơn khi người bệnh tiếp xúc với các yếu tố gây kích thích như: khói thuốc lá, khói bụi, ô nhiễm không khí, hóa chất tẩy rửa, mùi hắc, hoặc thay đổi độ ẩm đột ngột.

2.3. Hen phế quản do gắng sức

Ở một số người, các triệu chứng hen phế quản có thể xuất hiện hoặc trở nên nghiêm trọng hơn sau khi thực hiện hoạt động thể lực mạnh. Tình trạng này được gọi là hen phế quản do gắng sức.

2.4. Các nguyên nhân khác

Ngoài ra, hen phế quản cũng có thể bắt nguồn từ một số yếu tố khác như:

– Nhiễm trùng đường hô hấp nguyên nhân do virus (ví dụ: virus parainfluenza)

– Yếu tố di truyền

– Người bị mắc căn bệnh trào ngược dạ dày thực quản

– Một số bệnh lý mạn tính liên quan đến hô hấp

– Sử dụng các thuốc chẹn beta giao cảm không chọn lọc (thường dùng trong điều trị tim mạch)

dấu hiệu hen phế quản

Hen phế quản có thể do nhiều nguyên nhân gây ra

3. Biến chứng của hen phế quản

3.1. Biến chứng cấp tính (tức thì)

– Suy hô hấp cấp

– Tràn khí màng phổi

– Tổn thương nhu mô phổi

– Nhiễm trùng đường hô hấp dưới như bệnh viêm phế quản hoặc bệnh viêm phổi

3.2. Biến chứng mạn tính (lâu dài)

– Biến dạng lồng ngực do phổi làm việc quá mức

– Suy hô hấp mạn tính dẫn tới bị suy tim

– Tác dụng phụ do điều trị kéo dài như loãng xương, hội chứng Cushing, bệnh lý thần kinh

– Ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất và chiều cao ở trẻ em

– Những biến chứng trên không chỉ làm giảm chất lượng cuộc sống mà còn có thể đe dọa đến tính mạng nếu không được kiểm soát đúng cách.

Vì vậy, khi có các triệu chứng nghi ngờ hen phế quản, người bệnh cần đến cơ sở y tế để được thăm khám sớm và điều trị theo phác đồ phù hợp. Việc kiểm soát hen hiệu quả sẽ giúp giảm tần suất cơn hen, ngăn ngừa biến chứng và nâng cao chất lượng sống lâu dài.

4. Chăm sóc người bệnh hen phế quản như thế nào?

Do phần lớn bệnh nhân hen phế quản được điều trị ngoại trú, việc chăm sóc đúng cách tại nhà đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát triệu chứng và phòng ngừa biến chứng. Người chăm sóc nên lưu ý các điểm sau:

– Luôn để sẵn thuốc cắt cơn hen bên người bệnh để xử lý kịp thời trong các tình huống khẩn cấp.

– Nhắc nhở bệnh nhân sử dụng thuốc đúng liều, đúng cách và tái khám đúng hẹn theo chỉ định của bác sĩ.

– Thường xuyên thực hiện vỗ rung lồng ngực (vỗ lưng) để hỗ trợ làm loãng và tống xuất đàm nhớt ra khỏi đường thở.

– Hạn chế các yếu tố gây dị ứng như hải sản, thực phẩm dễ kích ứng, đồng thời tránh xa rượu, bia và thuốc lá.

– Duy trì chế độ ăn uống khoa học, bổ sung đầy đủ dưỡng chất, đặc biệt là vitamin và chất xơ nhằm nâng cao sức đề kháng.

– Khuyến khích người bệnh vận động nhẹ nhàng, phù hợp với thể trạng để tăng cường sức khỏe hô hấp và nâng cao thể lực.

– Tạo môi trường sống tích cực, động viên tinh thần để người bệnh không rơi vào trạng thái căng thẳng, lo lắng quá mức – yếu tố có thể kích hoạt cơn hen.

Ngoài ra, người chăm sóc nên trao đổi trực tiếp với bác sĩ để được hướng dẫn chi tiết về các biện pháp chăm sóc phù hợp với tình trạng của từng bệnh nhân. Việc chăm sóc đúng cách sẽ giúp người bệnh kiểm soát tốt cơn hen, cải thiện chất lượng sống và hạn chế tối đa các rủi ro trong quá trình điều trị.

Luôn để sẵn thuốc cắt cơn hen bên người bệnh để xử lý kịp thời trong các tình huống khẩn cấp

Do phần lớn bệnh nhân hen phế quản được điều trị ngoại trú, việc chăm sóc đúng cách tại nhà đóng vai trò quan trọng

Hen phế quản nếu được phát hiện sớm qua các dấu hiệu đặc trưng như ho kéo dài, thở khò khè, khó thở từng cơn… thì việc kiểm soát bệnh sẽ hiệu quả hơn, giúp người bệnh duy trì chất lượng cuộc sống ổn định. Đừng chủ quan khi cơ thể phát ra những tín hiệu bất thường. Việc thăm khám chuyên khoa hô hấp định kỳ và tuân thủ đúng hướng dẫn điều trị là chìa khóa giúp kiểm soát hen phế quản lâu dài, ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital