Suy tuyến giáp là bệnh nội tiết gây rối loạn chức năng các cơ quan, thậm chí biến chứng nếu không được điều trị kịp thời. Để giúp bạn đọc dễ nhận biết bệnh, bài viết chia sẻ một số dấu hiệu nhận biết suy tuyến giáp điển hình.
Menu xem nhanh:
1. Hiểu về bệnh suy tuyến giáp
1.1 Bệnh suy tuyến giáp là gì?
Bệnh suy tuyến giáp (hay suy giáp) là tình trạng thiếu hụt hormone tuyến giáp gây rối loạn quá trình chuyển hóa của cơ thể. Trong đó, các hormone bị thiếu thường là T3, T4 và thyroxine, có vai trò quan trọng giúp cơ thể sử dụng năng lượng, giữ ấm và duy trì hoạt động bình thường của các cơ quan. Khi nồng độ hormone tuyến giáp đến các tế bào quá thấp, bạn có thể cảm thấy dễ mệt mỏi, da khô, suy giảm trí nhớ và khó chịu được lạnh.
Thiếu hormone tuyến giáp có thể do bẩm sinh hoặc người bệnh mắc phải.
1.2 Dấu hiệu suy giáp ở người bệnh
Người mắc bệnh suy tuyến giáp thường không biểu hiện triệu chứng trong thời gian đầu. Mặt khác, do bệnh thường xuất hiện nhiều hơn ở người lớn tuổi, nó có thể bị nhầm lẫn với các dấu hiệu bệnh lý của tuổi già như:
– Người bệnh ăn uống kém, chán ăn, không có cảm giác ngon miệng.
– Đại tiện khó khăn, thường xuyên bị táo bón
– Da dẻ xanh xao, khô ráp
– Bệnh nhân chịu lạnh kém.
– Giọng trở nên trầm, khàn hơn
– Tâm trạng lên xuống thất thường, hay cảm thấy nặng nề, dễ rơi vào trạng thái lo âu, căng thẳng.
– Trí nhớ giảm sút, hay quên.
– Người bệnh dễ bị hụt hơi, thở gấp, thậm chí khó thở
– Thường xuyên bị đau mỏi cơ và đau nhức xương khớp
– Riêng đối với nữ giới, người bệnh có thể gặp một số triệu chứng rối loạn kinh nguyệt như chậm kinh, mất kinh…
– Hầu hết các bệnh nhân đều giảm ham muốn quan hệ tình dục
– Chậm chạp, thiếu linh hoạt trong vận động
Đối với những trường hợp nặng hơn, ở người bệnh có thể xuất hiện các triệu chứng như: phù mặt, phù tứ chi, lưỡi phình lớn, sạm da, lớp sừng trên da trở nên dày hơn. Nhìn chung, triệu chứng suy giáp ở người bệnh thường không đặc hiệu, tùy vào mức độ nghiêm trọng mà có thể biểu hiện khác nhau. Để xác định chính xác bạn có đang mắc bệnh suy tuyến giáp hay không, cần đến cơ sở y tế để được xét nghiệm và chẩn đoán.
2. Người bệnh bị suy giáp do đâu?
Sự thiếu hụt hormone tuyến giáp gây bệnh suy giáp có thể đến từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Suy giáp bẩm sinh thường do các rối loạn tổng hợp hormone, rối loạn hình thành tuyến giáp hay các rối loạn khác như: thiếu TSH, thiếu thụ thể TSH…). Trong khi suy tuyến giáp do mắc phải đến từ chế độ ăn uống thiếu i-ốt, do từng điều trị cắt bỏ một phần tuyến giáp hay bị viêm tuyến giáp hashimoto…
3. Các phương pháp chẩn đoán bệnh
Do triệu chứng bệnh suy giáp dễ bị nhầm lẫn với các bệnh lý khác, các bác sĩ khi chẩn đoán, ngoài thăm khám lâm sàng thường chỉ định người bệnh thực hiện một số xét nghiệm đánh giá tình trạng chức năng tuyến giáp, cụ thể:
3.1. Dựa trên đặc điểm lâm sàng bệnh suy tuyến giáp
Một số dấu hiệu dưới đây có thể cho thấy người bệnh có khả năng mắc bệnh suy giáp:
– Người bệnh chán ăn, ăn kém nhưng tăng cân không rõ nguyên do.
– Thường xuyên cảm thấy đau nhức cơ bắp, đau cứng khớp.
– Tim to, nhịp tim chậm hơn bình thường
– Bệnh nhân di chuyển chậm chạp, thiếu linh hoạt.
– Trí nhớ kém, hay quên.
Trường hợp các bệnh nhân nữ trong độ tuổi trung niên, triệu chứng suy giáp trở nên điển hình hơn bao gồm: mệt mỏi, da khô – sắc da sạm, táo bón, tóc và móng giòn, dễ gãy rụng.
4.2. Xét nghiệm chẩn đoán suy tuyến giáp
Khi bị nghi ngờ có các biểu hiện của bệnh suy giáp, bạn có thể được chỉ định thực hiện thêm một số xét nghiệm nhằm củng cố chẩn đoán như: xét nghiệm hormone kích thích tuyến giáp (TSH), xét nghiệm Thyroxine (T4), xét nghiệm Triiodothyronine (T3). Các kết quả xét nghiệm này cũng có ý nghĩa giúp bác sĩ theo dõi điều trị các bệnh lý tuyến giáp.
Khoa Xét nghiệm – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Thu Cúc TCI ứng dụng các máy móc, thiết bị hiện đại có khả năng phân tích chính xác mẫu bệnh phẩm, từ đó giúp các bác sĩ đánh giá đúng, đầy đủ về tình trạng sức khỏe của người bệnh, củng cố chẩn đoán ban đầu. Trường hợp người bệnh mắc suy tuyến giáp sẽ được tư vấn, có phác đồ điều trị phù hợp.
4. Giải pháp phòng ngừa bệnh suy giáp
Cho đến hiện nay, chưa có biện pháp phòng ngừa nào có thể ngăn chặn được hoàn toàn bệnh suy giáp. Tuy nhiên, mỗi người nên có ý thức tự nâng cao sức khỏe bản thân để phòng tránh tối đa nguy cơ bị bệnh. Dưới đây là một số gợi ý phòng bệnh suy giáp dành cho bạn:
Với trường hợp suy giáp bẩm sinh, mẹ cần chủ động thăm khám, xét nghiệm đánh giá chức năng tuyến giáp trước khi mang thai. Đồng thời, thông báo với bác sĩ kế hoạch mang thai, các loại thuốc đang sử dụng để được tư vấn.
Trong quá trình mang thai, mẹ cũng nên thường xuyên đo chỉ số hormone tuyến giáp vì khi mẹ mắc bệnh liên quan đến tuyến giáp hoặc bị thiếu hụt hormone tuyến giáp, thai nhi có thể bị chậm phát triển về trí tuệ và thể chất.
Trường hợp suy giáp do mắc phải, bạn có thể phòng tránh bằng cách bổ sung đủ lượng i-ốt cần thiết trong bữa ăn gia đình. Ngoài ra hãy nhớ thăm khám định kỳ để sớm phát hiện vấn đề của tuyến giáp (nếu có). Đặc biệt, đối tượng có người thân trong gia đình mắc bệnh liên quan đến tuyến giáp cần theo dõi và tầm soát bệnh thường xuyên hơn.
Bệnh suy tuyến giáp ảnh hưởng đến hầu hết các hoạt động của cơ thể. Hy vọng với những thông tin đã cung cấp trong bài sẽ giúp bạn nhận biết bệnh dễ dàng hơn.