Nhận biết sớm các dấu hiệu trẻ mọc răng

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKII

Nguyễn Thị Mai Hoa

Trưởng khoa Nhi - Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc TCI
Nhiều ba mẹ thấy miệng bé chảy nhiều nước dãi, con sốt nhẹ khoảng 37,5-38 độ C, bé rất thích đưa đồ vật lên miệng để gặm, cắn và hay đưa bất kỳ đồ vật nào vào miệng, nhiều khi con còn bị tiêu chảy, vài ngày sau mẹ “vô tình” thấy miệng bé đã nhú lên mấy chiếc răng sữa liền. Mẹ ngỡ ngàng không biết trẻ mọc răng khi nào? Dấu hiệu trẻ mọc răng là gì? Vậy ba mẹ hãy cùng tham khảo bài viết dưới đây để hiểu hơn khi nào thì trẻ mọc răng và các dấu hiệu trẻ mọc răng là gì?

Trẻ mọc răng khi nào?

trẻ mọc răng khi nào
Thông thường bé mọc răng khi con được 6 tháng tuổi. Đến khoảng 2-2,5 tuổi trẻ sẽ mọc được khoảng 20 chiếc răng. (ảnh minh họa)

Thông thường bé sẽ “nhú” chiếc răng sữa đầu tiên khi con được 6 tháng tuổi. Đến khoảng 2-2,5 tuổi trẻ sẽ mọc được khoảng 20 chiếc răng. Nhiều ba mẹ, đặc biệt là các ba mẹ trẻ mới lần đầu nuôi con nhỏ, còn lúng túng trong vấn đề này. Thấy con người ta mọc mấy chiếc răng rồi nhưng con nhà mình vẫn chưa có cái nào lại lo lắng. Hay có những ba mẹ vì thấy bé nhà hàng xóm cũng bằng tuổi con mình mà chưa mọc răng trong khi con mình đã mọc răng rồi, lại lo lắng.

Tuy nhiên mẹ cần biết, có những trẻ mọc răng sớm trước 6 tháng và có những bé mọc răng chậm sau 9-12 tháng vì vấn đề mọc răng của trẻ còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như chế độ dinh dưỡng, hàm lượng canxi, vitamin D trong cơ thể và cả yếu tố di truyền (ba mẹ hồi nhỏ mọc răng muộn thì trẻ cũng dễ mọc răng muộn hơn so với bạn bè cùng trang lứa).

Vì vậy khi trẻ mọc răng sớm hay chậm mọc răng ba mẹ không nên quá lo lắng. Sau 9-12 tháng tuổi mà bé vẫn chưa mọc chiếc răng nào, ba mẹ hãy cho bé đi thăm khám với bác sĩ để con được kiểm tra xem có thiếu chất dinh dưỡng nào không? hàm lượng canxi trong cơ thể bé đã đủ chưa? và xem xét yếu tố di truyền để từ đó có biện pháp xử lý hiệu quả cho con.

Dấu hiệu trẻ mọc răng

Dấu hiệu trẻ mọc răng
Trẻ mọc răng thường chảy nhiều nước dãi, con sốt nhẹ khoảng 37,5-38 độ C, bé rất thích đưa đồ vật hay tay lên miệng để gặm, cắn. (ảnh minh họa)

Trẻ mọc răng có rất nhiều biểu hiện giúp mẹ có thể nhận biết, mẹ hãy lưu ý những dấu hiệu sau khi trẻ mọc răng:

  • Chảy nhiều dãi: Quá trình mọc răng kích thích nước dãi trong khoang miệng bé chảy ra nhiều hơn.
  • Cằm và quanh miệng nổi mẩn: Nước dãi chảy nhiều tiếp xúc với các vùng da này khiến trẻ bị mẩn đỏ.
  • Bé bị ho: Chảy nước dãi dẫn đến tình trạng bé bị ho. Nếu bé bị họ mà không kèm theo các triệu chứng cảm cúm hay dị ứng thì rất có thể những chiếc răng nhỏ xinh của con sắp nhú ra đó.
  • Bị sốt: Thời điểm mọc răng hệ miễn dịch của bé thay đổi dẫn đến tình trạng sốt. Nếu bé bị sốt cao và không có dấu hiệu thuyên giảm thì mẹ nên đưa con đến gặp bác sĩ để có biện pháp xử lý kịp thời.
  • Bé dễ cáu gắt: Mọc răng khiến lợi bé bị sưng, đau. Những cơn đau lợi là nguyên nhân dẫn của việc bé khó tính hơn bình thường, ngủ không ngon và lười bú.
  • Tiêu chảy: khi mọc răng bé dễ bị tiêu chảy vì lợi nứt ra tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập. Đối với bé dưới 6 tháng, bú mẹ hoàn toàn, sữa mẹ sẽ giúp kháng khuẩn. Đối với bé trên 6 tháng, cha mẹ nên có thể cho con sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.
  • Thích cắn: Một dấu hiệu giúp các mẹ dễ dàng nhận ra con đang mọc răng đó là bé gặm, cắn mọi đồ vật trong tầm với. Chắc hẳn nhiều ba mẹ đã nhiều lần trải qua cảm giác bị bé nghiến đầu ti đến đau “điếng người”. Quá trình răng xuyên qua nướu sẽ khiến con cảm thấy bứt rứt, ngứa ngáy, khó chịu quanh lợi và có xu hướng cắn mọi thứ có thể cho vừa miệng.

Chăm sóc trẻ mọc răng

chăm sóc trẻ mọc răng
Trẻ mọc răng là vấn đề mẹ sẽ phải thường gặp trong hành trình nuôi con nhỏ, vì vậy đừng nên lo lắng quá, hãy chú ý cách chăm sóc và vệ sinh răng miệng thật tốt cho con. (ảnh minh họa)

Trẻ mọc răng thường hay “mè nheo” điều này có thể khiến ba mẹ cảm thấy khó chịu. Tuy nhiên vấn đề mọc răng ở trẻ là chuyện rất bình thường trong cuộc hành trình nuôi con nhỏ. Khi trẻ nhỏ mọc răng, ba mẹ cần lưu ý những điều sau:

Lợi sưng đỏ làm bé đau, sốt nhẹ, lười ăn, quấy khóc. Lúc này mẹ nên vỗ về bé; thay đổi chế độ ăn, cho bé ăn đồ ăn mềm, loãng.

– Nếu bé sốt cao mẹ nên cho bé bú nhiều hơn, mặc quần áo thoáng cho con và có thể lau khăn ấm vào các vị trí như cổ, nách, bẹn của bé.

– Giữ gì vệ sinh răng miệng cho bé. Sau bữa ăn ba mẹ có thể cho bé uống nước để tráng miệng, dùng khăn gạc mềm để đánh răng cho bé. Thường xuyên vệ sinh vùng cằm, cổ để bé không bị nổi mẩn đỏ.

– Bé thích mút ngón tay hay cắn các vật rắn, giải pháp cho mẹ là để bé chơi các đồ vật mềm, có hình tròn tránh làm tổn thương lợi của con.

– Hạn chế các thực phẩm chứa nhiều đường trong chế độ ăn của bé.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital