Nhiều mẹ bầu khá hoang mang, hoảng hốt vì lỡ chụp X quang khi mới mang thai, lo lắng điều này sẽ ảnh hưởng đến thai nhi. Vậy điều này có đúng không, hãy tham khảo bài viết dưới đây!
Menu xem nhanh:
1. Quy trình chụp X quang được thực hiện như thế nào?
X quang hay còn gọi tia X là một loại bức xạ mang năng lượng cao, có khả năng đâm xuyên qua nhiều loại vật chất kể cả những bề mặt cứng. Chụp X quang là phương pháp dựa trên tính chất của tia X nhằm dựng lại hình ảnh để khảo sát. Các chùm tia X xuất phát từ máy chụp sẽ đi xuyên qua cơ thể người, rồi tiếp tục đi sâu vào các bộ phận bên trong để tạo thành ảnh chụp. Nhờ vào những hình ảnh thu được, bác sĩ có thể đưa ra chẩn đoán về các loại bệnh như: Bệnh về xương khớp, phổi hay các cơ quan khác trong cơ thể.
Kỹ thuật chụp X quang cần được thực hiện trong điều kiện an toàn và phải đảm bảo đầy đủ tiêu chuẩn. Trước khi tiến hành, người chụp sẽ được kỹ thuật viên yêu cầu thực hiện một số tư thế như nằm, ngồi hoặc đứng để hình ảnh được ghi lại trở nên rõ nét nhất có thể. Riêng với chụp X quang phổi, người chụp bắt buộc phải nín thở.
Trong quá trình chụp, phim X quang được đặt ở phía sau bộ phận cơ thể cần chụp, tia X sau khi xuyên qua bộ phận đó giữ nhiệm vụ tạo hình ảnh. Hình ảnh được ghi càng đen tức là càng có nhiều tia X được chiếu đến phim. Ngược lại, những bộ phận cơ thể cản càng nhiều tia X thì sẽ cho ra hình trắng.
2. Chụp X quang vào thời điểm mới mang thai có nguy hiểm không?
Theo các chuyên gia, việc chụp X quang trong thời gian mới mang thai sẽ tiềm ẩn một số rủi ro nhất định cho cả mẹ lẫn thai nhi. Tuy nhiên, nếu chỉ chụp X quang một lần thì những nguy cơ gặp phải là rất thấp. Ngược lại, với trường hợp mà thai phụ chụp X quang nhiều lần sẽ gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng. Nguyên nhân là bởi trong quá trình chụp, tia X có thể gây ra tổn thương cho một số tế bào trong cơ thể, tình huống nghiêm trọng hơn là các tế bào có thể tiến triển thành tế bào ung thư.
Tuy nhiên để có thể xác định mức độ ảnh hưởng cụ thể còn phải dựa vào các yếu tố như: Bộ phận chụp X quang, tuần tuổi của thai nhi.
2.1. Mức độ ảnh hưởng theo bộ phận chụp X quang
Mức độ nguy hại tia X phụ thuộc rất nhiều vào bộ phận cơ thể mà nó chiếu tới.
– Với trường hợp chụp X quang ở các bộ phận như: Phổi, tim thì nguy cơ dị tật bẩm sinh là rất thấp bởi lúc này tia X không chiếu trực tiếp vào vùng bào thai, nếu có thì chỉ là một lượng tia thấp và liều lượng cũng khá nhỏ nên sẽ không gây ra ảnh hưởng tới mẹ bầu cũng như thai nhi.
– Trường hợp chụp X quang ở các bộ phận như: Tay, chân hay đầu thì mức độ ảnh hưởng lên mẹ và thai nhi cũng là không đáng kể.
– Trường hợp chụp X quang ở các bộ phận thuộc phần thân dưới như: Bụng, dạ dày, xương chậu hay lưng dưới hoặc thận, khi tiếp xúc trực tiếp với tia X thì mẹ bầu sẽ phải đối mặt với nhiều nguy cơ như: Thai chậm phát triển, phát triển ung thư ở giai đoạn sau…
2.2. Mức độ ảnh hưởng theo độ tuổi của thai nhi
Tuy cùng 1 liều bức xạ, thế nhưng tùy thuộc vào sự phát triển của tuổi thai mà mức độ nguy hại khi chụp X quang sẽ có sự khác nhau.
– Với trường hợp thai nhi 1 tuần tuổi: Hiện chưa có nghiên cứu nào khẳng định việc chụp X quang trong giai đoạn này là nguy hiểm hay không.
– Với trường hợp mẹ thai nhi từ 2 đến 7 tuần tuổi: Đây là thời kỳ hình thành các cơ quan, do đó, thai nhi sẽ có thể chịu ảnh hưởng nếu liều bức xạ cao.
– Với trường hợp thai nhi từ 10 đến 17 tuần tuổi: Đây là giai đoạn hình thành hệ thống thần kinh trung ương, chính vì vậy, những tác động ở ngoài có thể ảnh hưởng đến sự hình thành và chức năng của não. Nếu tiếp xúc lượng bức xạ trên 100mGy, thai nhi sẽ có nguy cơ suy giảm trí tuệ. Mức độ trên 1Gy có thể gây chậm phát triển trí tuệ nghiêm trọng.
3. Mẹ bầu mới mang thai cần làm gì để hạn chế các rủi ro khi chụp X quang?
Như đã đề cập ở trên, chụp X quang có thể gây ra một số ảnh hưởng đối với mẹ bầu mới mang thai. Nguyên nhân là do ở giai đoạn này, cơ thể mẹ đặc biệt nhạy cảm, chính vì vậy cần tránh những tác động từ bên ngoài vào. Chính vì vậy, nếu việc chụp không thực sự cần thiết thì mẹ bầu cũng không cần phải thực hiện. Trường hợp bắt buộc phải chụp X quang để chẩn đoán một số bệnh lý, trước hết mẹ bầu nên thông báo cho bác sĩ về tình trạng thai kỳ của mình để bác sĩ có phương án điều chỉnh liều bức xạ ở mức tối ưu nhằm đảm bảo sức khỏe cho người chụp. Trong quá trình chụp ảnh, mẹ bầu cũng có thể được yêu cầu thực hiện một số phương pháp hạn chế tia phơi nhiễm như che chắn bụng bằng một tấm áo chì.
Hi vọng rằng qua những thông tin trên, các bạn đã được giải đáp các thắc mắc về vấn đề chụp X quang khi mới mang thai có nguy hiểm không. Bên cạnh đó, để đảm bảo sức khỏe an toàn cho cả mẹ và bé, mẹ bầu nên lựa chọn những cơ sở y tế hoặc bệnh viện uy tín và đảm bảo chất lượng. Bởi cơ thể phụ nữ khi mang thai luôn rất nhạy cảm nên được chăm sóc cẩn trọng, chu đáo khi thực hiện các kỹ thuật chụp chiếu.