Chuyên gia giải đáp: Điều trị viêm lợi uống thuốc gì?

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKI

Đỗ Thị Tú Anh

Trưởng khoa Răng Hàm Mặt

Lợi (nướu) bị sưng đau, đỏ tấy, dễ chảy máu và hôi miệng là tình trạng báo hiệu lợi bị viêm. Viêm lợi không chỉ gây đau nhức, khiến cơ thể khó chịu mà còn có thể dẫn đến nhiều hệ lụy nghiêm trọng với sức khỏe. Viêm lợi uống thuốc gì để mau khỏi là băn khoăn của rất nhiều người. Bài viết sau sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về tình trạng viêm nhiễm nướu và cách khắc phục hiệu quả.

1. Tìm hiểu về bệnh viêm lợi

Viêm lợi là tình trạng viêm nhiễm tại tổ chức lợi chân răng gây ra các biểu hiện như:

– Nướu có màu đỏ thẫm, tím thẫm hơn so với bình thường.

– Nướu có biểu hiện sưng to.

– Dễ dàng chảy máu khi chạm nhẹ vào hoặc khi đánh răng.

– Xuất hiện cảm giác khó chịu, đau nhức ở phần nướu, chân răng.

Nguyên nhân gây bệnh viêm lợi chủ yếu là do vi khuẩn, virus không được loại bỏ triệt để trong quá trình vệ sinh răng miệng. Chúng tấn công các tổ chức niêm mạc miệng gây viêm nhiễm. Ngoài ra, chúng còn phân hủy thức ăn thừa tạo thành các hợp chất lưu huỳnh gây nên tình trạng hôi miệng.

Bệnh viêm nướu có thể xuất hiện ở mọi đối tượng, kể cả là trẻ em do mảng bám lâu ngày làm hỏng nướu và vệ sinh không đúng cách. Mảng bám tồn tại càng lâu mà không được xử lý thì khiến bệnh càng nặng.

Viêm lợi là tình trạng viêm nhiễm tại nướu do vi khuẩn gây ra

Viêm lợi là tình trạng viêm nhiễm tại nướu do vi khuẩn gây ra

2. Các giai đoạn phát triển của bệnh viêm lợi

Bệnh viêm lợi diễn tiến theo tình trạng nghiêm trọng và được chia thành các giai đoạn như sau:

– Giai đoạn viêm lợi đỏ: Thường gặp ở rất nhiều người với biểu hiện lợi ửng đỏ, ngứa, dễ chảy máu. Viêm lợi có thể lan ra mặt trong của má và cạnh lưỡi gây khó chịu. Nếu không được xử lý đúng cách, lợi sẽ bị lở, loét.

– Giai đoạn viêm nướu triển dưỡng: Là giai đoạn bệnh phát triển nặng thêm gây sưng phồng, phù nề khiến người bệnh cảm thấy khó chịu trong quá trình sinh hoạt hằng ngày. Ở giai đoạn này, có nhiều cao răng, dày từ 2mm trở lên, phủ lên lợi và các răng. Chúng gây nên tình trạng răng sâu, viêm chân răng.

– Giai đoạn viêm nướu hoại tử lở loét: Giai đoạn vô cùng nghiêm trọng khi lợi bị tổn thương nặng, vết loét có thể gây ra tình trạng hoại tử. Vết loét ở bờ lợi có thể lan vào bờ trong, lan vào lưỡi. Người bệnh có cảm giác đau buốt khó chịu, dễ chảy máu, hôi miệng. Viêm lợi ở giai đoạn này không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe mà còn có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như tử vong.

Giai đoạn viêm nướu triển dưỡng có thể gây sưng phồng, tụt lợi

Giai đoạn viêm nướu triển dưỡng có thể gây sưng phồng, tụt lợi

3. Bệnh viêm lợi uống thuốc gì?

Viêm lợi là bệnh có thể mắc ở mọi độ tuổi. Phương pháp điều trị bệnh đa dạng, phụ thuộc vào tình trạng bệnh và độ tuổi của người bệnh.

Về cơ bản, bệnh viêm lợi ở mức độ nhẹ có thể điều trị tại nhà bằng việc vệ sinh răng miệng sạch sẽ, súc miệng bằng các dung dịch có khả năng giảm đau, chống viêm. Nước súc miệng là biện pháp được ưu tiên hàng đầu để điều trị bệnh viêm lợi. Các dung dịch nước súc miệng thường chứa chất kháng khuẩn như chlorhexidin, hexetidin, zin gluconat, chlorin dioxide… giúp loại bỏ vi khuẩn và mảng bám ra khỏi khoang miệng.

Nếu tình trạng bệnh nặng, có biểu hiện sưng đỏ niêm mạc, đau nhiều thì người bệnh có thể sử dụng thuốc kháng sinh, chống viêm theo chỉ định của bác sĩ. Vậy viêm lợi uống thuốc gì, cụ thể các loại thuốc có thể được bác sĩ chỉ định để điều trị viêm lợi như sau:

– Nhóm thuốc kháng sinh như macrolid, beta-lactam… có tác dụng loại bỏ vi khuẩn trú ngụ trong khoang miệng, ở nướu răng để ngăn chặn tình trạng viêm. Từ đó, làm giảm rõ rệt các triệu chứng do bệnh viêm nướu gây ra.

– Thuốc kháng viêm non-steroid như diclophenac, meloxicam, ibuprofen… có tác dụng làm giảm các triệu chứng sưng, viêm ở nướu.

– Nhóm thuốc corticosteroid bao gồm dexamethason, prednisolon… điều trị hiệu quả các triệu chứng sưng, đỏ, đau nhức ở nướu răng do có tính kháng viêm mạnh.

– Các loại thuốc giảm đau thông thường (paracetamol, aspirin…): Có tác dụng làm giảm triệu chứng đau nhức do viêm nướu gây ra. Tuy nhiên, trường hợp mắc bệnh ưa chảy máu hoặc sốt xuất huyết không được dùng aspirin.

Lưu ý: Trên đây là những thông tin tham khảo, người bệnh nên tới các cơ sở y tế uy tín để được thăm khám, xác định tình trạng bệnh và chỉ định dùng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ.

 Viêm lợi uống thuốc gì phụ thuộc vào tình trạng bệnh và chỉ định của bác sĩ

Viêm lợi uống thuốc gì phụ thuộc vào tình trạng bệnh và chỉ định của bác sĩ

Nếu đã sử dụng thuốc và nước súc miệng nhưng tình trạng viêm vẫn không thuyên giảm, bạn nên tới ngay các cơ sở nha khoa uy tín để được bác sĩ thăm khám và điều trị kịp thời. Trường hợp bệnh viêm lợi ở mức độ khá nặng, và có dấu hiệu nguy hiểm tới sức khỏe, bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật loại bỏ túi nha chu, phẫu thuật tái tạo hoặc phẫu thuật ghép mô mềm (trong trường hợp bị tụt lợi, lộ chân răng).

4. Phòng tránh bệnh viêm lợi đúng cách

Bệnh viêm lợi nếu không được điều trị kịp thời có thể gây ra rất nhiều biến chứng nguy hiểm, gây hại sức khỏe răng miệng. Do đó, bạn cần biết cách chăm sóc răng miệng để phòng tránh bệnh viêm lợi khoa học, đúng cách.

– Giữ vệ sinh răng miệng sạch sẽ bằng việc đánh răng đều đặn ít nhất hai lần mỗi ngày trước và sau khi đi ngủ, sau bữa ăn. Đối với trẻ dưới 3 tuổi, bạn có thể quấn gạc mềm quanh ngón tay trỏ và chà răng, nướu cho trẻ.

– Ngoài đánh răng, bạn cần vệ sinh lưỡi thường xuyên để tránh tạo điều kiện cho vi khuẩn và mảng bám tích tụ, gây ra hơi thở có mùi.

– Sử dụng kem đánh răng có chứa flouride để chống vi khuẩn gây sâu răng, tạo ra hàng rào bảo vệ răng, tăng cường độ bền vững cho men răng.

– Nên đổi bàn chải sau khoảng từ 3-6 tháng sử dụng. Người niềng răng cần dùng bàn chải và dụng vụ vệ sinh chuyên dụng theo hướng dẫn của bác sĩ.

– Sử dụng chỉ nha khoa, tăm nước để loại bỏ thức ăn, mảng bám tận sâu trong kẽ răng.

– Không hút thuốc lá, sử dụng các đồ uống có chứa chất kích thích.

– Hạn chế ăn đồ ngọt, thức ăn có chứa axit để tránh mòn men răng, gây sâu răng.

– Bổ sung đầy đủ dưỡng chất giúp tăng cường sức đề kháng.

Lấy cao răng thường xuyên để bảo vệ nướu.

– Khám răng định kỳ ít nhất hai lần mỗi năm để chủ động điều trị các bệnh lý về răng miệng.

Viêm lợi uống thuốc gì là băn khoăn của rất nhiều người khi có các biểu hiện của tình trạng viêm nhiễm nướu. Thu Cúc TCI khuyến khích bạn tới các cơ sở nha khoa uy tín để được bác sĩ thăm khám, xác định tình trạng bệnh và đưa ra phác đồ điều trị phù hợp. Đồng thời, đừng quên chăm sóc và vệ sinh răng miệng một cách khoa học để bảo vệ nướu chắc khỏe.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital