Vùng chậu là khu vực khá nhạy cảm với các tia phóng xạ nên việc thăm khám, chẩn đoán khu vực này bằng chụp cộng hưởng từ MRI ngày nay được áp dụng khá phổ biến. Vậy chụp MRI vùng chậu thực chất là phương pháp chẩn đoán như thế nào? Liệu phương pháp này có gây nguy hiểm gì cho bệnh nhân hay không?, bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về những điều này nhé!
Menu xem nhanh:
1. Thế nào là chụp MRI vùng chậu?
Chụp cộng hưởng từ là kỹ thuật chẩn đoán hiện đại sử dụng năng lượng từ trường và sóng radio đi qua cơ thể thu về tín hiệu cho máy tính xử lý nhằm nhận kết quả là hình ảnh hoàn chỉnh khu vực được chụp chiếu. Đối với kỹ thuật chụp cộng hưởng từ vùng chậu thì bác sĩ có thể quan sát dễ dàng hơn các mạch máu, khu vực các cơ, mô mềm, các cơ quan quan trọng khác bên trong cơ thể như bàng quang, tiền liệt tuyến, tử cung…
Chụp MRI khu vực vùng chậu mang tới nhiều ưu điểm vượt trội. Đây là phương pháp xét nghiệm không xâm lấn, an toàn đối với sức khỏe bệnh nhân. Hình ảnh quan sát được phản ánh chi tiết, độ tương phản cao, hình ảnh sắc nét các cấu trúc mô mềm bên trong khung chậu (nhất là các bộ phận như buồng trứng, tử cung, đại tràng…) nên đem đến hiệu quả chẩn đoán chính xác cao hơn gấp nhiều lần so với rất nhiều các biện pháp khác. Chính những điều này sẽ giúp bác sĩ có thể kịp thời phát hiện và xây dựng phác đồ điều trị tốt, an toàn nhất đối nếu chẳng may bệnh nhân phát hiện các bệnh lý nguy hiểm.
2. Chỉ định chụp cộng hưởng từ vùng chậu cho bệnh nhân khi nào?
Bệnh nhân có thể nhận được chỉ định chụp MRI từ bác sĩ để phát hiện các bệnh lý liên quan đến vùng chậu đối với những tình trạng sau đây (đối với cả hai giới):
– Nếu phát hiện bệnh nhân có những dị tật bẩm sinh.
– Bệnh nhân gặp phải tình trạng tiểu tiện hoặc đại tiện khó.
– Bệnh nhân gặp phải những chấn thương ở khu vực vùng chậu.
– Nếu bệnh nhân thường xuyên bị đau ở vùng chậu hoặc đau vùng bụng dưới.
– Trường hợp kết quả chụp X-quang của bệnh nhân có dấu hiệu bất thường.
– Bệnh nhân bị nghi ngờ mắc bệnh ung thư trong các cơ quan sinh sản hay trực tràng, bàng quang hoặc đường tiết niệu…
Bên cạnh đó, nữ giới cũng có thể được chỉ định chụp MRI đối với vùng chậu khi: Có những triệu chứng bất thường về âm đạo, nhất là âm đạo khô; Thường xuyên thấy chảy máu âm đạo bất thường; Nếu có dấu hiệu xuất hiện những khối u bất thường trong vùng xương chậu, có thể là u xơ tử cung…
Nam giới có những triệu chứng sau đây cũng sẽ được chỉ định chụp MRI vùng xương chậu: Nếu xuất hiện tình trạng một bên tinh hoàn không xuống bìu; Bệnh nhân xuất hiện cục u ở bìu hoặc tinh hoàn, có dấu hiệu sưng quanh bìu hoặc tinh hoàn.
3. Chụp cộng hưởng từ vùng xương chậu có gây nguy hiểm gì không?
3.1. Những rủi ro có thể gặp phải khi chụp MRI vùng chậu
Có thể nói chụp cộng hưởng từ MRI là phương pháp chẩn đoán an toàn đối với bệnh nhân được các chuyên gia y tế đánh giá cao. Tuy nhiên, phương pháp này cũng tiềm ẩn một số nguy cơ nhất định, nhất là đối với những người có thiết bị cấy ghép là kim loại bên trong cơ thể. Bên cạnh đó, nam châm được sử dụng trong máy chụp MRI có thể xảy ra lỗi kỹ thuật khiến cho máy điều hòa nhịp tim hoặc các ốc vít, ghim cấy…bị xê dịch trong cơ thể người bệnh chụp cộng hưởng từ. Vì vậy, nếu bệnh nhân có các thiết bị cấy ghép kim loại trong cơ thể như: Van tim nhân tạo, khớp nhân tạo hay máy tạo nhịp tim, các mảnh vỡ đạn, kim loại khác…cần báo với với bác sĩ để có phương án xử lý kịp thời.
Ngoài ra, một số bệnh nhân có thể mắc chứng sợ không gian kín hoặc khó chịu trong không gian kín sẽ gây khó khăn trong quá trình chụp MRI. Bệnh nhân cũng có thể phát sinh phản ứng dị ứng không mong muốn với thuốc cản quang (phản ứng nhẹ)…
3.2. Bệnh nhân cần chuẩn bị gì để chụp MRI vùng chậu một cách an toàn?
Để có thể đảm bảo rằng quá trình chụp cộng hưởng từ vùng chậu diễn ra an toàn, có hiệu quả, bệnh nhân cần chú ý đến một số điều sau đây:
– Bệnh nhân cần tháo bỏ những đồ trang sức, kẹp tóc hoặc các phụ kiện bằng kim loại khác.
– Người bệnh cần nhịn ăn trước khi chụp cộng hưởng từ từ 6 – 8 tiếng để thực hiện xét nghiệm máu chức năng gan thận trước khi tiêm thuốc.
– Chống chỉ định tuyệt đối với các bệnh nhân trong các trường hợp sau đây: Bệnh nhân có máy tạo nhịp tim, có cấy máy bơm insulin, có mảnh đạn bên trong cơ thể, bệnh nhân đeo máy trợ thính… Bên cạnh đó, một số bệnh nhân chống chỉ định tương đối như có những mảnh đạn bã bị vôi hóa, phụ nữ có thai trong 3 tháng đầu, có sử dụng răng giả, người sợ không gian kín…
– Trong quá trình chụp MRI, bệnh nhân cần bình tĩnh, giữ nguyên tư thế và hạn chế di chuyển và nghe theo hướng của bác sĩ để đảm bảo quá trình chụp chiếu diễn ra an toàn, nhanh chóng.
Chụp MRI vùng chậu có thể giúp bác sĩ dễ dàng đưa ra các chẩn đoán toàn diện, nhanh chóng với độ chính xác cao. Phương pháp này không xâm lấn đối với cơ thể, an toàn cho bệnh nhân nếu thực hiện theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ. Tuy nhiên, do chụp cộng hưởng từ đòi hỏi yêu cầu rất cao về thiết bị, máy móc chụp hiện đại và kỹ năng của kỹ thuật viên phải đạt trình độ tốt nên không nhiều cơ sở có thể áp dụng biện pháp chẩn đoán này phục vụ quá trình thăm khám. Vì vậy, bạn cần cân nhắc thật kỹ lưỡng để chọn cơ sở thăm khám đảm bảo tốt những yêu cầu khắt khe của phương pháp này nhé!
Hiện nay, một trong những đơn vị hàng đầu trong việc sử dụng phương pháp chụp cộng hưởng từ hiện đại, hiệu quả và tin cậy được đông đảo bệnh nhân biết đến là Hệ thống y tế Thu Cúc – TCI. Bệnh nhân sẽ được trải nghiệm dịch vụ chăm sóc sức khỏe hoàn hảo bởi bạn sẽ được thăm khám cùng hệ thống máy chụp cộng hưởng từ hiện đại và được các bác sĩ đầu ngành trực tiếp tư vấn điều trị bệnh. Bên cạnh đó, Thu Cúc – TCI cũng xây dựng đa dạng các gói khám sức khỏe, tầm soát ung thư có ứng dụng công nghệ MRI để bệnh nhân dễ dàng đưa ra lựa chọn phù hợp với sức khỏe của mình.
Hy vọng những thông tin về kỹ thuật chụp MRI vùng chậu trên đây có thể giúp bạn hiểu hơn về phương pháp chẩn đoán này để từ đó, bạn có thể an tâm thăm khám, chăm sóc sức khỏe cho bản thân mình tốt hơn nhé!