Chữa đột quỵ: Cần tiến hành sớm và đúng cách

Tham vấn bác sĩ

Theo các chuyên gia, việc chữa đột quỵ là rất quan trọng và cần được tiến hành càng sớm càng tốt. Bởi như vậy hiệu quả điều trị sẽ cao hơn và hạn chế tối đa biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra với người bệnh. Cùng theo dõi bài viết sau đây để hiểu hơn về bệnh đột quỵ và cách chữa hiệu quả nhé. 

1. Bệnh lý đột quỵ – “gánh nặng” của xã hội

Đột quỵ là tình trạng lưu lượng máu cung cấp cho não bị trục trặc (có thể bị tắc nghẽn, suy giảm hoặc gián đoạn) khiến bộ não thiếu dinh dưỡng và oxy. Lúc này, tế bào não bắt đầu chết và có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như rối loạn ngôn ngữ, tay chân yếu liệt hoặc suy giảm nhận thức. Thậm chí người bệnh có thể tử vong nếu không được phát hiện và đưa tới cơ sở y tế cấp cứu kịp thời.

Theo các chuyên gia y tế, đột quỵ là căn bệnh gây gánh nặng cho xã hội. Đây là vấn đề cấp thiết khi tỷ lệ người mắc, tử vong vì bệnh này ngày càng có xu hướng gia tăng.

Trên thế giới, tỷ lệ tử vong của người bị đột quỵ chỉ đứng sau ung thư và bệnh tim mạch. Nếu sống sót sau cơn đột quỵ, người bệnh thường phải chịu di chứng nặng nề cả về thể xác và tâm lý cũng như là gánh nặng cho gia đình và xã hội. Bởi chi phí điều trị bệnh quá lớn, tốn nhiều tiền của, đòi hỏi y học cao… trong khi khả năng phục hồi của người bệnh khá thấp. Chưa kể, họ cũng mất đi khả năng lao động và cần phải có người chăm sóc mỗi ngày.

Tại sao đột quỵ lại là bệnh gánh nặng của xã hội?

Đột quỵ được xem là bệnh gánh nặng của xã hội.

2. Cách chữa đột quỵ hiện nay

2.1. Chữa đột quỵ do thiếu máu cục bộ

Chữa đột quỵ do thiếu máu cục bộ sẽ được các bác sĩ thực hiện như sau:

– Sử dụng thuốc

Các bác sĩ có thể cân nhắc điều trị cho bệnh nhân bằng thuốc tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch (TPA). TPA giúp giảm tỷ lệ tàn tật cũng như làm tăng khả năng phục hồi cho người bệnh. Song để việc điều trị bằng thuốc đạt hiệu quả, cần cho người bệnh sử dụng thuốc từ 3 – 5 giờ đầu sau khi xuất hiện bệnh.

Hàm lượng sử dụng thuốc sẽ được các bác sĩ cân nhắc và chỉ định. Người bệnh tuyệt đối không tự ý tiêm thuốc, tránh dẫn tới tình trạng xuất huyết não.

Sau khi tiêm thuốc, bệnh nhân tiếp tục được theo dõi và có thể thực hiện phương pháp chẩn đoán hình ảnh theo yêu cầu để phục vụ cho điều trị.

– Sử dụng thủ thuật can thiệp nội mạch

+ Trực tiếp lấy cục huyết khối ra bằng ống thông hút huyết khối, stent kéo huyết khối để tái thông mạch máu não.

+ Tiêu sợi huyết: Tiêm thuốc TPA để làm tan cục máu đông.

+ Đặt stent vào động mạch não giúp lưu thông mạch máu, hạn chế máu đông hình thành ở vị trí này.

Chữa đột quỵ cần được tiến hành sớm và đúng cách.

Khi có dấu hiệu đột quỵ, người bệnh cần thăm khám sớm để được xử trí kịp thời hoặc dự phòng các yếu tố nguy cơ.

2.2. Chữa đột quỵ xuất huyết

– Phẫu thuật

Các bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật nếu người bệnh bị xuất huyết nặng. Mục đích của phương pháp chữa đột quỵ này là lấy đi khối máu tụ để giải áp vùng mô não bị tổn thương và tạo điều kiện cho khối mô được phục hồi. Tuy nhiên quá trình can thiệp dễ gây ra những tác hại không mong muốn.

Song song với giải áp, các bác sĩ sẽ giải quyết nguyên nhân vỡ mạch máu bằng cách:

+ Dùng kẹp chuyên dụng để kẹp mạch máu đang chảy

+ Cắt bỏ dị dạng động mạch tĩnh (AVM)

+ Phẫu thuật để bóc tách mảng xơ vữa trên thành động mạch cảnh

– Phương pháp Coiling (thuyên tắc nội mạch)

Coiling là cách chữa đột quỵ bằng việc sử dụng vòng xoắn kim loại để bít túi phình gây đột quỵ não, mục đích nhằm giúp dòng máu không chảy ra ngoài não. Coiling được đánh giá là một trong các phương pháp điều trị hiệu quả cao, ít xâm lấn.

– Xạ phẫu lập thể (Xạ phẫu đích)

Đây là phương pháp đưa các dòng tia năng lượng cao vào trong não để sửa dị dạng mạch máu não. Ưu điểm của xạ phẫu lập thể là có thể can thiệp ở những vị trí nằm sâu trong mô não, những vị trí mà phẫu thuật khó thực hiện.

Lưu ý, mỗi phương pháp điều trị có ưu và nhược điểm riêng, cần được chỉ định và thực hiện bởi các bác sĩ có chuyên môn cao. Người bệnh không tự ý cứu chữa bằng các phương pháp dân gian như cạo gió, chích 10 đầu ngón tay,…

3. Nhận diện đột quỵ sớm qua các dấu hiệu cảnh báo giúp tăng hiệu quả điều trị bệnh

Dấu hiệu của người bị đột quỵ thường xuất hiện một cách đột ngột. Ban đầu người bệnh có thể gặp triệu chứng nhẹ nhưng dần dần sẽ tiến triển nặng và dễ dẫn đến tử vong. Để phát hiện và xử trí kịp thời, cần chú ý tới dấu hiệu sau:

– Chi trên hoặc chi dưới bị liệt, cơ mặt bị tê và yếu bất thình lình.;

– Ngôn ngữ rối loạn, người bệnh khó diễn đạt lời nói của mình

– Mắt mờ, thậm chí có thể bị mù

– Xuất hiện cơn đau đầu dữ dội

– Cảm thấy chóng mặt, buồn nôn

– Không thể di chuyển hoặc đi lại loạng choạng

– Dây thần kinh số 7 bị liệt dẫn tới méo miệng

– Hôn mê, lú lẫn

Tỷ lệ sống sót, hồi phục và hạn chế di chứng về sau của người bệnh sẽ cao hơn nếu được sơ cứu, điều trị kịp thời. Theo các chuyên gia, 3 – 4 giờ kể từ khi có triệu chứng là “thời gian vàng” để cấp cứu và điều trị cho người bị đột quỵ.

Chữa đột quỵ như thế nào để có hiệu quả?

“Thời gian vàng” để cấp cứu và điều trị đột quỵ là từ 3 – 4 tiếng kể từ khi có dấu hiệu bệnh.

4. Cách sơ cứu đúng, hạn chế nguy hiểm cho người bị đột quỵ

Khi phát hiện người bị đột quỵ, việc sơ cứu cần được tiến hành càng sớm càng tốt. Mục đích của việc sơ cứu nhằm làm tăng cơ hội sống sót và giảm thiểu nguy cơ gặp biến chứng, giảm thời gian cũng như chi phí điều trị cho người bệnh.

Các bước sơ cứu đột quỵ được thực hiện như sau:

– Liên lạc tới cơ sở y tế gần nhất để yêu cầu cấp cứu

– Để người bệnh mặc trang phục thoáng, rộng và mở phần cổ áo để có thể kiểm tra hô hấp cho họ.

– Đề phòng tình trạng sặc đường thở, cần cho người bệnh nằm nghiêng 45 độ so với cơ thể.

– Lấy sạch đờm, dãi trong miệng người bệnh bằng khăn sạch. Trường hợp bệnh nhân xuất hiện tình trạng co giật, cần lấy ngay đũa vải quấn sạch, để ngang miệng, tránh cắn phải lưỡi.

– Ghi lại những điều cần thiết để thông báo với bác sĩ khi tới bệnh viện. Một số thông tin cần ghi lại gồm thời điểm phát hiện triệu chứng bệnh, loại thuốc người bệnh đang sử dụng, biểu hiện của bệnh nhân…

Tóm lại, việc chữa đột quỵ cần được thực hiện càng sớm càng tốt để bảo vệ sức khỏe và tính mạng người bệnh. Để ngăn đột quỵ xảy ra, các chuyên gian khuyên bạn nên khám tầm soát sớm các nguy cơ gây đột quỵ. Nếu có như cầu thăm khám, bệnh nhân vui lòng liên hệ 1900 55 88 92 để được tư vấn.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital