Chăm sóc nướu răng cho trẻ là vấn đề cần được các bậc phụ huynh lưu ý. Đặc biệt là khi trẻ bắt đầu bước vào giai đoạn mọc răng. Giai đoạn này cũng là mốc quan trọng không chỉ với bé mà còn cả cha mẹ. Khi ấy trẻ sẽ xuất hiện những triệu chứng như sốt, khó chịu và sưng nướu. Vậy cha mẹ cần làm gì để tạo tiền đề cho con một hàm răng khỏe mạnh?
Menu xem nhanh:
1. Trẻ sưng nướu trước khi mọc răng
1.1 Nguyên nhân gây viêm nướu trước khi mọc răng
Giai đoạn mọc răng của trẻ sẽ bắt đầu từ khoảng những tháng thứ 6. Quá trình này sẽ kéo dài cho tới khi 3 tuổi. Nhận biết thời điểm chuẩn bị mọc răng, trẻ sẽ xuất hiện một vài triệu chứng như: chảy nhiều nước dãi, nổi mẩn quanh miệng, hay nhai cắn, sốt và đặc biệt là sưng nướu.
Sưng nướu trước mọc răng thường diễn ra ở tất cả trẻ nhỏ. Tuy nhiên, tùy vào thể trạng của cơ thể, mức độ sưng nướu của mỗi đứa trẻ sẽ khác nhau. Đặc biệt, việc sưng nướu và các triệu chứng khác sẽ nặng hơn đối với chiếc răng sữa đầu tiên. Tình trạng này sẽ dần thuyên giảm sau khi răng đã nhú lên khỏi nướu. Chính vì vậy, các bậc phụ huynh hãy giữ bình tĩnh và chú ý chăm sóc nướu răng cho trẻ kĩ lưỡng trong thời gian này.
1.2 Sưng nướu do mọc răng kéo dài bao lâu?
Sưng nướu cũng như các triệu chứng mọc răng khác thường sẽ bắt đầu xuất hiện trước khi răng nhú lên khoảng 3 đến 5 ngày. Và quá trình này sẽ chấm dứt sau khoảng 5 – 7 ngày. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp trẻ xuất hiện nhiều đốm trắng nhú trên nướu cùng một lúc. Điều này đồng nghĩa bé đang trong quá trình mọc nhiều răng một lần. Vì vậy, thời gian sưng lợi có thể sẽ kéo dài hơn, thậm chí là lên tới một vài tháng.
Ngoài ra, khi chuẩn bị mọc răng, nướu của trẻ sẽ bắt đầu sưng và dần nứt ra. Khi đó, môi trường răng miệng đặc biệt là nướu răng sẽ rất dễ bị xâm nhập bởi vi khuẩn. Nếu không được bảo vệ và chăm sóc, đây sẽ là nguy cơ gây nên các bệnh về răng miệng. Vậy nên cha mẹ cần chú ý hơn về vấn đề vệ sinh răng miệng hàng ngày cho trẻ.
2. Lưu ý về chăm sóc nướu răng trong giai đoạn trẻ mọc răng
Để đảm bảo cha mẹ thực hiện chăm sóc nướu răng cho trẻ đúng cách, hãy lưu lại một số điều cần ghi nhớ sau:
2.1 Chăm sóc, vệ sinh sạch sẽ nướu răng
Trong thời gian chuẩn bị mọc răng, phần nướu của trẻ đang rất nhạy cảm. Vì vậy, cha mẹ lưu ý rằng việc vệ sinh cần được thực hiện đều đặn và cẩn thận. Vi khuẩn trong khoang miệng thông thường không thể gây tổn hại cho trẻ trước khi răng nhú lên. Tuy nhiên, việc vệ sinh tốt ngay từ lúc này sẽ là khởi đầu tốt, chuẩn bị sự bảo vệ an toàn cho trẻ sau này.
Một lời khuyên cho cha mẹ là hãy sử dụng băng gạc y tế kết hợp với nước muối sinh lý để lau nướu. Bên cạnh đó, ta cũng có thể sử dụng những chiếc khăn mềm sạch lau nhẹ cùng với nước ấm. Đặc biệt, hãy lưu ý về nhiệt độ của nước để tránh gây ra các tổn hại cho nướu.
2.2 Không sử dụng bàn chải và kem đánh răng
Hiện nay, trên thị trường xuất hiện những loại bàn chải làm từ silicon dành riêng cho trẻ dưới 1 tuổi. Thế nhưng, nếu không biết cách thao tác hay thao tác quá mạnh, những chiếc bàn chải này vẫn có khả năng gây tổn thương nướu. Vậy nên, băng gạc y tế hay khăn bông mềm vẫn là lựa chọn được khuyên dùng.
Bên cạnh đó, trong thời gian này, trẻ chưa nên được sử dụng bất kỳ loại kem đánh răng nào. Trong các loại kem đánh răng thông thường đều có chứa lượng fluor khoảng 1350 – 1500 ppm. Hàm lượng này đã vượt quá mức cho phép với trẻ em dưới 3 tuổi, gây làm hỏng răng. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa trẻ em dưới 3 tuổi không được tiếp xúc với bất kỳ lượng fluor nào. Một số trường hợp, trẻ được nha sĩ kiểm tra thấy cần bổ sung một lượng nhỏ fluor nhất định. Để biết chi tiết hơn và phù hợp với thể trạng, cha mẹ hãy đưa bé tới gặp nha sĩ để kiểm tra.
2.3 Tránh xa những thực phẩm ảnh hưởng quá trình chăm sóc nướu răng
Như đã nói, tình trạng sưng nướu trước khi mọc răng là phản ứng bình thường của cơ thể. Thế nhưng, cha mẹ hoàn toàn có thể giúp con mình giảm bớt sự khó chịu bởi tình trạng khó chịu này bằng những lưu ý về thực đơn ăn uống. Thứ nhất, hãy tránh những loại trái cây và nước trái cây họ cam quýt. Những món ăn từ cà chua hay gia vị cay, nóng cũng sẽ là lý do gây cảm giác nóng, rát và đau nướu. Thay vào đó, cha mẹ hãy ưu tiên cho con ăn những món được hầm nhừ như súp, cháo loãng,… Bổ sung thêm các loại vitamin, kẽm, crom,… để đảm bảo cho trẻ một cơ thể đủ dưỡng chất.
Ngoài việc lựa chọn những món ăn phù hợp, một thời gian ăn uống khoa học cũng rất cần thiết. Các bậc phụ huynh hãy chia nhỏ bữa ăn của bé thành 6 đến 8 lần một ngày. Lưu ý cho bé ngồi thẳng ở trên ghế. Thói quen này sẽ giúp trẻ có thể chơi đùa trong lúc ăn và quên đi cảm giác khó chịu.
2.4 Đưa trẻ tới gặp nha sĩ
Dù nói sưng nướu và các triệu chứng khác là phản ứng bình thường trong giai đoạn mọc răng. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn cũng như chăm sóc nướu răng đúng phương pháp, việc đưa trẻ đến gặp nha sĩ là rất cần thiết.
Các cha mẹ nên đưa con mình tới kiểm tra răng miệng để dễ kiểm soát tình hình. Một lần trước khi mọc răng và một lần trong sáu tháng sau khi trẻ mọc chiếc răng đầu tiên là con số phù hợp.
Mỗi lần thăm khám, nha sĩ sẽ kiểm tra và theo dõi tình trạng răng nướu của trẻ. Từ đó, ta có thể sớm phát hiện nếu có vấn đề. Điển hình như xem xét về khả năng sâu răng, răng có bị mọc lệch, … Vậy nên ngay cả sau khi đã kết thúc quá trình mọc răng đầu tiên, cha mẹ hãy tạo cho trẻ thói quen khám răng định kỳ khoảng 2 lần một năm. Chỉ với 2 lần mỗi năm, hàm răng của trẻ sẽ luôn được bảo vệ và đảm bảo chế độ chăm sóc phù hợp.