Suy tuyến giáp là gì: Những thông tin cần biết

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKI

Ma Thị Nga

Bác sĩ Nội tiết

Suy giáp có thể xảy ra với bất cứ ai, nhưng phổ biến hơn ở phụ nữ trên 60 tuổi. Bệnh không phải tình trạng cấp tính nhưng có thể gây ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe người bệnh nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Vậy suy tuyến giáp là gì, nhận biết và điều trị như thế nào? Hãy để Thu Cúc TCI giải đáp thắc mắc giúp bạn.

1. Hiểu về suy tuyến giáp

1.1 Suy tuyến giáp là bệnh gì?

Suy tuyến giáp (hay suy giáp) là bệnh lý nội tiết, xảy ra khi tuyến giáp không sản xuất đủ các hormone phục vụ cho quá trình trao đổi chất của cơ thể, khiến hoạt động này bị chậm lại hoặc gián đoạn. Tuyến giáp nằm ở vùng cổ trước là cơ quan nội tiết sản xuất ra các hormone T3, T4 có chức năng kiểm soát hoạt động trao đổi chất của cơ thể.

Suy tuyến giáp là gì - Suy giáp là một cách gọi khác của suy giảm chức năng tuyến giáp.

Suy tuyến giáp là gì – Suy giáp là một cách gọi khác của suy giảm chức năng tuyến giáp.

Ai cũng có nguy cơ mắc suy giáp, tuy nhiên bệnh thường gặp hơn ở những người lớn tuổi. Một số thể suy giáp phổ biến người bệnh có thể gặp phải bao gồm:

– Suy giáp nguyên phát: là tình trạng thiếu hụt hormone tuyến giáp T3, T4 do nguyên nhân tại tuyến giáp (tuyến giáp giảm tiết các hormone này). Xét nghiệm máu cho thấy nồng độ hormone tuyến giáp T3, T4 thấp, trong khi nồng độ hormone kích thích tuyến giáp (TSH) tăng cao.

– Suy giáp thứ phát: là tình trạng thiếu hụt hormone tuyến giáp do nguyên nhân ngoài tuyến giáp (thường do vùng dưới đồi không sản sinh đủ hormone giải phóng thyrotropin hoặc do tuyến yên không giải phóng đủ hormone kích thích tuyến giáp TSH)

– Suy giáp cận lâm sàng: là tình trạng người bệnh ko có hoặc có rất ít biều hiện suy giáp nhưng có chỉ số TSH trong máu tăng cao, T4 bình thường. Bệnh thường thấy ở người có tiền sử viêm tuyến giáp Hashimoto. Tỷ lệ mắc bệnh cũng cao hơn ở nữ giới thay vì nam giới.

1.2 Suy tuyến giáp là gì – Triệu chứng

Ở người trưởng thành, suy tuyến giáp chủ yếu gây ra các triệu chứng như mệt mỏi, tăng cân. Khi quá trình trao đổi chất chậm lại, bệnh biểu hiện các dấu hiệu rõ ràng hơn bao gồm: mệt mỏi nghiêm trọng, yếu cơ, đau cứng khớp, tăng cân, táo bón, da tóc khô, không chịu được lạnh, rối loạn kinh nguyệt, nhịp tim chậm, suy giảm trí nhớ, trầm cảm…

Người bệnh mắc suy giáp có xu hướng tăng cân bất thường dù ăn không ngon miệng.

Người bệnh mắc suy giáp có xu hướng tăng cân bất thường dù ăn không ngon miệng.

Tương tự như người lớn, suy giáp ở trẻ em và thanh thiếu niên cũng liên quan đến các triệu chứng như: chậm tăng trưởng, tầm vóc thấp bé, chậm mọc, thay răng, dậy thì muộn, trẻ khó tập trung, trí tuệ kém phát triển.

Trẻ sơ sinh cũng là đối tượng có nguy cơ mắc suy tuyến giáp (còn gọi là suy giáp bẩm sinh). Một số biểu hiện suy giáp ở trẻ sơ sinh như: trẻ ngủ nhiều hơn bình thường, vàng da, chán ăn, táo bón, tăng trưởng kém, da khô, tiếng khóc khàn, thoát vị rốn, rối loạn vận động… Bệnh không được can thiệp kịp thời có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của trẻ về cả thể chất và tinh thần.

2. Suy tuyến giáp có phải bệnh nguy hiểm?

Bệnh suy giáp nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể dẫn đến các tình trạng nguy hiểm, thậm chí đe dọa tính mạng người bệnh. Các vấn đề có thể bao gồm:

– Phát triển bướu lớn vùng cổ trước có thể chèn ép các cơ quan lân cận gây khó nuốt, khó thở.

– Tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, đặc biệt là suy tim.

– Tổn thương dây thần kinh ngoại biên (dây thần kinh mang thông tin từ não và tủy sống đến các cơ quan trong cơ thể), gây ra các triệu chứng tê ngứa, đau châm chích ở cánh tay và chân.

– Rối loạn chu kỳ rụng trứng, khó thụ thai, dẫn đến vô sinh.

– Dị tật bẩm sinh ở trẻ có mẹ mắc suy giáp. Nếu không được can thiệp kịp thời, trẻ có thể gặp các vấn đề thể chất và tinh thần nghiêm trọng.

– Hôn mê phù niêm: là biến chứng nguy hiểm của suy giáp, cần được cấp cứu nhanh chóng. Người bệnh lúc này xuất hiện các dấu hiệu hôn mê, hạ thân nhiệt nhanh (nhiệt độ cơ thể chỉ vào khoảng 24-33 độ C), mất ý thức, co giật, suy hô hấp, có thể dẫn tới tử vong.

3. Chẩn đoán bệnh lý suy giáp

Suy giáp biểu hiện triệu chứng lâm sàng tương tự nhiều bệnh lý khác, do đó để chẩn đoán chính xác, bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh thực hiện một số xét nghiệm như: xét nghiệm hormone kích thích tuyến giáp (TSH), xét nghiệm hormone tuyến giáp T3, T4…

Kết quả xét nghiệm cho thấy nồng độ TSH cao và T4 thấp: người bệnh được chẩn đoán suy giáp. Đo lường nồng độ hormone TSH còn có ý nghĩa trong việc kiểm soát suy giáp theo thời gian.

Kết quả xét nghiệm cho thấy nồng độ TSH cao nhưng T4 và T3 nằm trong phạm vi giới hạn bình thường: người bệnh được chẩn đoán suy giáp cận lâm sàng (tình trạng suy giáp không triệu chứng).

Kết quả của các xét nghiệm suy giáp có thể thay đổi bởi tác dụng của một số loại thuốc, chất bổ sung. Do đó, người bệnh cần thông tin tới bác sĩ về các loại thuốc đang sử dụng trước khi tiến hành xét nghiệm.

Xét nghiệm chức năng tuyến giáp.

Xét nghiệm chức năng tuyến giáp.

4. Phương pháp điều trị

Phương pháp điều trị được chỉ định trong hầu hết các trường hợp mắc suy giáp là thay thế hormone tuyến giáp (do tuyến này không sản xuất đủ hormone phục vụ cho hoạt động của cơ thể). Loại thuốc được sử dụng chủ yếu là levothyroxine dưới dạng uống. Thuốc có công dụng tăng cường hàm lượng hormone tuyến giáp trong máu, giúp cải thiện các triệu chứng do suy tuyến giáp gây ra.

Để điều chỉnh liều lượng thuốc phù hợp với thể trạng cũng như tình trạng của người bệnh, bác sĩ sẽ tiến hành theo dõi nồng độ TSH của bệnh nhân trong khoảng từ 1-2 tháng sau khi bắt đầu liệu trình. Sau đó, bác sĩ sẽ chỉ định một lượng cố định để duy trì sự ổn định của hormone tuyến giáp.

Quá trình sử dụng thuốc hormone tuyến giáp, người bệnh có thể gặp một số tác dụng phụ do sử dụng thuốc quá liều như: mệt mỏi, tim đập nhanh, run rẩy, khó ngủ, ngủ không sâu giấc… Do đó, người bệnh cần tuyệt đối tuân thủ chỉ định của bác sĩ để đem lại hiệu quả điều trị tối ưu, tránh các tác dụng không mong muốn.

5. Phòng ngừa bệnh suy giáp

Để phòng bệnh suy tuyến giáp, theo khuyến cáo của Bộ Y tế, người bệnh nên bổ sung vào chế độ ăn hằng ngày các thực phẩm chứa nhiều iod như: hải sải, rong biển, trứng, sữa, thịt hữu cơ…

Khi nhận thấy sự xuất hiện của bướu giáp, người bệnh tuyệt đối không tự ý sử dụng mẹo dân gian để cắt lể bướu này.

Người bệnh nghi ngờ có các dấu hiệu suy tuyến giáp cần đến cơ sở y tế uy tín để được chẩn đoán, điều trị kịp thời và hiệu quả, tránh bệnh diễn tiến nghiêm trọng.

Ngoài ra, người bệnh có thể tham khảo ý kiến của bác sĩ Nội tiết về việc bổ sung các loại thực phẩm có lợi cho tuyến giáp và sức khỏe.

Hy vọng thông qua bài viết trên, bạn đã phần nào hiểu được “suy tuyến giáp là gì“. Dấu hiệu suy tuyến giáp dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác, do đó người bệnh không nên chủ quan đoán bệnh mà cần đến cơ sở y tế uy tín để được thăm khám sớm nhất, tránh những biến chứng nguy hiểm của bệnh.

 

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital