Chỉ số tiểu cầu trong sốt xuất huyết sẽ giảm gây ra những hậu quả khôn lường thậm chí còn đe dọa tới cả tính mạng. Vậy đâu là ngưỡng giảm tiểu cầu cảnh báo nguy hiểm và người bệnh cần được nhập viện điều trị? Tìm hiểu ngay.
Menu xem nhanh:
1. Cảnh báo về giảm tiểu cầu do sốt xuất huyết
1.1. Nguyên nhân giảm tiểu cầu ở người bệnh sốt xuất huyết
Sốt xuất huyết là loại bệnh lý truyền nhiễm nguy hiểm gây ra bởi virus Dengue. Sốt xuất huyết làm giảm tiểu cầu trong máu xuống dưới mức bình thường. Tình trạng bị giảm tiểu cầu khi mắc sốt xuất huyết được giải thích từ các nguyên nhân sau:
– Do quá trình ức chế ở tủy xương (nơi sản xuất tiểu cầu);
– Các kháng thể được tạo ra ở giai đoạn người bệnh bị sốt xuất huyết đã phá hủy lượng lớn tiểu cầu sinh ra;
– Tăng tính kết dính tiểu cầu với các tế bào nội mạch;
– Tế bào tiểu cầu bị các tế bào thực bào tấn công phá hủy.
1.2. Chỉ số tiểu cầu giảm trong giai đoạn nào của sốt xuất huyết?
Người bệnh sốt xuất huyết bị giảm tiểu cầu ở cả 3 giai đoạn của bệnh:
– Giai đoạn sốt (trong 2-3 ngày đầu)
– Giai đoạn nguy hiểm (thường từ ngày thứ 3 tới ngày thứ 7 của bệnh)
– Giai đoạn phục hồi (thường từ ngày thứ 7 của bệnh)
Chỉ số tiểu cầu giảm đáng kể ở giai đoạn nguy hiểm và thường giảm mạnh ở ngày thứ 4 của bệnh. Vì vậy, trong giai đoạn này, dù người bệnh đã hạ sốt vẫn không được chủ quan. Người bệnh cần được theo dõi tình trạng sức khỏe liên tục để kịp thời phát hiện những bất thường do giảm tiểu cầu gây ra để nhanh chóng xử lý.
Từ ngày thứ 7 các triệu chứng sẽ dần hồi phục, các chỉ số do số lượng tiểu cầu sẽ tăng dần và trở về bình thường (nhưng sẽ muộn hơn so với số lượng bạch cầu).
1.3. Hậu quả khi chỉ số tiểu cầu giảm trong sốt xuất huyết
Khi số lượng tiểu cầu giảm, hậu quả là gây ra các triệu chứng xuất huyết từ nhẹ đến nặng tùy theo mức độ giảm. Cụ thể:
Xuất huyết trên da: Người bệnh nổi các chấm xuất huyết rải rác ở vùng cẳng tay cẳng chân, ngực, thắt lưng, nách,…
Xuất huyết niêm mạc: Biểu hiện là chảy máu chân răng, chảy máu mũi, bị nôn ra máu, đi ngoài phân đen hoặc kèm máu tươi, đi tiểu ra máu. Ở nữ có thể bị rong kinh hoặc đến kinh sớm hơn kỳ hạn.
Xuất huyết nặng: Đây là trường hợp đặc biệt nguy hiểm với các biểu hiện sau:
– Thoát huyết tương qua thành mạch, dẫn tới mất nước;
– Chảy máu mũi nặng;
– Ra máu âm đạo nặng;
– Xuất huyết bên trong cơ và phần mềm;
– Xuất huyết nội tạng,
– Xuất huyết não;
– Xuất huyết kèm tình trạng sốc, người vật vã, bứt rứt, tay chân lạnh, đi tiểu ít, mạch nhanh,…;
– Suy phổi, suy gan, suy tim.
Trong trường hợp xuất huyết vừa và nặng không được xử lý kịp thời có thể đe dọa tới tính mạng người bệnh.
2. Giải đáp: Chỉ số tiểu cầu trong sốt xuất huyết bao nhiêu là nguy hiểm?
Để xác định mức độ giảm tiểu cầu ở người bệnh sốt xuất huyết sẽ cần làm xét nghiệm công thức máu.
– Ở người khỏe mạnh bình thường, số lượng tiểu cầu trung bình trong máu giao động từ 150 – 450 G/L; Tiểu cầu được coi là giảm khi chỉ số lượng tiểu cầu dưới 150 G/L;
– Mức nguy hiểm khi tiểu cầu giảm còn dưới 50 G/L;
– Đặc biệt, mức nghiêm trọng khi tiểu cầu giảm còn 10 – 20 G/L.
Có trường hợp ghi nhận giảm tiểu cầu về 0 G/L, 5 G/L. Đây là mức cực kỳ nghiêm trọng và hi hữu xảy ra. Với người bệnh sốt xuất huyết, khi chỉ số tiểu cầu giảm xuống còn dưới 50 G/L nếu đang điều trị tại nhà thì cần nhập viện ngay để được xử lý kịp thời.
3. Chế độ ăn giúp tăng lượng tiểu cầu tự nhiên khi bị sốt xuất huyết
Chế độ ăn hợp lý là cách hỗ trợ hiệu quả giúp tăng chỉ số tiểu cầu một cách tự nhiên. Người bệnh sốt xuất huyết cần tăng cường những nhóm thực phẩm sau đây nhất là ở giai đoạn phục hồi.
3.1. Thực phẩm giàu vitamin C
Việc tiêu thụ các thực phẩm có hàm lượng vitamin C cao giúp tăng lượng tiểu cầu trong cơ thể. Không chỉ vậy, vitamin C còn có đặc tính chống oxy hóa tốt. Nhu cầu vitamin C đáp ứng của cơ thể từ 400 – 2000mg mỗi ngày từ các thực phẩm như: cam, ổi, táo, rau bina, súp lơ xanh…
3.2. Axit béo Omega-3
Những thực phẩm giàu omega-3 như hạt lanh, óc chó, cá các loại, cá hồi, rau bina,… giúp tăng cường hệ miễn dịch đồng thời làm tăng mức tiểu cầu trong máu. Do đó, nhóm thực phẩm này phù hợp với người đang và vừa khỏi sốt xuất huyết.
3.3. Thực phẩm giàu folate
Sự thiếu hụt folate có thể là nguyên nhân làm giảm lượng tiểu cầu trong máu. Folate hỗ trợ phân chia tế bào trong cơ thể. Các loại thực phẩm giàu folate gồm măng tây, các loại ngũ cốc, cam và rau bina,…
3.4. Thực phẩm giàu vitamin A
Vitamin A rất cần thiết để giữ cho các tế bào tiểu cầu khỏe mạnh và tham gia hình thành protein trong cơ thể. Protein giúp phân chia tế bào và giúp tăng trưởng tế bào. Các thực phẩm giàu vitamin A kể tới là bí đỏ, cà rốt, khoai lang,…
3.5. Vitamin B12
Sự thiếu hụt Vitamin B12 làm giảm lượng tiểu cầu trong máu. Do đó, bổ sung nhóm thực phẩm giàu vitamin B12 là rất cần thiết với người bệnh sốt xuất huyết. Một số loại thực phẩm giàu B12 gồm cá hồi, cá ngừ, thịt bò, thịt gà, gà tây,…
3.6. Thực phẩm giàu axit amin
Thực phẩm giàu axit amin sẽ giúp tăng sản sinh tiểu cầu, có lợi cho quá trình tạo huyết khối (quá trình cơ thể tạo thêm các tế bào máu mới ở bên trong).
3.7. Ngũ cốc nguyên hạt
Ngũ cốc nguyên hạt rất giàu thành phần dinh dưỡng, vitamin và khoáng chất có lợi giúp gia tăng tiểu cầu trong máu. Ngũ cốc nguyên hạt thường được sử dụng bao gồm ngô, yến mạch, hạt quinoa, lúa mì,…
3.8. Thực phẩm giàu Vitamin K
Vitamin K giúp các tế bào trong cơ thể tăng trưởng ở mức tối đa trong đó có các tế bào tiểu cầu. Những thực phẩm giàu vitamin K gồm gan, cải xoăn, chuối, trứng,…
Chỉ số tiểu cầu trong sốt xuất huyết phản ánh mức độ nguy hiểm của bệnh cũng như cảnh báo trường hợp cần nhập viện ngay lập tức. Người bệnh sốt xuất huyết cần tiến hành thăm khám, thực hiện các xét nghiệm và tuân thủ đúng cách hướng dẫn điều trị được bác sĩ chỉ định.