Trong suốt quá trình mang thai, mẹ bầu có nguy cơ phải đối mặt với rất nhiều bệnh lý. Trong đó đau dạ dày khi mang thai 3 tháng cuối thai kỳ là một tình trạng rất phổ biến gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của của cả mẹ lẫn thai nhi. Vậy mẹ bầu cần lưu ý những gì khi mắc bệnh lý này?
Menu xem nhanh:
1. Nguyên nhân đau dạ dày khi mang thai
Đau dạ dày là thuật ngữ để chỉ tình trạng dạ dày bị thương tổn mà nguyên nhân chủ yếu là do viêm loét. Người mắc bệnh lý này sẽ cảm thấy đau bụng âm ỉ, khó chịu trong cơ thể cả khi đói cũng như khi ăn no. Ngoài ra, làm việc quá sức, thường xuyên căng thẳng hay tâm trạng thay đổi thất thường cũng khiến cho những cơn đau xuất hiện và tình trạng bệnh ngày càng nghiêm trọng hơn.
Đây vốn không phải là một bệnh lý nguy hiểm tuy nhiên nếu để tình trạng bệnh kéo dài sẽ gây nên những hậu quả khôn lường như chảy máu đường tiêu hóa, thủng dạ dày, ung thư dạ dày….. Khi mẹ bầu bị đau dạ dày, sẽ phải đối mặt với nhiều nguy hiểm hơn những người bệnh bình thường.
Những nguyên nhân dẫn đến đau dạ dày phải kể đến:
1.1 Do tử cung phát triển
Càng về những tháng cuối, tử cung sẽ phải mở rộng để cho thai nhi phát triển. Một hoạt động tưởng chừng bình thường của tử cung thực ra lại gây ra áp lực lớn cho hệ thống tiêu hóa của mẹ bầu.
Hơn nữa, khi tử cung mở rộng còn chèn ép lên dạ dày và khiến dạ dày sẽ dịch chuyển khỏi vị trí ban đầu (thường là đẩy lên trên). Việc này dẫn đến quá trình tiếp nhận cũng như chuyển hóa thực ăn sẽ gặp khá nhiều khó khăn, mẹ bầu có thể thường xuyên gặp những cơn đau hoặc co rút dạ dày.
1.2 Do nội tiết tố
Theo các bác sĩ, vào tam cá nguyệt cuối nồng độ progesterone – hormone với chức năng giữ bào thai trong tử cung và hạn chế nguy cơ sảy thai, sẽ tăng lên đột ngột khi mang thai. Việc tăng lên này sẽ khiến giảm nhu động đường ruột, gây áp lực cho ổ bụng cũng như kích thích dạ dày. Chính vì vậy, thai phụ sẽ gặp hiện tượng đau dạ dày.
1.3 Do có vấn đề về tâm lý
Việc thai nhi phát triển, đặc biệt vào 3 tháng cuối sẽ khiến mẹ bầu cảm thấy di chuyển khó khăn, cảm giác mệt mỏi và nặng nề hơn. Nếu việc căng thẳng này gia tăng sẽ khiến cho bệnh đau dạ dày xuất hiện.
1.4 Do chế độ dinh dưỡng
Chế độ ăn uống có ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thống tiêu hoá. Nhiều người quan niệm mẹ bầu cần nạp càng nhiều chất dinh dưỡng càng tốt nhưng suy nghĩ này là hoàn toàn sai lầm. Mỗi bà bầu sau khi thăm khám sức khoẻ sẽ được bác sĩ tư vấn lượng dinh dưỡng phù hợp với thể trạng cơ thể vì vậy việc ăn uống dư thừa mà không được tiêu hoá hết sẽ gây áp lực lớn cho dạ dày dẫn đến ợ nóng, ợ hơi hay đau dạ dày. Nếu đã bị đau dạ dày nhưng mẹ bầu không kiêng ăn những đồ ăn cay nóng, đồ chế biến sẵn hay thức ăn nhiều dầu mỡ thì tình trạng này sẽ ngày càng tệ hơn.
2. Dấu hiệu nhận biết đau dạ dày khi mang thai
Việc nắm được các dấu hiệu nhận biết là vô cùng quan trọng để giúp cho mẹ bầu biết được tình trạng sức khoẻ của bản thân, đến các cơ sở y tế uy tín để can thiệp điều trị sớm, tránh được những biến chứng không đáng có. Những biểu hiện thường gặp của đau dạ dày có thể kể đến như:
– Buồn nôn hay nôn: Cần phân biệt rõ dấu hiệu này với ốm nghén vì hiện tượng nôn do đau dạ dày thường kèm theo nước và thức ăn. Việc nôn liên tục sẽ khiến cơ thể mẹ bầu bị mất nước nghiêm trọng, tụt huyết áp.
– Đầy bụng, có cảm giác khó tiêu: Khi thức ăn không tiêu hoá được sẽ ứ đọng trong dạ dày và khiến cho mẹ bầu cảm thấy bị đầy hơi, chướng bụng. Việc dạ dày bị chịu quá nhiều áp lực khiến cảm giác buồn nôn, muốn tống thức ăn ra ngoài xuất hiện.
– Đau bụng âm ỉ: Một triệu chứng xuất hiện phổ biến của mẹ bầu đau dạ dày khi mang thai chính là cảm giác đau bụng âm ỉ, thỉnh thoảng sẽ bị đau dữ dội kèm theo sự khó chịu, mệt mỏi ngay cả khi đói hay ăn no do khi dạ dày bị kích thích, axit sẽ tiết nhiều một cách đột ngột dẫn đến tổn thương niêm mạc và co bóp dạ dày.
3. Đau dạ dày khi mang thai 3 tháng cuối có gây nguy hiểm không?
Nếu tình trạng đau dạ dày không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời thì sẽ diễn tiến sang giai đoạn nặng khiến thai phụ không hấp thụ được chất dinh dưỡng từ thức ăn nữa. Điều này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của mẹ cũng như thai nhi.
Đối với mẹ bầu, cơ thể sẽ bị suy nhược nặng và tụt huyết áp. Còn đối với thai nhi, con có nguy cơ bị sinh non, cân nặng không được như những các bé bình thường, chậm phát triển khi còn trong bụng mẹ cũng như khi chào đời.
4. Những ảnh hưởng của đau dạ dày vào 3 tháng cuối
Bệnh lý đau dạ dày gây nên nhiều ảnh hưởng cho bà bầu như:
– Cảm giác chán ăn: Khi đau dạ dày, thức ăn sẽ không được tiêu hóa hết, ảnh hưởng nhiều đến khẩu vị của mẹ bầu, khiến ăn gì cũng cảm thấy không ngon, không có cảm giác thích ăn ngay cả khi đó những đồ ăn yêu thích.
– Tổn thương hệ tiêu hóa: Đau dạ dày khiến cho hệ tiêu hóa rối loạn và không hoạt động được theo cơ chế bình thường, dẫn đến thai phụ có cảm giác đầy bụng, khó tiêu.
– Tâm lý bị ảnh hưởng:
Việc có bệnh lý trong người và cảm giác mệt mỏi vì những tháng cuối khi thai nhi phát triển hơn khiến cho mẹ bầu dễ cáu gắt, chán nản. Có một tinh thần không tốt sẽ gây nên nhiều vấn đề nghiêm trọng ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như cuộc sống của mẹ bầu và thai nhi.
5. Đau dạ dày trong thai kỳ mẹ bầu cần làm gì?
Để hỗ trợ điều trị bệnh lý đau dạ dày khi mang thai 3 tháng cuối, mẹ bầu cần chú ý:
5.1 Thiếp lập chế độ ăn uống
Một trong những yếu tố khiến cho hệ thống tiêu hóa hoạt động bình thường đó chính là chế độ ăn uống.
– Có chế độ ăn uống khoa học:
+ Nhai thức ăn kỹ, nuốt chậm.
+ Không để bản thân rơi vào trạng thái quá no hay quá đói.
+ Sau khi ăn, tránh việc vận động mạnh hay nằm ngay sau khi ăn.
+ Uống đủ nước mỗi ngày, cần bổ sung các loại nước ép hoa quả tươi.
– Những thực phẩm nên ăn và nên tránh
+ Mẹ bầu nên bổ sung các thực phẩm tốt cho hệ tiêu hóa như nghệ, mật ong, bắp cải, trứng, đồ ăn giàu kẽm để vết thương trong niêm mạc nhanh lành như hải sản, các món ăn để việc tiêu hóa dễ dàng hơn như hấp, luộc, hầm, canh,các đồ ăn mềm như cháo, mỳ, cơm…
+ Mẹ bầu cũng nên tránh những đồ ăn cứng, chua, cay, nhiều dầu mỡ, đồ ăn lạnh, đóng hộp, chế biến sẵn, thức uống có chất kích thích như cà phê, rượu, bia, thuốc lá,… đồ ăn sống, ôi thiu, lên men.
5.2 Xây dựng chế độ sinh hoạt khoa học
– Nghỉ ngơi hợp lý, cần ngủ ít nhất 8 tiếng một ngày để cơ thể thư giãn, có đủ năng lượng để hoạt động vào ngày hôm sau.
– Có tâm lí thoải mái, tránh căng thẳng hay áp lực, nên làm những hoạt động yêu thích để tâm trạng được thư giãn.
– Luyện tập các bài thể dục dành cho bà bầu để cải thiện thể chất, đặc biệt là hệ tiêu hóa và giúp cho cơ thể dẻo dai.
Hy vọng chia sẻ trên đã cung cấp đầy đủ thông tin về bệnh lý đau dạ dày khi mang thai 3 tháng cuối của thai kỳ. Khi có dấu hiệu về bệnh lý, mẹ bầu nên đến thăm khám và nhận tư vấn của bác sĩ về phương pháp điều trị, không nên chủ quan tự chữa trị tại nhà bằng các phương pháp chưa được bác sĩ chỉ định để tránh chữa sai cách và gây nên hậu quả nghiêm trọng hơn.