Đánh giá suy thận qua creatinin trong cơ thể

Tham vấn bác sĩ
Thầy Thuốc ưu tú, Bác sĩ CKII

Phạm Huy Huyên

Phó Giám đốc Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc, Phụ trách Ngoại thận tiết niệu

Creatinin là chỉ số phản ánh chính xác tình trạng hoạt động của thận. Đánh giá suy thận qua creatinin máu và nước tiểu giúp phát hiện, đánh giá và theo dõi tình trạng của bệnh. Vậy chỉ số creatinin là gì và có ý nghĩa như thế nào đối với bệnh suy thận?

1. Creatinin là gì?

Creatinin là một sản phẩm cặn bã được đào thải ra ngoài cơ thể qua con đường duy nhất là thận. Nguồn gốc của creatine là creatin được tổng hợp từ gan rồi được phosphoryl hóa ở gan thành creatinphosphat. Sau đó, creatinphosphat được vận chuyển theo máu đến dự trữ ở cơ và dùng trong quá trình co cơ. Sự thoái hóa của creatinphosphat tạo ra creatinin và creatinin được đào thải qua thận. Do đó, xét nghiệm nồng độ creatinin sẽ phản ánh chính xác chức năng của thận và chẩn đoán tình trạng suy thận.

Đánh giá suy thận qua creatinin phản ánh chính xác chức năng hoạt động của thận

Đánh giá suy thận qua creatinin phản ánh chính xác chức năng hoạt động của thận.

2. Nên thực hiện xét nghiệm nồng độ creatinin khi nào?

Trong một số trường hợp, nồng độ creatinin trong máu tăng được phát hiện tình cờ khi người bệnh đi khám sức khỏe định kỳ mà không có biểu hiện triệu chứng trước đó. Với một số trường hợp khác, xét nghiệm nồng độ creatinin khi người bệnh có những bệnh lý cấp tính. Dấu hiệu và triệu chứng khi chức năng thận bị suy giảm gồm:

  • Cơ thể uể oải, mệt mỏi và thiếu tập trung. Có đôi lúc bị chóng mắt do hiện tượng thiếu máu.
  • Sưng hoặc phù mặt, tay chân. Đặc biệt sưng nhiều ở vùng xung quanh mắt.
  • Lượng nước tiểu tăng hoặc giảm bất thường so với mọi ngày. Nước tiểu có màu vàng đậm, nhiều bọt hoặc đôi khi có lẫn máu.
  • Cảm giác nóng rát khi tiểu. Thay đổi thói quen đi tiểu như hay tiểu về đêm.
  • Đầy bụng, chướng hơi, chán ăn và ăn không ngon miệng.
  • Cảm thấy đau tức hai bên mạn sườn, đặc biệt phần ở phần hố lưng.
  • Một số biểu hiện khác: bị tăng huyết áp, bị rối loạn giấc ngủ, mất ngủ hoặc

Bên cạnh đó, việc xét nghiệm đo nồng độ creatinin nên được thực hiện định kỳ khi:

  • Người bị bệnh đái tháo đường tuýp 1 hay tuýp 2. Xét nghiệm này nên được thực hiện ít nhất một lần mỗi năm.
  • Người mắc bệnh suy thận nên thực hiện đo nồng độ creatinin thường xuyên. Mục đích để theo dõi tình trạng của bệnh.
  • Người có các bệnh lý có thể gây ảnh hưởng đến thận như tăng huyết áp hoặc đái tháo đường.
  • Người đang dùng thuốc có thể ảnh hưởng đến thận cũng nên hiện xét nghiệm nồng độ creatinin

3. Đánh giá suy thận qua creatinin

Thận có vai trò duy trì nồng độ creatinin trong máu ở mức ổn định. Nồng độ creatinin trong máu bình  thường dao động từ 0.6-1.2 mg/dl (53- 106 mmol/l) đối với nam và 0.5- 1.1 mg/dl (44- 97 mmol/l) ở nữ. Với trẻ em, mức creatinin ở bình thường khoảng 0.2 mg/dl hoặc cao hơn tùy thuộc vào sự phát triển của các khối cơ. Khi nồng độ creatinin tăng cao bất thường đồng nghĩa với việc chức năng của thận suy giảm hoặc có nguy cơ mắc bệnh suy thận rất cao.

Đánh giá suy thận qua creatinin để phân loại các cấp độ suy thận

Đánh giá suy thận qua creatinin để phân loại các cấp độ suy thận.

Từ kết quả xét nghiệm creatinin có thể đánh giá và phân loại mức độ suy thận theo các giai đoạn sau:

  • Suy thận độ 1: nồng độ creatinin được giới hạn dưới 130 mmol/l hoặc dưới 1.5 mg/l.
  • Suy thận độ 2: creatinin từ 130-299 mmol/l hoặc từ 1.5-3.4 mg/l.
  • Suy thận độ 3a: creatinin từ 300-499 mmol/l hoặc từ 3.5-5.9 mg/l.
  • Suy thận độ 3b: creatinin từ 500-900 mmol/l hoặc từ 6-10 mg/l.
  • Suy thận độ 4 (suy thận giai đoạn cuối): creatinin trên 900 mmol/l hoặc trên 10 mg/l.

Bệnh suy thận mạn tiến triển theo 5 cấp độ theo mức độ nặng tăng dần. Khi nồng độ creatinin trong suy thận đạt ngưỡng 3b, người bệnh buộc phải tiến hành chạy thận nhân tạo.

4. Nguyên nhân làm thay đổi nồng độ creatinin trong máu

Tất cả các trường hợp gây ảnh hưởng đến chức năng thận đều có thể làm tăng lượng creatinin trong máu. Cụ thể là:

  • Suy thận do hậu quả của các bệnh lý khác: Suy tim mất bù, mất nước,  giảm khối lượng tuần hoàn, xuất huyết, hẹp động mạch thận, dùng thuốc lợi tiểu hay thuốc hạ áp.
  • Suy thận do tổn thương cầu thận: Tăng huyết áp, đái tháo đường, thoái hóa thận dạng tinh bột, viêm cầu thận, bệnh lupus ban đỏ hệ thống, lắng đọng IgA tại cầu thận, điều trị bằng thuốc ức chế men chuyển angiotensin
  • Suy thận do tổn thương ống thận: Viêm thận – bể thận cấp hay mạn tính, sỏi thận, đa u tủy xương, tăng canxi máu, tăng acid Uric máu, nhiễm độc thận.
  • Suy thận do sỏi thận, ung thư tiền liệt tuyến, các khối u bàng quang, khối u tử cung, xơ hóa sau phúc mạc.

5. Cách ổn định nồng độ creatinin trong suy thận

5.1. Khám, chẩn đoán để điều trị nguyên nhân gây bệnh:

Có nhiều cách khác nhau để ổn định nồng độ creatinin trong máu và nước tiểu. Nếu creatinin tăng cao do các loại thực phẩm, chế độ ăn uống sinh hoạt hằng ngày hoặc hậu quả của những bệnh lý khác thì chỉ cần thay đổi và điều trị bệnh thật tốt.

Còn nếu nồng độ creatinin tăng cao do những vấn đề liên quan đến thận thì bắt buộc phải điều trị bệnh. Ở mỗi cấp độ bệnh khác nhau, bác sĩ sẽ xây dựng phác đồ điều trị riêng biệt dựa trên tình trạng sức khỏe của người bệnh.Từ đó chỉ định sử dụng kháng sinh hay chạy thận nhân tạo hoặc ghép thận..

5.2. Chế độ ăn uống và sinh hoạt:

Bên cạnh việc điều trị bệnh thì thay đổi thói quen ăn uống kết hợp với lối sống sinh hoạt, học tập và làm việc cũng sẽ phần nào giúp ổn định chỉ số creatinin trong suy thận.

Chế độ ăn uống và sinh hoạt khoa học, lành mạnh giúp ổn định nồng độ creatinin trong suy thận
Chế độ ăn uống và sinh hoạt khoa học, lành mạnh giúp ổn định nồng độ creatinin trong suy thận
  • Uống đủ nước mỗi ngày giúp hệ tiết niệu hoạt động hiệu quả hơn.
  • Cung cấp nhiều chất xơ, vitamin từ các loại trái cây tươi, rau củ xanh, ngũ cốc dinh dưỡng và các loại hạt vào trong thực đơn hàng ngày.
  • Hạn chế các loại thức ăn nhanh, đồ chế biến sẵn đồ đông lạnh, đồ cay nóng.
  • Không sử dụng các loại chất kích thích, đồ uống có chứa cồn, gas,…
  • Không nên ăn các loại nội tạng động vật do có chứa lượng chất béo bão hòa và cholesterol cao.
  • Duy trì chế độ ăn ít natri trong khẩu phần ăn hàng ngày. Lựa chọn các sản phẩm, thực phẩm có hàm lượng natri thấp.
  • Tránh các loại thực phẩm giàu phốt-pho như bí ngô và bí, phô mai, cá, động vật có vỏ, thịt gia súc và gia cầm, sữa và các loại sản phẩm từ sữa…. Vì thận sẽ rất khó khăn trong việc tiêu hóa các loại thực phẩm này.
  • Hạn chế các loại đồ ăn giàu đạm và canxi, kali như các loại thịt đỏ và đồ hải sản.
  • Ngủ ngon và ngủ đúng giờ, ngủ đủ giấc.
  • Thường xuyên luyện tập thể dục thể thao chăm sóc sức khỏe. Kết hợp với lối sống sinh hoạt khoa học và lành mạnh nhất.

Trên đây là một số thông tin hữu ích nhất về đánh giá suy thận qua creatinin. Hy vọng qua bài viết bài sẽ giúp bạn biết cách chăm sóc bản thân hoặc bất kỳ ai đang gặp phải tình trạng tương tự như trên.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital