Chuyên gia giải đáp: Bệnh Herpes môi có nguy hiểm không?

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKI

Phạm Phương Thảo

Bác sĩ Răng Hàm Mặt

Herpes môi hay mụn rộp môi/ mụn nước ở môi là bệnh nhiễm trùng do virus Herpes Simplex gây ra. Bệnh thường gây ngứa, đau ở môi và xung quanh môi, khiến bệnh nhân gặp không ít khó khăn trong cuộc sống. Vậy, bệnh Herpes môi có nguy hiểm không? Chúng ta sẽ biết ý kiến của chuyên gia về vấn đề này ngay trong bài viết sau.

1. Nguyên nhân khởi phát Herpes môi

Như đã chia sẻ phía trên, tình trạng nhiễm trùng môi và xung quanh môi do hoạt động của virus Herpes Simplex được gọi là Herpes môi. Có 2 loại virus Herpes Simplex là Herpes Simplex loại 1 (HSV-1) và Herpes Simplex loại 2 (HSV-2). Trong đó, nguyên nhân của hơn 80% các ca Herpes môi là do HSV-1.

Virus Herpes Simplex xâm nhập cơ thể bệnh nhân thông qua một số hoạt động mà bệnh nhân thực hiện cùng với người nhiễm bệnh trước đó, như ăn uống chung, sử dụng mỹ phẩm chung, hôn,…

2. Dấu hiệu nhận biết Herpes môi

Biểu hiện nguyên thủy nhất của Herpes môi là cảm giác ngứa hoặc rát môi. Sau một vài ngày, tại các vùng ngứa và rát đó bắt đầu xuất hiện nhiều vết phồng rộp nhỏ, màu đỏ, chứa đầy dịch. Trong một số trường hợp, các mụn này có thể xuất hiện ở cả các vùng xung quanh mũi, má và bên trong miệng. Sau 1 – 2 tuần, vết phồng sẽ vỡ ra, chảy dịch, đóng vảy và biến mất.

Bên cạnh dấu hiệu đặc trưng đó, bệnh nhân Herpes môi còn có thể gặp phải các triệu chứng sau: Sốt, đau đầu, đau họng, đau cơ xương khớp, sưng hạch bạch huyết cổ. Ở trẻ nhỏ có thể có thêm triệu chứng chảy nước dãi.

Vết phồng sẽ vỡ ra, chảy dịch, đóng vảy và biến mất sau 1 - 2 tuần

Sau 1 – 2 tuần, vết phồng sẽ vỡ ra, chảy dịch, đóng vảy và biến mất

3. Bệnh Herpes môi có nguy hiểm không?

Herpes môi không trực tiếp đe dọa tính mạng người bệnh. Tuy nhiên, nó có thể phát triển đến một số biến chứng nguy hiểm, như viêm não là một ví dụ điển hình. Viêm não không phải là một bệnh lý đơn giản. Kiểm soát viêm não không tích cực, bệnh nhân có thể tử vong. Trong nhiều trường hợp không tử vong, bệnh nhân viêm não vẫn phải hứng chịu nhiều di chứng nặng nề. Trong tất cả các đối tượng có thể bị Herpes môi, trẻ nhỏ, người mắc bệnh mãn tính về da (như bệnh chàm) hoặc người có hệ miễn dịch suy giảm (người bị ung thư hoặc nhiễm HIV/AIDS) là dễ bị biến chứng nhất.

Một điểm nguy hiểm nữa của Herpes môi là: Khi đã nhiễm virus, bệnh nhân sẽ phải sống với chúng mãi mãi. Điều đó đồng nghĩa với việc Herpes môi có thể tái phát đi tái phát lại nhiều lần trong suốt cuộc đời bệnh nhân. Việc tái phát Herpes sẽ gia tăng nếu bệnh nhân: Tiếp xúc toàn thân (đặc biệt là vùng môi) thường xuyên với ánh mặt trời; mắc một bệnh lý khác (như sốt virus, cúm,…); dị ứng thực phẩm; điều trị bệnh lý răng miệng hoặc điều trị các tổn thương vùng môi, nướu; suy giảm miễn dịch; phẫu thuật thẩm mỹ; đang trong giai đoạn rối loạn nội tiết tố (như đang dậy thì, đến kỳ kinh nguyệt, mang thai, mãn kinh,…); căng thẳng và mệt mỏi.

4. Điều trị Herpes môi

4.1. Điều trị với chuyên gia

Trong hầu hết các trường hợp, Herpes môi sẽ thuyên giảm và biến mất sau khoảng 2 tuần mà không cần can thiệp y tế. Tuy nhiên, nếu các dấu hiệu sau xuất hiện, bệnh nhân Herpes môi nên đến ngay cơ sở y tế uy tín gần nhất để được chuyên gia thăm khám và điều trị:

– Các vết phồng rộp vẫn tồn tại mặc dù 2 tuần đã trôi qua.

– Sốt cao dai dẳng, khó nuốt, khó thở.

– Mắt đỏ, kích ứng, có thể kèm chảy dịch.

– Đang điều trị ung thư, bệnh lý viêm da dị ứng hoặc các bệnh lý suy giảm miễn dịch như HIV/AIDS, Lupus ban đỏ,…

Bệnh Herpes môi có nguy hiểm không? Có nếu triệu chứng đỏ mắt xuất hiện

Nếu mắt đỏ, bệnh nhân Herpes môi nên thăm khám với chuyên gia

Tại các cơ sở y tế, chuyên gia sẽ chỉ định thuốc hạn chế triệu chứng và kiểm soát diễn biến bệnh. Những thuốc này cụ thể ra sao phụ thuộc tình trạng bệnh cũng như cơ địa từng cá nhân. Tuy nhiên, thường thì chúng sẽ là:

– Thuốc điều trị Herpes môi dạng mỡ và kem: Chẳng hạn như Penciclovir (Denavir), có thể làm giảm cơn đau gây ra do Herpes môi, cũng như thúc đẩy tốc độ chữa lành Herpes môi.

– Thuốc điều trị Herpes môi dạng uống: Herpes môi cũng có thể được điều trị bằng thuốc kháng sinh dạng uống, như Acyclovir (Zovirax), Valacyclovir (Valtrex) và Famciclovir (Famvir),…

Ngoài ra, bệnh nhân Herpes có thể sử dụng thêm kem không kê đơn Docosanol (Abreva) để xử lý triệu chứng bệnh.

4.2. Hỗ trợ điều trị tại nhà

Bên cạnh việc sử dụng thuốc điều trị được kê bởi chuyên gia, bệnh nhân có thể áp dụng một số lưu ý sau để hỗ trợ giải quyết Herpes môi và các triệu chứng khó chịu của nó:

– Ăn ít hoặc không ăn thực phẩm có vị chua như chanh, cam, quýt,…

– Chườm lạnh các vết loét 2 lần mỗi ngày, 20 phút mỗi lần (bọc đá trong vải sạch, không để đá tiếp xúc trực tiếp với vết loét).

– Súc miệng bằng dung dịch chứa baking soda.

– Thoa gel lô hội hoặc son dưỡng môi lô hội lên vết loét.

– Dùng thuốc giảm đau – hạ sốt không kê đơn như Ibuprofen hoặc Acetaminophen (không dùng Aspirin cho bệnh nhân là trẻ nhỏ bởi chúng liên quan đến hội chứng Reye’s).

Ăn ít đồ chua để không bị đau khi bị Herpes môi

Khi bị Herpes môi nên ăn ít đồ chua như chanh, cam, quýt,…

5. Phòng ngừa lây nhiễm và tái phát Herpes môi

Để phòng ngừa Herpes môi lây nhiễm và tái phát, bệnh nhân ghi nhớ và thực hiện các lưu ý sau:

– Không hôn cũng như chạm môi trực tiếp vào người khác khi môi – miệng bạn đang có vết thương hở.

– Không tiếp xúc với người đang có Herpes môi. Nếu bắt buộc phải tiếp xúc, nên rửa tay hoặc tắm sau đó.

– Không sử dụng chung đồ đạc sinh hoạt (khăn mặt, khăn tắm, bàn chải đánh răng, dao cạo râu,…) với người bệnh.

– Không để môi tiếp xúc với ánh mặt trời (đặc biệt là ánh mặt trời từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều). Có thể bôi son dưỡng hoặc đeo khẩu trang để ánh mặt trời không soi, chiếu trực tiếp lên môi.

Bệnh Herpes môi có nguy hiểm không? Về cơ bản là không nếu bệnh nhân Herpes môi chú ý đến những biểu hiện phát triển bất thường của bệnh và kịp thời tìm kiếm sự hỗ trợ từ chuyên gia. Vì vậy, nếu không may bị Herpes môi, cứ bình tĩnh bạn nhé!

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital