Đánh trống ngực là triệu chứng bất thường về cảm giác ở tim, thường xảy ra khi bệnh nhân gắng sức hoặc hoạt động nhiều, nhưng cũng có thể xuất hiện khi bệnh nhân nằm, nghỉ ngơi. Vậy đánh trống ngực khi nằm cảnh báo điều gì, có nguy hiểm không, cũng tìm hiểu qua bài viết sau đây.
Menu xem nhanh:
1. Đánh trống ngực khi nằm biểu hiện như thế nào?
Đánh trống ngực là một trong những triệu chứng tim mạch mà nhiều người gặp phải, đặc trưng ở cảm giác tim rung rinh, đập quá mạnh hoặc quá nhanh, bỏ qua một nhịp, hoặc nhịp đập không đều. Các biểu hiện có thể xuất hiện ở vùng ngực, cổ họng hoặc cổ và khiến người bệnh lo lắng. Tuy nhiên thực chất tình trạng này thường vô hại và tự hết. Nên cảnh giác và đi khám khi có các biểu hiện đi kèm như khó thở, chóng mặt, tức ngực hay ngất xỉu.
Đánh trống ngực thường xuất hiện khi bạn hoạt động nhưng cũng có thể xảy ra khi nằm nghỉ với cảm giác đập mạnh ở ngực, cổ hoặc đầu sau khi bạn nằm xuống. Khi nằm nghiêng, hiện tượng đánh trống ngực càng rõ ràng hơn do cơ thể uốn cong và áp lực từ bên trong.
Nhiều trường hợp đánh trống ngực xảy ra suốt cả ngày, nhưng bạn chỉ cảm nhận đươc vào ban đêm do không gian yên tĩnh và sự phân tâm đã giảm bớt khi bạn nằm trên giường.
2. Nguyên nhân gây ra tình trạng đánh trống ngực khi nằm
Có nhiều nguyên nhân gây tình trạng đánh trống ngực khi nằm như:
2.1 Căng thẳng là một trong những nguyên nhân gây đánh trống ngực khi nằm
Căng thẳng có thể khiến bạn có cảm giác tim đập nhanh và bỏ nhịp, là một trong những nguyên nhân gây đánh trống ngực khi ngủ. Một số loại căng thẳng thường gặp như sang chấn tâm lý, lo lắng, bất an. Trong trường hợp này, các bài tập như yoga và thiền có thể giúp làm giảm căng thẳng và giảm bớt đánh trống ngực.
2.2 Chất kích thích
Một số chất kích thích có thể gây rối loạn nhịp tim của bạn là caffein, nicotin… Caffein làm tăng hoạt động trao đổi chất của cơ thể và làm tăng nhịp tim của bạn. Nếu uống quá nhiều các đồ uống chứa caffein như cà phê, nước tăng lưc trong ngày hoặc trước giờ ngủ, bạn có thể bị đánh trống ngực lúc nằm. Nicotin thường có nhiều trong thuốc lá. Vì vậy những người thường xuyên hút thuốc lá, đặc biệt trước khi ngủ có thể gây ra đánh trống ngực khi ngủ.
2.3 Rối loạn tiêu hóa
Nếu vừa ăn uống xong hoặc ăn quá nhiều và sau đó nằm xuống ngay, bạn có thể bị đánh trống ngực, đau ngực, ợ nóng do tiêu hóa khó khăn.
2.4 Rối loạn điện giải
Sự thiếu hụt một số chất điện giải như kali hoặc magiê có thể khiến bạn bị đánh trống ngực, hồi hộp khi nằm. Để giảm tình trạng đánh trống ngực, bạn cần bổ sung các chất điện giải bằng cách uống thuốc bổ tổng hợp hoặc các dung dịch bù điện giải. Việc tập thể dục với cường độ cao hoặc trong thời tiết nóng cũng có thể khiến cơ thể mất nước và gây đánh trống ngực. Khi tập, bạn nên bổ sung điện giải bằng cách uống thức uống thể thao để tránh mất nước và cân bằng điện giải.
2.5 Thay đổi hormone
Thời kỳ tiền kinh nguyệt, tiền mãn kinh hoặc mãn kinh, sự thay đổi các hormone trong cơ thể có thể dẫn đến đánh trống ngực. Đặc biêt, thiếu estrogen dẫn đến tim đập nhanh.
Mang thai cũng là thời kỳ rất nhạy cảm, việc cơ thể xuất hiện sự thay đổi hormone và nhu cầu tim tăng lên có thể khiến thai phụ gặp các triệu chứng của đánh trống ngực mỗi lúc nằm xuống, Tình trạng này thường xảy ra tạm thời nhưng cũng có thể thường xuyên hơn, thậm chí kèm theo các triệu chứng khác. Khi đó, bạn cần gặp bác sĩ ngay để kiểm tra, đảm bảo không có các nguyên nhân tiềm ẩn.
2.6 Do một số thuốc
Một số loại thuốc như thuốc điều trị tăng huyết áp, bệnh van tim… có thể gây ra đánh trống ngực khi nằm. Thuốc kháng histamin, loại thuốc thường được dùng trong điều trị dị ứng cũng có thể khiến tim đập nhanh, bỏ nhịp. Ngoài ra, thuốc ngủ, thuốc chữa cảm lạnh cũng có thể gây ra tình trạng này.
2.7 Rối loạn chức năng tuyến giáp
Tình trạng tuyến giáp tăng hoặc giảm hoạt động quá mức đều có thể gây đánh trống ngực. Nếu có biểu hiện này bạn nên đi khám và trao đổi với bác sĩ để được kê đơn thuốc kiểm soát tình trạng đánh trống ngực.
2.8 Suy tim nặng gây đánh trống ngực khi nằm
Suy tim nặng có thể khiến tim chịu quá nhiều áp lực và đánh trống ngực khi bạn nằm xuống. Người bệnh thậm chí có thể bị khó thở, phù nề và tăng cân. Nếu gặp các triệu chứng kể trên, hãy đến bác sĩ để được chẩn đoán và can thiệp sớm.
Các bệnh lý tim mạch khác có thể gây đánh trống ngực như: đau tim, bệnh động mạch vành, bất thường van tim, cơ tim…
2.9 Các nguyên nhân khác
Hệ thần kinh hoạt động quá, axit dư thừa trong dạ dày do ăn đồ chiên xào, chua cay cũng có thể kích thích tim và khiến cơ tim co bóp nhanh, cảm giác như nhịp tim đập nhanh hoặc đánh trống ngực. Nếu bị tăng huyết áp và cơ tim bị giãn cũng có thể khiến bệnh nhân bị đánh trống ngực. Ngoài ra, ngủ không đủ giấc có thể gây ra tình trạng này.
3. Chẩn đoán và điều trị đánh trống ngực lúc nằm
Nếu bạn bị đánh trống ngực lúc nằm, không nên chủ quan mà cần theo dõi và quan sát cơ thể. Nếu bị đánh trống ngực kèm khó thở nặng, đau ngực hoặc ngất đi, bạn cần đi khám khẩn cấp. Dù tình trạng đánh trống ngực xảy ra trong khoảng thời gian ngắn, bạn vẫn nên đi khám để tìm hiểu xem nguyên nhân gây đánh trống ngực của bạn là gì, là vô hại hay xuất phát từ các bệnh tim nghiêm trọng hơn.
Việc điều trị phụ thuộc vào nguyên nhân gây đánh trống ngực. Thông thường, nếu đánh trống ngực là vô hại và tự biến mất thì bệnh nhân không cần phải điều trị. Lúc này bạn nên tránh các hoạt động có thể kích hoạt cơn đánh trống ngực, tập thư giãn, tập yoga, dưỡng sinh,… để giảm bớt lo lắng và căng thẳng. Ngoài ra nên tránh các loại thuốc hoạt động như chất kích thích.
Nếu việc thay đổi lối sống như trên không giúp cải thiện tình trạng đánh trống ngực nằm, bạn có thể được kê đơn thuốc. Trong trường hợp tìm ra nguyên nhân, bác sĩ sẽ tập trung điều trị nguyên nhân gây đánh trống ngực đó.