Cúm A lây qua những đường nào? Từ người sang người, cúm A có thể lây gián tiếp qua đồ vật hoặc trực tiếp qua đường hô hấp. Với cả 2 đường lây, chúng ta đều có chung một số biện pháp phòng tránh. Cùng Thu Cúc TCI đọc bài viết sau đây để biết thông tin chi tiết.
Menu xem nhanh:
1. Khái quát về cúm A
Cúm A là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do virus cúm A/H1N1, A/H3N2, A/H5N1, A/H7N9,… gây ra. Bệnh thường lưu hành vào thời điểm giao mùa.
Khi nhiễm cúm A, người bệnh thường: Sốt, đau đầu, ho, đau họng, chảy mũi, đau người, mệt mỏi, chán ăn,… Những triệu chứng này tương đối giống triệu chứng cảm lạnh thông thường. Tuy nhiên, khác với cảm lạnh, mặc dù trong hầu hết các trường hợp, bệnh nhân nhiễm cúm A có thể tự khỏe lại chỉ sau 1 – 2 tuần, tuy nhiên nhiều trường hợp cúm A vẫn có nguy cơ tiến triển nhanh đến nhiều biến chứng tai hại.
Trong đó, một số biến chứng cúm A điển hình có thể kể đến là: Viêm tai giữa, viêm xoang (có thể tiến triển đến điếc vĩnh viễn và biến chứng nội sọ), nhiễm trùng đường tiết niệu (tồn tại khả năng phát triển thành suy thận), viêm phổi, phù phổi, tổn thương gan trầm trọng, suy tim, phù não,…. Thậm chí, cúm A có thể gây tử vong ở một số đối tượng đặc biệt:
– Trẻ em dưới 6 tuổi, nhất là trẻ sơ sinh: Vì đây là đối tượng có hệ miễn dịch chưa hoàn thiện.
– Người trên 60 tuổi.
– Phụ nữ mang thai hoặc phụ nữ mới sinh dưới 2 tuần.
– Người thừa cân, béo phì (BMI > 40).
– Người có bệnh nền, như: Bệnh tiểu đường, bệnh hen suyễn, bệnh thận, bệnh gan, bệnh tim,…
Hiện nay, chưa có thuốc đặc trị cúm A.
2. 2 đường lây của cúm A
Thông thường, virus cúm A chỉ lây từ người sang người qua 2 đường:
– Gián tiếp qua đồ vật: Tất cả các chủng cúm A đều có khả năng tồn tại đến 48 giờ trên bề mặt đồ vật; đến 12 giờ trên quần áo và đến 5 phút trên tay. Khi bệnh nhân ho hoặc hắt hơi, một số giọt bắn chứa virus cúm A có thể được giải phóng. Những giọt bắn này đọng trên bề mặt đồ vật. Trong quá trình sử dụng những đồ vật ấy, bạn vô tình đụng chạm giọt bắn. Sau đó, bàn tay đã tồn tại virus cúm A lại có thể được bạn đưa lên miệng, mũi. Lúc này, khả năng virus cúm A xâm nhập miệng, mũi – đường hô hấp của bạn là rất cao.
– Trực tiếp qua đường hô hấp: Vẫn là những giọt bắn được giải phóng ra môi trường khi người bệnh ho hoặc hắt hơi nhưng trong trường hợp này, virus cúm A chứa trong chúng tồn tại lơ lửng ngay giữa không khí (thay vì trên bề mặt đồ vật như đường lây thứ nhất). Với bán kính phát tán lên tới 2m, bạn có thể hít phải virus cúm A khi tiếp xúc gần với người bệnh. Như vậy, virus cúm A đã trực tiếp xâm nhập đường hô hấp của bạn.
3. Phòng tránh cúm A
3.1. Lưu ý cho người chưa mắc bệnh
Để phòng tránh cúm A lây gián tiếp qua đồ vật và trực tiếp qua đường hô hấp, bạn cần:
– Tránh lại gần người bệnh. Nếu bắt buộc phải tiếp xúc, cần đeo khẩu trang đầy đủ. Ngoài ra, bạn không nên đến những nơi đông người hoặc các điểm đang có dịch.
– Không sử dụng lẫn lộn đồ đạc sinh hoạt.
– Thường xuyên vệ sinh không gian và đồ đạc người bệnh sử dụng một cách cẩn thận, kỹ lưỡng bằng các sản phẩm khử khuẩn.
– Rửa tay, tốt nhất là tắm sau khi tiếp xúc với người bệnh và đồ đạc sinh hoạt của người bệnh.
– Nhỏ mắt, mũi và súc miệng bằng nước muối sinh lý 0.9%
– Bổ sung dinh dưỡng toàn diện, vận động và nghỉ ngơi điều độ để đảm bảo khả năng hoạt động tốt nhất cho sức đề kháng và hệ miễn dịch.
– Tiêm vắc xin đều đặn hàng năm.
3.2. Lưu ý cho người bệnh
Bên cạnh việc người chưa nhiễm cúm A phải chủ động phòng tránh, người đã nhiễm cúm A cũng cần tự giác: Đeo khẩu trang 24/24 giờ và ho, hắt hơi đúng cách (Che miệng hoặc ho và hắt hơi vào trong khuỷu tay), để hạn chế giải phóng giọt bắn chứa virus cúm A ra môi trường, bảo vệ gia đình và cộng đồng.
Phía trên là câu trả lời cho câu hỏi “Cúm A lây qua những đường nào?”, kèm một số thông tin khái quát về cúm A cũng như cách giảm thiểu tối đa nguy cơ nhiễm cúm A. Hy vọng rằng với những kiến thức này, bạn có thể khỏe mạnh vượt qua mùa cúm A hoành hành dữ dội. Nếu còn băn khoăn, đừng ngại ngần, liên hệ ngay với Thu Cúc TCI để được giải đáp chi tiết mọi thắc mắc một cách nhanh chóng.