Có nên nhổ răng sữa sớm cho trẻ hay không là vấn đề ít bậc phụ huynh quan tâm bởi tâm lý răng sữa đến khi thay tự rụng. Tuy nhiên, thực tế với trẻ em, có rất nhiều trường hợp cần nhổ răng sữa sớm cho bé để tránh ảnh hưởng tới chức năng ăn nhai sau này của con. Vậy trong những trường hợp nào cha mẹ cần nhổ răng cũng như chăm sóc răng sữa cho bé thế nào, hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Menu xem nhanh:
1. Vai trò của răng sữa
Nhiều cha mẹ nghĩ rằng răng sữa sớm muộn gì cũng rụng và không hiểu rõ vai trò của răng sữa nên thường không chú ý chăm sóc răng sữa cho trẻ. Tuy nhiên, trên thực tế, vai trò của răng sữa là vô cùng quan trọng tới sức khỏe hiện tại của trẻ và ảnh hưởng trực tiếp tới việc mọc của răng vĩnh viễn sau này.
– Răng sữa giúp trẻ nhai, nghiền thức ăn. Khi trẻ bắt đầu bước vào thời kỳ ăn dặm, những chiếc răng sữa đầu tiên sẽ bắt đầu mọc và thường sẽ mọc đầy đủ khi trẻ được 2 tuổi. Quá trình mọc răng sữa gắn liền với quá trình phát triển khả năng ăn uống của trẻ. Thức ăn chuyển từ dạng mịn sang dạng thô và không bộ phận nào khác ngoài răng sữa giúp trẻ “sơ chế” toàn bộ những thực phẩm này trước khi chúng được đưa xuống dạ dày.
– Sự phát triển của răng sữa kích thích sự phát triển của xương hàm. Khi trẻ có hoạt động nhai, toàn bộ cung hàm được vận động, xương hàm cũng nhờ đó mà được kích thích để phát triển.
– Răng sữa định hướng sự phát triển cho răng vĩnh viễn sau này. Bên dưới mỗi chiếc răng sữa luôn có 1 chiếc răng vĩnh viễn khi đến thời điểm phù hợp sẽ thay thế răng sữa.
– Răng sữa giúp trẻ phát triển ngôn ngữ. Ngôn ngữ được hình thành từ cột không khí trong thanh quản kết hợp cử động dây thanh, lưỡi răng và môi. Trong quá trình hình thành ngôn ngữ, nếu trẻ không may bị rụng răng cửa hoặc sâu răng,… âm thanh sẽ không được phát âm tròn tiếng, trẻ có thể bị nói ngọng.
2. Có nên nhổ răng sữa sớm cho trẻ, các trường hợp nhổ răng sớm cần lưu tâm
Thông thường, răng sữa của trẻ không cần nhổ bỏ mà sẽ tự rụng khi trẻ được 5 – 6 tuổi. Thứ tự thay răng sẽ lần lượt như thứ tự mọc của các răng sữa, cụ thể:
– 4 răng cửa trước sẽ được thay khi trẻ từ 5 đến 7 tuổi.
– 4 răng cửa bên sẽ được thay khi trẻ từ 7 đến 8 tuổi.
– Răng hàm thứ nhất thường bắt đầu thay khi trẻ 9 tuổi
– Răng nanh được thay khi trẻ 11 tuổi
– Răng hàm thứ hai thay khi trẻ từ 11 đến 12 tuổi.
Cha mẹ hãy chú ý các đặc điểm này để theo dõi quá trình thay răng của trẻ. Khi chuẩn bị thay răng, trẻ thường có các triệu chứng như: răng bị rung lay, đau khi nhai mạnh, phần lợi dưới răng có dấu hiệu trắng cho thấy răng vĩnh viễn đã sẵn sàng chồi lên. Lúc này, cha mẹ có thể hướng dẫn trẻ các tự lung lay răng để răng được rụng nhanh hơn. Việc nhổ răng có thể tiến hành tại nhà hoặc tốt nhất nên đưa trẻ tới các cơ sở nha khoa để nhổ răng một cách an toàn.
Tuy nhiên, nhiều cha mẹ vẫn băn khoăn có nên nhổ răng sữa sớm cho bé? Trong một số trường hợp sau đây,cha mẹ hãy chủ động nhổ răng sữa sớm cho bé:
– Răng vĩnh viễn có dấu hiệu mọc lên nhưng răng sữa vẫn chưa có dấu hiệu lung lay. Trong trường hợp này cần đưa trẻ tới nha khoa thăm khám và nhổ răng kịp thời bởi răng vĩnh viễn khie mọc lên không có chỗ sẽ dẫn đến tình trạng mọc lệch. Đây là lý do tại sao có rất nhiều trẻ thay răng sữa, răng mới mọc thường chen chúc hoặc lệch hàng chìa bên trong hoặc chìa ra ngoài.
– Răng sữa của trẻ bị sâu, đã điều trị tủy hoặc trám răng nhưng không thành công hoặc tình trạng sâu viêm quá nặng . Việc điều trị và nhổ răng sữa trong trường hợp này rất quan trọng. Thực tế có rất nhiều cha mẹ nghĩ rằng sớm muộn răng sữa cũng rụng nên để đến khi thay răng nhổ 1 thể cũng không sao. Kết quả là tình trạng sâu viêm quá nặng tấn công răng vĩnh cửu bên dưới, răng vĩnh cửu vừa mọc đã bị sâu hoặc bé bị viêm nha chu, viêm lợi chân răng.
– Trẻ không may bị chấn thương làm tổn thương răng sữa, răng bị vỡ, dập cần điều trị tủy và nhổ bỏ.
3. Chăm sóc răng sữa cho bé đúng cách
Có thể nói răng sữa có vai trò quan trọng đối với trẻ, chính vì vậy việc chăm sóc răng sữa đúng cách là vô cùng quan trọng:
– Với trẻ chưa tự vệ sinh răng miệng, cha mẹ nên dùng ăn ướt, mềm vệ sinh răng và lưỡi cho bé sau mỗi bữa ăn để loại bỏ các mảng bám. Trong trường hợp trẻ sơ sinh chưa mọc răng, bú mẹ hoàn toàn có thể không cần vệ sinh miệng, còn đối với trẻ ăn sữa ngoài, chưa mọc răng cha mẹ cũng cần lưu ý tưa lưỡi và làm sạch vùng lợi cho trẻ.
– Với trẻ đã tự vệ sinh được răng miệng, hướng dẫn trẻ đánh răng đúng cách: di chuyển bàn chải dọc thân răng thay vì chải ngang để bảo vệ men răng, đánh răng trong ít nhất 3 phút bằng loại kèm đánh rang phù hợp với lứa tuổi, đánh răng sáng tối sau bữa ăn và trước khi đi ngủ. Ngoài ra có thể hướng dẫn trẻ súc miệng với nước muối sinh lý hoặc các dung dịch vệ sinh răng miệng.
– Đưa bé đi kiểm tra sức khỏe răng miệng định kỳ. Rất ít cha mẹ duy trì thói quen này cho bé. Việc kiểm tra răng miệng, nhất là đối với trẻ nhỏ không chỉ giúp phát hiện bệnh răng miệng mà còn giúp theo dõi cấu trúc răng, sự phát triển của răng vĩnh viễn xem có gì bất thường hay không.
Việc hướng dẫn trẻ chăm sóc răng miệng không chỉ với mục đích bảo vệ răng miệng cho trẻ mà còn là tiền đề giúp trẻ hình thành thói quen chăm sóc răng miệng sau này.
Tóm lại thông qua bài viết này, hi vọng cha mẹ hiểu được tầm quan trọng của răng sữa với trẻ và những trường hợp nên hay không nên nhổ răng sữa sớm cho trẻ. Hãy là ba mẹ thông thái trong nuôi dạy con trẻ, biết cách hướng dẫn trẻ tự chăm sóc răng đúng cách để có một hàm răng khỏe, đẹp nhé.