Menu xem nhanh:
Nguyên nhân đau cứng cổ
Chúng ta thường nghĩ đau cứng cổ do ngủ sai tư thế, tuy nhiên đau cứng cổ có thể do bệnh lý hoặc các tác nhân khác, cụ thể:
Do sai tư thế
Tư thế ngủ sai như kê gối quá cao hoặc quá phẳng khiến cho cổ bị đẩy quá nhiều về phía trước hoặc quá ngửa về sau sẽ dẫn đến những cơn đau cứng cổ sau khi ngủ dậy. Việc nằm ngủ sấp cũng gây hại cho cổ vì khi ngủ sấp vùng cổ của bạn phải quay nghiêng sang một bên, gây sức ép lên vùng cổ dẫn đến tê mỏi, cứng cổ trong và sau khi ngủ dậy.
Tư thế làm việc không thoải mái như mang vác vật nặng một bên vai, cúi nhìn màn hình vi tính, làm việc ở một tư thế quá lâu mà không có sự thay đổi tư thế hoặc thư giãn xương khớp, việc thay đổi tư thế đột ngột cũng gây ra đau cứng cổ.
Do sự thoái hóa của xương khớp cổ
Cũng như các xương khớp khác của cơ thể, các xương khớp ở cổ cũng có thể bị thoái hóa theo thời gian và phát triển thành bệnh thoái hóa cột sống cổ, bệnh thường xảy ra khi tuổi tác cao. Các triệu chứng có thể bao gồm cứng cổ, đau lan ra vai và cánh tay…
Dây thần kinh bị chèn ép
Khi dây thần kinh ở cổ bị chèn ép gây ra đau cứng vùng cổ và các vùng lân cận, dây thần kinh bị chèn ép thường là hậu quả của bệnh thoát vị đĩa đệm cột sống cổ…
Do chấn thương vùng cổ
Những chấn thương vùng cổ do va đập với vật cứng hoặc tai nạn sinh hoạt, tai nạn lao động dẫn đến đau cổ, cứng cổ, thậm chí không thể cử động cổ.
Các nguyên nhân khác
Căng cơ ở cổ, căng thẳng cảm xúc, đau xơ cơ, viêm màng não… cũng dẫn đến đau mỏi cổ, đau cứng cổ, đau nhức cơ bắp…
Cách điều trị và khắc phục tình trạng đau cứng cổ
Phần lớn các trường hợp căng cơ đơn thuần sẽ được chữa khỏi trong vài ba ngày. Nhưng nếu đau cứng cổ không đỡ sau nhiều ngày hoặc kèm theo các triệu chứng khác như sốt,… thì rất có thể đây là dấu hiệu của những bệnh lý tiềm tàng cần được thăm khám để điều trị kịp thời.
Ngoài ra có thể điều trị và phòng ngừa đau cứng cổ bằng một số phương pháp sau:
Có chế độ nghỉ ngơi hợp lý
Cần tránh làm việc liên tục ở một tư thế cố định, cần nghỉ giữa giờ để xương khớp được thư giãn.
Có tư thế phù hợp: tránh bê vác vật nặng, gối đầu quá cao hoặc quá thấp hoặc nằm sấp khi ngủ. Khi thay đổi tư thế phải thay đổi từ từ, tránh xoay cổ đột ngột gây căng cơ, cứng cơ cổ…
Có các bài tập thể dục nhẹ nhàng
Học các bài tập kéo giãn cơ cổ thích hợp với sự hướng dẫn của các nhà vật lý trị liệu hoặc các bác sĩ chuyên khoa. Có thể xoa bóp, mát xa nhẹ nhàng để làm mềm cơ, giãn cơ theo sự hướng dẫn của bác sĩ. Những bài tập thể dục linh hoạt hằng ngày giúp bạn duy trì vận động tốt cho cổ, giảm căng thẳng và tránh gây căng cứng vùng cổ.
Bổ sung đủ chất cho cơ thể
Bổ sung đủ chất dinh dưỡng, khoáng chất và vitamin cho cơ thể để tăng cường sức đề kháng, hạn chế sử dụng các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe.
Khám sức khỏe định kỳ
Đi khám sức khỏe định kỳ để phòng ngừa và phát hiện sớm các vấn đề về xương khớp.