Có nên nội soi dạ dày thường xuyên để phát hiện ung thư?

Tham vấn bác sĩ
Thạc sĩ, Bác sĩ 

Phí Thị Quang

Bác sĩ Tiêu hóa - Nội soi

Có thể thấy, nội soi dạ dày là phương pháp hiệu quả, được sử dụng phổ biến để chẩn đoán các bệnh lý liên quan đến dạ dày, trong đó có ung thư dạ dày. Tuy nhiên, có nên thực hiện nội soi thường xuyên để phát hiện ung thư? Tần suất thực hiện nội soi như thế nào là hợp lý? Hãy cùng theo dõi bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn và có cho mình kế hoạch thăm khám phù hợp nhé!

1. Tầm quan trọng của việc nội soi dạ dày trong tầm soát ung thư

1.1. Nội soi dạ dày là gì?

Nội soi dạ dày là phương pháp sử dụng một ống dây mềm có gắn camera đưa vào bên trong dạ dày để quan sát bên trong thực quản, dạ dày và tá tràng của người bệnh. Từ hình ảnh thu được, bác sĩ có thể phát hiện ra các dấu hiệu bất thường như dị vật, polyp, khối u hoặc tình trạng viêm loét niêm mạc dạ dày. Thông thường, quá trình nội soi sẽ diễn ra từ 10 đến 15 phút. Ngoài ra, trong quá trình nội soi, bác sĩ có thể lấy mô sinh thiết để chẩn đoán ung thư dạ dày. Kỹ thuật này có nhiều ưu điểm vượt trội mang lại kết quả chẩn đoán chính xác gần như tuyệt đối, tiết kiệm thời gian và tương đối an toàn.

Ý nghĩa của nội soi dạ dày

Nội soi là phương pháp hiệu quả, được sử dụng phổ biến để chẩn đoán các bệnh lý liên quan đến dạ dày

1.2. Ý nghĩa của nội soi dạ dày trong tầm soát ung thư hiện nay

Hiện nay, đây là phương pháp hiệu quả giúp các bác sĩ chẩn đoán bệnh lý tại đường tiêu hóa trên (dạ dày, thực quản, tá tràng) trong đó bao gồm cả ung thư dạ dày – một trong những căn bệnh phổ biến nhất hiện nay.

Nội soi là phương pháp có giá trị nhất trong tầm soát ung thư. Phương pháp này giúp quan sát trực tiếp tổn thương trong lòng dạ dày, nơi tế bào ung thư thường xuất hiện. Ngoài ra, trong quá trình nội soi, bác sĩ hoàn toàn có thể xác định các yếu tố nguy cơ gây nên ung thư dạ dày (polyp dạ dày) và lấy mẫu sinh thiết tế bào để sinh thiết xem tế bào đó có ác tính hay không.

Ngoài khả năng phát hiện sớm các dấu hiệu ung thư, dưới đây là một số lợi ích khác của phương pháp này:

– Tăng hiệu quả điều trị ung thư đường tiêu hóa, gia tăng cơ hội sống sau khi điều trị cho người bệnh.

– Quá trình thực hiện đơn giản, tránh được những biến chứng nguy hiểm rút ngắn thời gian nằm viện.

– Từ đó, tiết kiệm thời gian và chi phí điều trị cho người bệnh.

2. Tần suất thực hiện nội soi như thế nào là phù hợp?

Theo lời khuyên của bác sĩ, tần suất thực hiện phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như tình trạng sức khỏe của người bệnh, mức độ nặng nhẹ của bệnh,… Vì vậy, để có được tần suất thăm khám phù hợp nhất với bản thân, bạn nên tham khảo tư vấn của bác sĩ sẽ xem xét, cân nhắc và đưa ra quyết định phù hợp. Lưu ý chỉ nên thực hiện nội soi khi đã có chỉ định của bác sĩ.

Bạn có thể tham khảo tần suất nội soi gợi ý sau đây về tần suất thực hiện:

– Những người khỏe mạnh, không phát hiện thấy bất thường trong dạ dày và thực quản thì không cần phải đi nội soi lại lần 2.

– Người bị viêm dạ dày mạn tính, nhiễm vi khuẩn HP và không có các bất thường khác có thể thực hiện nội soi 3 năm/ lần.

– Người mắc Barrett thực quản có thể được chỉ định nội soi 1 năm / lần để tiện theo dõi.

– Người bệnh có mắc loạn sản dạ dày hoặc bị tổn thương dạ dày nghiêm trọng thì nên thực hiện nội soi 3 – 6 tháng/ lần.

Theo khuyến cáo của các chuyên gia, mọi người sau 40 tuổi đều nên thực hiện nội soi một lần để tầm soát và đánh giá nguy cơ mắc ung thư dạ dày. Tần suất nội soi để tầm soát ung thư bệnh nhân nên tham khảo tư vấn của bác sĩ vì với mỗi trường hợp sẽ có tần suất khác nhau.

tần suất thực hiện nội soi

Người bị viêm dạ dày mạn tính, nhiễm vi khuẩn HP và không có các bất thường khác sẽ có tần suất thực hiện khác so với người khỏe mạnh

3. Ảnh hưởng khi thực hiện nội soi dạ dày nhiều quá mức

Mặc dù có nhiều ưu điểm và lợi ích mang lại cho việc tầm soát ung thư dạ dày, tuy nhiên, người bệnh không nên lạm dụng việc nội soi vì nó có thể mang đến những rủi ro nhất định. Với những người hoàn toàn khỏe mạnh, việc nội soi không nên được thực hiện quá thường xuyên vì các lý do sau:

3.1. Tốn kém chi phí

Đây là phương pháp đòi hỏi đến sự hỗ trợ của máy móc nên chi phí không hề rẻ. Nếu làm nội soi gây mê thì chi phí cũng sẽ cao hơn vì cần dùng đến thuốc gây mê. Bởi vậy để tránh lãng phí tiền bạc, bạn không nên thực hiện nội soi quá nhiều lần nếu không thực sự cần thiết.

3.2. Thuốc mê có thể gây hại cho cơ thể

Đối với nội soi gây mê, bạn sẽ được tiêm thuốc gây mê để tránh tình trạng buồn nôn và đau đớn. Nhưng sử dụng thuốc gây mê quá thường xuyên cũng gây hại cho cơ thể như: tụt huyết áp, rối loạn huyết áp, suy hô hấp, rối loạn nhịp tim…Nhìn chung, đây là thủ thuật khá an toàn nếu thực hiện với mức độ vừa đủ.

Không nên thực hiện nội soi gây mê quá thường xuyên

Sử dụng quá nhiều thuốc gây mê có thể gây ảnh hưởng đến cơ thể

3.3. Tổn thương rủi ro khi thực hiện nội soi

Nội soi là phương pháp chẩn đoán có xâm lấn, do vậy có thể gây ra một số tình huống xấu như: tổn thương niêm mạc họng hay nguy hiểm hơn là thủng dạ dày. Dù vậy, xác suất của những rủi ro này là rất thấp và còn phụ thuộc vào tay nghề của bác sĩ. Vì vậy, việc lựa chọn một cơ sở y tế uy tín để thực hiện nội soi là rất quan trọng. Người bệnh nên thực hiện ở những nơi có uy tín, đội ngũ y bác sĩ chuyên môn cao trực tiếp thực hiện. Một trong những địa chỉ mà người bệnh có thể tham khảo là Hệ thống y tế Thu Cúc TCI. Tại đây người bệnh sẽ được thăm khám với công nghệ nội soi hàng đầu cùng đội ngũ bác sĩ giàu kinh nghiệm chuyên môn.

Trên đây là câu trả lời cho câu hỏi “Có nên nội soi dạ dày thường xuyên để phát hiện ung thư?”, mong rằng những thông tin trên đã đủ giải đáp cho thắc mắc của bạn đọc.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital