Chuyên gia giải đáp: Mắt bị lác có chữa được không?

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKII

Nguyễn Thị Xuân Loan

Phó khoa Khám bệnh phụ trách chuyên khoa Mắt

Lác là một bệnh lý nhãn khoa không chỉ ảnh hưởng đến thẩm mỹ mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị lực của chúng ta. Vậy, với nền y học hiện đại, mắt bị lác có chữa được không? Rất may mắn, câu trả lời của câu hỏi này là có. Trong bài viết sau, Thu Cúc TCI xin chia sẻ với bạn các phương pháp điều trị mắt lác.

1. Tổng quan về lác

1.1. Khái niệm

Lác là một bệnh lý nhãn khoa mà trong đó, hai mắt không nhìn cùng một hướng mà một mắt nhìn thẳng, mắt còn lại nhìn lên trên, xuống dưới, vào trong hoặc ra ngoài. Tình trạng nhìn thẳng – nhìn lệch có thể hoán đổi – luân phiên giữa hai mắt và sự chuyển hướng của mắt có thể cố định, cũng có thể không cố định.

Bị lác hai mắt sẽ không nhìn cùng một hướng

Lác là một bệnh lý nhãn khoa mà trong đó, hai mắt không nhìn cùng một hướng

1.2. Nguyên nhân

Mắt có tất cả 6 cơ vận nhãn – 4 cơ thẳng và 2 cơ chéo, hoạt động dưới sự điều khiển của các dây thần kinh số III và số VI. Đúng như tên gọi của chúng, chức năng của các cơ vận nhãn là kiểm soát hoạt động của nhãn cầu. Điều đó đồng nghĩa với việc, nếu các cơ vận nhãn không hoạt động một cách cân bằng, sự di chuyển của nhãn cầu sẽ mất đi tính đồng đều hay mắt sẽ lác.

Về nguyên nhân dẫn đến tình trạng mất cân bằng hoạt động cơ vận nhãn, chúng ra có rất nhiều, tiêu biểu là: Di truyền, hệ vận động nhãn cầu có cấu tạo bất thường bẩm sinh, một số bệnh lý nhãn khoa khác như cận thị nặng bẩm sinh, đục thủy tinh thể, các bệnh lý đáy mắt,…, co quắp điều tiết, chấn thương mắt, tổn thương thần kinh, bệnh lý tuyến giáp và các bệnh ở não.

1.3. Tác hại

Ảnh hưởng tiêu cực đến diện mạo người bệnh là tác hại đã quá rõ ràng của lác. Tuy nhiên, không chỉ có thế, thực tế lác còn gây nhược thị, suy giảm thị lực, hạn chế khả năng quan sát hình ảnh ba chiều và khả năng xác định khoảng cách,… khiến cuộc sống thường nhật của người bệnh gặp không ít khó khăn. Tác hại này của lác không phải ai cũng biết.

2. Mắt bị lác có chữa được không?

Có thể chữa mắt lác. Tuy nhiên, hiệu quả của việc điều trị lác chịu ảnh hưởng của hai yếu tố: Thứ nhất là tuổi tác người bệnh và thứ hai là thời gian bị bệnh. Cụ thể thì hiệu quả điều trị lác tỷ lệ nghịch với 2 yếu tố này: Bệnh nhân càng lớn tuổi và thời gian bị lác càng lâu, hiệu quả điều trị lác càng thấp.

Theo đó, quy trình điều trị lác bao gồm 3 bước sau: Chỉnh kính, điều trị nhược thị và phẫu thuật phục hồi cơ vận nhãn 2 mắt.

Mắt bị lác có chữa được không? Có thể điều trị lác

Điều trị lác bao gồm 3 bước: Chỉnh kính, điều trị nhược thị và phẫu thuật

2.1. Chỉnh kính

Chỉnh kính là bước đầu tiên, cũng là bước rất quan trọng trong quy trình điều trị lác, đặc biệt là đối với người bệnh lác do co quắp điều tiết. Trong bước này, người bệnh sẽ được sử dụng kính để làm rõ nét hình ảnh, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phối hợp thị giác giữa 2 mắt diễn ra.

2.2. Điều trị nhược thị

Bước thứ 2 trong quy trình điều trị lác có thể được thực hiện theo một trong năm cách sau:

– Bịt mắt: Có 4 phương pháp bịt mắt là bịt mắt lành, bịt mắt lác, bịt mắt luân phiên và bịt mắt từng lúc. Người bệnh có thể sẽ được chỉ định thực hiện một hoặc một vài phương pháp phối hợp trong 4 phương pháp bịt mắt đó để kích thích hoạt động đồng đều trên 2 mắt, giúp mắt lác lấy lại khả năng quan sát bình thường.

– Gia phạt: Đây là phương pháp sử dụng thuốc hoặc kính để mang đến cho hai mắt sự cân bằng không gian. Cụ thể thì một mắt sẽ được sắp xếp để chỉ nhìn xa còn một mắt sẽ được sắp xếp để chỉ nhìn gần. Từ đó khả năng thị giác được tạo dựng cho cả hai mắt. Các phương pháp gia phạt chuyên gia nhãn khoa có thể chỉ định cho người bệnh là: Dùng Atropin đơn thuần, gia phạt xa, gia phạt gần và gia phạt toàn bộ.

– Chỉnh thị: Phương pháp này chỉ được áp dụng cho trẻ trên 5 tuổi, chưa điều trị bịt mắt hoặc đã điều trị nhưng không hiệu quả. Một số phương pháp chỉnh thị phổ biến có thể kể đến là: Mỗi ngày một giờ vẽ hoặc xâu hạt cườm chỉ với mắt bệnh, còn mắt lành thì bịt lại; sử dụng các thiết bị nhãn khoa như Authscope, Synoptophore, Coordinator,…. để điều trị tương ứng võng mạc bất thường cũng như phục hồi định thị trung tâm hoàng điểm.

– Dùng thuốc: Áp dụng cho người bệnh lác do điều tiết những không thể điều trị bằng phương pháp chỉnh kính. Thuốc dùng trong phương pháp này là thuốc co đồng tử mạnh, giúp giảm nhu cầu điều tiết khi nhìn gần và giảm mức độ quy tụ do điều tiết. Ngoài thuốc co đồng tử mạnh, Botulinum cũng có thể sẽ được chỉ định. Cách sử dụng thuốc này là: Chuyên gia nhãn khoa sẽ tiêm một lượng nhỏ chúng vào cơ đối vận với cơ liệt với mục đích là làm cơ này yếu đi, từ đó tái lập sự cân bằng cho hai mắt.

2.3. Phẫu thuật

Sau 2 bước chỉnh kính và điều trị nhược thị phía trên, nếu hiệu quả điều trị lác không đạt yêu cầu, chuyên gia nhãn khoa sẽ chỉ định người bệnh phẫu thuật phục hồi cơ vận nhãn 2 mắt. Những phẫu thuật được áp dụng sẽ làm mạnh lên, yếu đi hoặc di chuyển một hoặc nhiều cơ vận nhãn sang một vị trí khác.

Phẫu thuật phục hồi cơ vận nhãn 2 mắt sẽ làm mạnh lên, yếu đi hoặc di chuyển một hoặc nhiều cơ vận nhãn sang một vị trí khác

Người bệnh phẫu thuật phục hồi cơ vận nhãn 2 mắt

Ở trẻ nhỏ, nếu mắt lác nhìn xuống dưới, trẻ có thể phẫu thuật khi đủ 2 tuổi; nếu mắt lác nhìn ra ngoài, trẻ có thể phẫu thuật khi đủ 5 tuổi. Ở người trưởng thành, người bệnh có thể phẫu thuật bất cứ lúc nào, dù mắt lác nhìn ra ngoài, vào trong, lên trên hay xuống dưới.

Phẫu thuật lác không làm suy giảm thị lực trước đó của người bệnh. Tuy nhiên, phẫu thuật có thể để lại một vài biến chứng như: Tụ máu nhãn cầu, sưng phù kết mạc hoặc mi mắt,…. Nhưng những biến chứng này sẽ biến mất hoàn toàn không để lại di chứng nếu được điều trị tích cực.

Như vậy, lác là một bệnh lý nhãn khoa ảnh hưởng xấu sâu rộng đến nhiều khía cạnh cuộc sống của người bệnh. Mắt bị lác có chữa được không? Mắt bị lác có thể cải thiện được. Tuy nhiên cải thiện ở mức độ nào còn phụ thuộc vào tuổi tác người bệnh và thời gian bị bệnh. Chính vì vậy, nếu bạn mắc bệnh lý này, đến ngay cơ sở y tế chuyên khoa Mắt uy tín gần nhất để được thăm khám và điều trị sớm, bạn nhé!

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital