Tình trạng viêm ruột thừa nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm đến tính mạng người bệnh. Vì vậy, nhận biết các dấu hiệu của viêm ruột thừa là điều đặc biệt cần thiết. Từ đó, người bệnh có thể thăm khám sớm và can thiệp kịp thời, đảm bảo sức khỏe.
Menu xem nhanh:
1. Viêm ruột thừa là tình trạng gì?
Ruột thừa là một bộ phận thuộc đường tiêu hóa, có dạng hình túi, một đầu bịt kín, đầu còn lại nối với manh tràng. Cơ quan này nằm ở đoạn đầu tiên của ruột già, phía dưới bên phải của ổ bụng. Chức năng cụ thể của ruột thừa đối với cơ thể hiện vẫn chưa được xác định rõ.
Khi ruột thừa bị tắc nghẽn khiến các chất thải bị tích tụ, vi khuẩn sẽ sinh sôi gây sưng viêm, nhiễm trùng. Hậu quả của quá trình này là bệnh lý viêm ruột thừa. Đây là cấp cứu ngoại khoa nguy hiểm, có thể xảy ra ở mọi độ tuổi, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người bệnh.
Triệu chứng nhận biết viêm ruột thừa thường không rõ ràng, nhất là ở giai đoạn đầu tiên của bệnh. Do đó, nhận biết các dấu hiệu ban đầu của viêm ruột thừa có ý nghĩa quan trọng trong việc phát hiện bệnh sớm. Từ đó đảm bảo hiệu quả điều trị và sức khỏe cho người bệnh.
2. Dấu hiệu của viêm ruột thừa là gì?
Dưới đây là các triệu chứng điển hình của bệnh viêm ruột thừa mà bạn cần cảnh giác.
2.1. Đau bụng là dấu hiệu của viêm ruột thừa
Khi ruột thừa nằm đúng vị trí, tình trạng viêm tại đây thường gây ra những cơn đau ngẫu nhiên, bắt đầu từ nhiều vị trí khác nhau trong ổ bụng, thường gặp nhất là đau quanh rốn. Sau từ 1 – 3 giờ, vị trí đau sẽ khu trú về vùng hố chậu phải. Tính chất chung của cơn đau ruột thừa là âm ỉ, liên tục, tăng dần trong vòng 24 giờ.
Trường hợp ruột thừa nằm ở một số vị trí khác, vị trí cơn đau có thể thay đổi. Chẳng hạn khi viêm ruột thừa sau manh tràng, người bệnh có triệu chứng đau thắt lưng phải. Nếu thần kinh hông bị kích thích, cơn đau có thể lan xuống hông và đùi phải.
Việc di chuyển, ho, hắt hơi, thở sâu, khuân vác đồ đạc có thể khiến mức độ đau tăng lên. Thậm chí cơn đau có thể trở nên dữ dội, ảnh hưởng đến mọi hoạt động hàng ngày của người bệnh. Khi phát hiện các cơn đau bất thường, người bệnh cần được đưa đến bệnh viện ngay lập tức để được chẩn đoán và điều trị sớm.
2.2. Tiểu tiện nhiều, đau bàng quang
Nguyên nhân khiến người bệnh đi tiểu thường xuyên và đau bàng quang là do ảnh hưởng của tình trạng nhiễm trùng từ ruột thừa đến quá trình bài tiết bình thường của cơ thể. Đây là một trong những dấu hiệu cảnh báo bệnh đang tiến triển nghiêm trọng, cần được thăm khám kịp thời.
2.3. Bụng cồn cào, nôn ói, tiêu chảy
Bên cạnh các cơn đau bụng, người bệnh còn phải đối mặt với tình trạng bụng cồn cào khó chịu, nôn ói kéo dài, tiêu chảy,… Các rối loạn này có thể khiến người bệnh suy nhược cơ thể, mất nước, ốm yếu, xanh xao. Tuy nhiên, đây cũng có thể là triệu chứng của nhiều bệnh lý tiêu hóa khác, cần thăm khám để được chẩn đoán chính xác.
2.4. Sốt nhẹ kèm run do viêm ruột thừa
Triệu chứng sốt nhẹ (thường từ 38 – 38.5 độ C) cũng là biểu hiện thường gặp ở người bệnh viêm ruột thừa. Triệu chứng sốt còn đi kèm với cảm giác ớn lạnh, run. Các biểu hiện này là phản ứng của cơ thể trước trước tình trạng viêm và nhiễm trùng.
2.5. Chán ăn là dấu hiệu của viêm ruột thừa
Các vấn đề tiêu hóa nói chung sẽ khiến hoạt động tiêu hóa bị gián đoạn. Đó là lý do vì sao người bệnh thường không muốn bổ sung bất cứ thực phẩm nào dù bản thân biết rằng cơ thể vẫn cần phải được cung cấp đủ năng lượng.
Tương tự đối với bệnh lý viêm ruột thừa, những cơn đau bụng, nôn ói kéo dài khiến người bệnh chán ăn, ăn không ngon miệng. Nặng nề hơn, không ít trường hợp còn cả thấy sợ hãi khi phải ăn uống bất kỳ thứ gì.
2.6. Co cứng thành bụng
Một triệu chứng khác của viêm ruột thừa là tình trạng thành bụng co cứng. Đây cũng là biểu hiện giúp phân biệt cơn đau ruột thừa với những bệnh lý khác tại dạ dày – đại tràng.
Người bệnh cần lưu ý rằng, các triệu chứng kể trên có thể liên quan đến những vấn đề tiêu hóa khác ngoài viêm ruột thừa. Chính vì vậy, việc cần làm khi phát hiện các dấu hiệu này là thăm khám với bác sĩ tiêu hóa, thực hiện các xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh cần thiết. Từ đó, bác sĩ sẽ đưa ra chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh có phải viêm ruột thừa hay không.
3. Điều trị đau ruột thừa như thế nào?
Căn cứ vào chẩn đoán xác định, bác sĩ sẽ cân nhắc và tư vấn hướng điều trị phù hợp cho người bệnh. Phẫu thuật cắt bỏ ruột thừa được đánh giá là phương pháp tối ưu và được ứng dụng phổ biến nhất.
Hiện nay, mổ ruột thừa có thể thực hiện qua mổ nội soi hoặc mổ mở. Trong đó, phẫu thuật nội soi thường được lựa chọn do tính thẩm mỹ và tốc độ hồi phục nhanh hơn mổ mở. Viêm ruột thừa là cấp cứu ngoại khoa, do đó cần được can thiệp càng sớm càng tốt để ngăn ngừa các biến chứng.
Sau phẫu thuật, bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh thực hiện bù nước, dùng thuốc giảm đau, thuốc kháng sinh chống nhiễm trùng. Người bệnh cần theo dõi sức khỏe, tuân thủ tư vấn của bác sĩ để đảm bảo quá trình hồi phục diễn ra thuận lợi. Nếu có các triệu chứng bất thường sau mổ như đau bụng, chóng mặt, nôn không kiểm soát, vết mổ sưng đau, sốt bất thường,… người bệnh cần thông báo ngay với bác sĩ để kịp thời giải quyết.
Viêm ruột thừa nếu được phát hiện sớm thì việc điều trị tương đối dễ dàng. Ngược lại, bệnh sẽ gây nhiều biến chứng đe dọa đến tính mạng nếu tiến triển nặng, không được can thiệp. Hãy cảnh giác với các dấu hiệu của viêm ruột thừa và đến cơ sở y tế gần nhất càng sớm càng tốt để được kiểm tra kịp thời.