Táo bón là một chứng bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ. Nguyên nhân chủ yếu của táo bón là chế độ ăn thiếu chất xơ, thiếu nước. Khi trẻ bị táo bón mà không được chăm sóc để sớm khắc phục thì sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến hệ tiêu hóa và sức khỏe của trẻ. Bài viết dưới đây của Thu Cúc TCI sẽ giúp bạn củng cố thêm kiến thức để bảo vệ hệ tiêu hóa của bé luôn khỏe mạnh.
Menu xem nhanh:
1. Nhận biết trẻ bị táo bón
Để nhận biết, bố mẹ có thể hỏi trực tiếp khi con đã biết nói và lớn. Khi này, trẻ có thể nhận thức được qua những miêu tả của bố mẹ. Với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ chưa biết nói, bố mẹ cần trực tiếp quan sát biểu hiện qua cảm xúc, phân và chế độ ăn. Cụ thể, táo bón sẽ được thể hiện qua các biểu hiện sau:
– Đau rát khi đi vệ sinh: phân của trẻ khi bị táo bón thường cứng, đi vệ sinh rất khó khăn và thường bị đau rát. Do đó, trẻ thường sợ đi vệ sinh. Càng nhịn đi vệ sinh thì tình trạng táo bón càng nghiêm trọng hơn.
– Quấy khóc, căng thẳng khi đi vệ sinh: trẻ khó đi vệ sinh khiến bụng, hậu môn đau nên dễ quấy khóc. Các con cũng có thể biểu hiện cảm xúc căng thẳng, khó chịu, nhăn nhó khi cố gắng đi vệ sinh.
– Đau bụng quanh rốn: bố mẹ có thể thăm hỏi con khi trẻ đã lớn. Mỗi vị trí bụng đau thể hiện 1 bệnh lý khác nhau. Vì vậy, bố mẹ có thể tạm thời xác định táo bón cho trẻ bằng cách này.
– Són phân lỏng: dịch ruột ứ lại quanh khối phân lớn làm tình trạng táo bón nặng nề hơn khiến trẻ gặp tình trạng són phân lỏng, kéo dài thời gian táo bón.
– Quan sát trạng thái phân: phân trẻ bị táo bón thường ở trạng thái cứng hơn bình thường, phần đầu phân thường cứng hơn
– Trẻ biếng ăn khi bị táo bón
Bên cạnh đó, bố mẹ hãy để ý đến tần suất đi vệ sinh của trẻ. Nếu trẻ đi tiêu ít hơn 3 lần/tuần kèm theo các dấu hiệu trên thì chắc chắn con đã bị táo bón và bố mẹ cần có kế hoạch khắc phục sớm nhất có thể.
2. Vì sao trẻ mắc táo bón?
Nguyên nhân thường thấy là do chế độ dinh dưỡng, chế độ ăn hàng ngày. Chất xơ và nước đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình tiêu hóa của trẻ. Chất xơ có vai trò kích thích ruột hoạt động, tạo ra các nhu động ruột khiến hệ tiêu hóa hoạt động bình thường.
Nhịn đi vệ sinh lâu cũng là nguyên nhân gây nên táo bón. Việc bài tiết cần giữ được tần suất vừa phải và đều đặn để không ảnh hưởng đến việc hấp thu chất dinh dưỡng.
Với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, tình trạng táo bón dễ xảy ra khi:
– Trẻ ăn phải thức ăn quá đặc
– Thay đổi từ sữa mẹ sang sữa công thức
– Quá trình cai sữa mẹ cũng dễ dẫn đến tình trạng táo bón
Ngoài ra, tình trạng táo bón có thể xảy ra khi trẻ mắc 1 vài bệnh lý khác như:
– Cường giáp khiến hoạt động của ruột giảm
– Phì đại tràng bẩm sinh ảnh hưởng đến chức năng co bóp của đại tràng
– Tiểu đường
– Rối loạn điện giải
– Bại liệt
3. Táo bón gây hại thế nào đến sức khỏe trẻ?
Táo bón không chỉ khiến trẻ khó khăn khi đi tiêu, gây cảm giác đau rát khó chịu mà còn ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ. Táo bón dài ngày sẽ ảnh hưởng đến việc ăn uống của trẻ. Các con có xu hướng bỏ bữa, ăn kém do bụng bị đau, trương do táo bón. Việc ăn kém cũng khiến cho trẻ mệt mỏi, chán nản. Bên cạnh đó, phân cứng, trẻ gắng sức đi vệ sinh có thể gây ra biến chứng nứt kẽ hậu môn, gia tăng nguy cơ bị trĩ.
4. Khắc phục táo bón giúp tiêu hóa khỏe mạnh
4.1. Thay đổi chế độ sinh hoạt
Trước tiên, bố mẹ cần chú ý tới chế độ sinh hoạt cũng như chế độ dinh dưỡng hàng ngày của bé để khắc phục tình trạng táo bón của trẻ.
– Với trẻ chưa cai sữa, bố mẹ có thể đánh giá lượng sữa mà con bú mỗi ngày. Ngoài ra, có thể thay đổi chế độ ăn của người mẹ. Mẹ nên hạn chế các loại thực phẩm cay nóng và bổ sung thêm chất xơ vào chế độ ăn. Thay đổi chế độ ăn của mẹ có thể cung cấp thêm các chất dinh dưỡng có lợi kích thích nhu động ruột của con hoạt động.
– Với trẻ đã cai sữa hoặc đang dùng sữa công thức, bố mẹ có thể thử đổi sữa cho trẻ. Có thể loại sữa trẻ đang dùng không phù hợp với trẻ. Đặc biệt chú ý đến liều lượng, sữa cần pha đúng liều lượng tránh nhiều hơn hoặc ít hơn.
– Với trẻ đã cai sữa, nên chú ý bổ sung nước, trái cây, chất xơ vào chế độ ăn của trẻ. Không chỉ bổ sung khi bị táo bón mà bố mẹ cần xây dựng chế độ ăn hàng ngày đầy đủ chất xơ.
Khi tình trạng táo bón của trẻ trở nên nghiêm trọng hơn, trẻ khó chịu, quấy khóc nhiều mà nhiều ngày vẫn chưa thể đi vệ sinh bình thường thì bố mẹ nên cho con đến gặp bác sĩ để được chỉ định dùng một số loại thuốc hỗ trợ cho quá trình đại tiện của con trở về đúng quỹ đạo:
– Thuốc nhuận tràng
– Thực hiện thụt hậu môn
– Dùng thuốc đút hậu môn
4.2. Chăm sóc khi trẻ bị táo bón
Bố mẹ có thể thực hiện phương pháp xoa bụng trẻ theo chiều thuận kim đồng hồ sau mỗi bữa ăn. Tuy nhiên đây chỉ là phương pháp giúp con dễ chịu hơn chứ không phải điều trị chứng táo bón.
Khi trẻ táo bón, bố mẹ có thể nói chuyện và động viên con nghe lời khi uống thuốc và loại bỏ tâm lý sợ đi vệ sinh của trẻ. Bố mẹ cũng có thể thay đổi thói quen, điều chỉnh tư thế đi vệ sinh của trẻ.
Để sớm phát hiện trẻ bị táo bón, bố mẹ nên theo dõi quá trình đại tiện của con theo các yếu tố: tần suất, giờ đi đại tiện, chế độ ăn, cảm xúc và tâm lý của trẻ.
Trẻ em rất dễ tổn thương, chỉ một thay đổi nhỏ của môi trường, chế độ ăn cũng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của các con. Bố mẹ hãy luôn chú ý tới mọi hành động, phản ứng trong suốt quá trình sinh hoạt để sớm phát hiện ra các bất thường và cho con tới gặp bác sĩ kịp thời. Khoa Nhi Thu Cúc TCI là địa chỉ uy tín luôn đồng hành cùng bố mẹ bảo vệ sức khỏe con yêu, hỗ trợ bố mẹ 24/24.