Viêm đường hô hấp trên là một trong những bệnh lý phổ biến, có thể xuất hiện quanh năm và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của cả người lớn lẫn trẻ nhỏ. Tuy thường không nguy hiểm nếu được chăm sóc đúng cách, nhưng bệnh dễ tái phát và lan rộng trong cộng đồng. Việc điều chỉnh lối sống sinh hoạt là một trong những giải pháp đơn giản nhưng hiệu quả để tăng cường sức đề kháng, bảo vệ hệ hô hấp và hạn chế nguy cơ mắc bệnh.
Menu xem nhanh:
1. Viêm đường hô hấp trên là gì?
Viêm đường hô hấp trên là tình trạng viêm hoặc nhiễm trùng xảy ra tại các cơ quan thuộc phần trên của hệ hô hấp như xoang, mũi, họng và thanh quản. Các cơ quan này đóng vai trò dẫn khí từ môi trường ngoài vào phổi, đồng thời giúp làm ấm, làm ẩm và lọc không khí trước khi đến phổi để tham gia vào quá trình trao đổi khí.
Do tiếp xúc trực tiếp với không khí bên ngoài, những bộ phận này rất dễ bị tấn công bởi các tác nhân gây bệnh như virus, vi khuẩn hoặc nấm. Trong đó, virus là nguyên nhân chủ yếu gây ra các trường hợp nhiễm trùng đường hô hấp trên.
Khi các cơ quan này bị viêm, luồng không khí đưa vào phổi sẽ bị cản trở, ảnh hưởng đến chức năng hô hấp và có thể tác động tiêu cực đến sức khỏe tổng thể. Tùy thuộc vào vị trí tổn thương mà bệnh có những tên gọi cụ thể như: viêm xoang, viêm họng, viêm thanh quản, viêm phế quản…
Bệnh có thể xuất hiện vào bất kỳ thời điểm nào trong năm, nhưng thường phổ biến hơn vào mùa lạnh như mùa thu và mùa đông. nhiễm trùng hô hấp trên có thể tái đi tái lại nhiều lần – người lớn có thể mắc 2 – 4 lần mỗi năm, trong khi trẻ nhỏ có thể mắc tới 10 lần/năm.

Viêm đường hô hấp trên là tình trạng viêm hoặc nhiễm trùng xảy ra tại các cơ quan thuộc phần trên của hệ hô hấp
2. Chế độ sinh hoạt và biện pháp phòng ngừa nhiễm trùng đường hô hấp trên
Một số thói quen lành mạnh có thể hỗ trợ làm chậm tiến triển của bệnh và cải thiện hiệu quả điều trị.
2.1. Điều chỉnh lối sống và sinh hoạt ngừa viêm đường hô hấp trên
– Tuân theo chỉ định điều trị và lời khuyên của bác sĩ.
– Giữ tinh thần lạc quan, tránh căng thẳng kéo dài, duy trì các hoạt động tích cực trong cuộc sống.
– Thông báo với nhân viên y tế ngay khi có những biểu hiện bất thường trong quá trình điều trị.
– Khám sức khỏe định kỳ để theo dõi diễn tiến bệnh và điều chỉnh phương pháp điều trị kịp thời nếu cần thiết.
– Tâm lý ảnh hưởng lớn đến kết quả điều trị, vì vậy hãy dành thời gian trò chuyện với người thân, bạn bè, chăm sóc thú cưng, đọc sách hay thực hiện các hoạt động giúp tinh thần thư giãn.
– Khi có triệu chứng ho hoặc đau họng, nên hạn chế nói chuyện nhiều để tránh làm tổn thương thêm niêm mạc họng.
– Có thể dùng nước muối sinh lý nhỏ mũi để giúp làm thông đường thở.
– Luôn che miệng khi ho hoặc hắt hơi để tránh lây lan mầm bệnh.
– Nếu đang bị viêm mũi hoặc viêm xoang, nên tạm ngưng bơi lội cho đến khi hồi phục.
– Dành thời gian nghỉ ngơi hợp lý kết hợp vận động nhẹ để hỗ trợ quá trình phục hồi.
2.2. Điều chỉnh dinh dưỡng và chăm sóc cơ thể
– Bổ sung đầy đủ nước, ưu tiên nước ấm hoặc nước ép trái cây để hỗ trợ làm dịu họng và tăng cường sức đề kháng.
– Tránh sử dụng rượu, bia vì các chất này có thể khiến tình trạng viêm trở nên nghiêm trọng hơn và làm tổn thương lớp niêm mạc hô hấp.
– Có thể ăn sữa chua hoặc bổ sung men vi sinh (probiotic) để cân bằng hệ vi khuẩn đường ruột, đặc biệt khi đang dùng kháng sinh.

Bổ sung đầy đủ nước, ưu tiên nước ấm hoặc nước ép trái cây để hỗ trợ làm dịu họng và tăng cường sức đề kháng
2.3. Các biện pháp hiệu quả giúp phòng ngừa viêm đường hô hấp trên
– Duy trì vệ sinh cá nhân tốt, đặc biệt là rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và khi chế biến thực phẩm.
– Luôn mang khẩu trang khi ra ngoài, nhất là ở khu vực đông người hoặc nơi không khí ô nhiễm.
– Tránh tiếp xúc với các yếu tố gây hại cho đường hô hấp như khói thuốc, bụi bẩn, hóa chất hoặc không khí ô nhiễm.
– Ngừng hút thuốc, bao gồm cả thuốc lá truyền thống và thuốc lá điện tử, để bảo vệ phổi và đường thở.
– Sắp xếp thời gian làm việc, nghỉ ngơi hợp lý; đảm bảo ngủ đủ giấc để cơ thể được phục hồi.
– Thường xuyên vận động thể chất, luyện tập thể thao đều đặn để tăng cường hệ miễn dịch và chức năng hô hấp.
– Thực hiện tiêm chủng định kỳ các vắc xin phòng bệnh như cúm mùa và viêm phổi theo hướng dẫn y tế.
3. Nguyên nhân phổ biến
3.1. Vi khuẩn
Một số loại vi khuẩn có thể tồn tại sẵn trong đường hô hấp hoặc xâm nhập từ môi trường bên ngoài. Khi gặp điều kiện thuận lợi, chúng phát triển và gây viêm nhiễm. Các vi khuẩn thường gặp là Haemophilus influenzae, Streptococcus pneumoniae (phế cầu), Staphylococcus aureus,… Đây là những tác nhân có thể gây nhiễm trùng cấp hoặc mạn tính tại các cơ quan hô hấp trên.
3.2. Virus
Virus là nguyên nhân hàng đầu gây viêm đường hô hấp trên ở cả trẻ em và người lớn. Một số loại virus thường gặp bao gồm: virus cúm (Influenza), virus á cúm (Parainfluenza), virus cảm lạnh thông thường (Rhinovirus), RSV (virus hợp bào hô hấp), Adenovirus, Coronavirus… Những virus này lây lan nhanh chóng, nhất là trong môi trường đông người và thời tiết lạnh.
3.3. Điều kiện ngoại vi và sinh hoạt hàng ngày
– Uống nước đá hoặc thực phẩm lạnh không hợp vệ sinh.
– Dị ứng với phấn hoa, bụi, hóa chất hoặc lông động vật.
– Sống trong môi trường có chất lượng không khí kém và có khói thuốc.
– Sống trong môi trường ẩm thấp, thông khí kém.
– Những yếu tố này có thể làm suy yếu hàng rào bảo vệ của niêm mạc hô hấp, tạo điều kiện cho mầm bệnh xâm nhập và gây viêm nhiễm.

Dị ứng phấn hoa cũng là một trong những tác nhân gây nên nhiễm trùng đường hô hấp
3.4. Cơ chế lây truyền
– Nhiễm trùng đường hô hấp trên là bệnh dễ lây, chủ yếu qua các con đường sau:
– Giọt bắn: Khi người bệnh ho, hắt hơi hoặc nói chuyện, các giọt dịch chứa virus hoặc vi khuẩn có thể phát tán vào không khí và lây sang người khác trong khoảng cách gần.
– Tiếp xúc gián tiếp: Chạm tay vào các bề mặt hoặc vật dụng bị nhiễm mầm bệnh (tay nắm cửa, điện thoại, khăn giấy…) rồi đưa lên mắt, mũi, miệng cũng có thể khiến tác nhân gây bệnh xâm nhập vào cơ thể.
Qua bài viết trên có thể thấy, chăm sóc sức khỏe đường hô hấp không chỉ nằm ở việc điều trị khi có triệu chứng mà còn bắt đầu từ chính thói quen sinh hoạt hàng ngày. Một lối sống lành mạnh, khoa học cùng với việc phòng tránh các yếu tố nguy cơ từ môi trường sẽ góp phần ngăn ngừa hiệu quả viêm đường hô hấp trên. Đừng đợi đến khi bệnh xuất hiện mới tìm cách chữa trị – hãy bắt đầu phòng ngừa từ hôm nay để bảo vệ bản thân và những người xung quanh.