Khớp háng là một trong những khớp lớn nhất của cơ thể và có vai trò rất quan trọng. Do vậy bất kỳ thương tổn liên quan đến khớp này đều có thể gây ra sự hạn chế lớn đối với khả năng vận động. Vì vậy, việc chủ động nắm vững kiến thức căn bản về cấu trúc giải phẫu khớp háng và chức năng của khớp háng là vô cùng quan trọng.
Menu xem nhanh:
1. Vị trí của khớp háng
Khớp háng nằm ở giữa xương chậu và xương đùi, tạo thành một liên kết quan trọng trong hệ thống xương khớp của cơ thể. Khớp háng được cấu thành với xương và dây chằng mạnh mẽ, cùng với hệ thống cơ bắp khá phức tạp, giúp tạo ra sự ổn định, linh hoạt và khả năng vận động của cơ thể. Nó đóng vai trò như một khớp nền tảng cho cả trục thân và chi dưới, giúp cơ thể hoạt động hàng ngày một cách hiệu quả.
2. Chức năng của khớp háng
Dưới đây là mô tả chi tiết về chức năng của khớp háng đối với con người:
– Tham gia vào hoạt động hàng ngày: Khớp háng có vai trò quan trọng trong việc tham gia vào các hoạt động hàng ngày như đi lại, chạy nhảy,… Nó cho phép con người chúng ta thực hiện những hoạt động này một cách linh hoạt và hiệu quả.
– Hấp thụ lực: Khớp háng phải chịu lực tác động lớn từ trọng lượng cơ thể và các hoạt động hằng ngày. Đồng thời có vai trò hấp thu và phân phối lực đối với cơ thể.
– Làm trụ đỡ cho phần trên của cơ thể: Khớp háng kết hợp với cột sống thắt lưng làm trụ đỡ cho phần trên của cơ thể. Nó giúp duy trì sự thăng bằng và ổn định cho cơ thể khi đứng lên và đi lại.
– Trung tâm của các chuyển động: Khớp háng được coi là trung tâm quan trọng cho toàn bộ chuyển động của cơ thể. Đặc biệt, nó liên quan đến các chuyển động gập và duỗi và hỗ trợ điều hướng chúng một cách chính xác.
3. Một số bệnh lý thường gặp ở khớp háng
Dưới đây là một số bệnh thường gặp ở khớp háng, mọi người cần chú ý và chủ động nhận biết để có thể thăm khám kịp thời, tránh để xảy ra biến chứng nguy hiểm cho bản thân.
– Thoái hóa khớp háng: Bệnh lý này thường phổ biến ở người lớn tuổi, xuất phát từ quá trình bào mòn tự nhiên của cơ thể. Tuy nhiên, ngày nay, thoái hóa khớp háng còn xuất hiện ở những người trẻ do các nguyên nhân như lối sống sinh hoạt, công việc, môi trường, chấn thương hoặc bệnh lý trước đó.
– Lao khớp háng: Đây là trường hợp mà khớp háng bị viêm và hoại tử do vi khuẩn lao gây ra. Bệnh này thường xuất hiện với biểu hiện đau và sưng ở khớp háng.
– Viêm khớp: Đây là kết quả của quá trình thoái hóa khớp gây tổn thương và viêm nhiễm khớp háng. Nếu trong trường hợp nặng, người bệnh có thể bị hạn chế vận động, cảm giác tê mỏi ở chân và gặp khó khăn khi duỗi thẳng khớp.
– Hoại tử chỏm xương đùi: Khi vùng xương đùi không được cung cấp đủ máu để nuôi dưỡng sẽ dễ bị hoại tử. Nguyên nhân do chấn thương, xạ trị ung thư, sử dụng corticosteroid trong thời gian dài, nghiện rượu, thuốc lá, và sử dụng các chất kích thích.
– Bong sụn viền ổ cối: Bệnh này thường xảy ra ở người trẻ do tập thể thao hoặc vận động cường độ cao. Người bệnh thường đau đớn khi vận động, và triệu chứng này giảm đi khi nghỉ ngơi.
4. Cấu trúc giải phẫu khớp háng
Khớp háng là một cấu trúc phức tạp và quan trọng trong cơ thể con người. Dưới đây là mô tả chi tiết về cấu trúc giải phẫu khớp háng:
4.1. Cấu trúc giải phẫu khớp háng – Diện khớp
Diện khớp bao gồm những bộ phận như sau:
– Chỏm xương đùi: Là phần chính của khớp háng và được che phủ bởi sụn, có hình dạng 2/3 khối cầu. Trong chỏm xương đùi có một hõm ở trung tâm để dây chằng tròn có thể bám vào. Đồng thời có dây thần kinh chi phối mô xương dưới sụn của chỏm xương đùi và động mạch dây chằng tròn.
– Ổ cối của xương chậu: Có hình vòm và được bao bọc bởi một lớp sụn, hướng vào phía trong và chếch lên trên. Khi khớp háng vận động, chỏm xương đùi sẽ xoay vào bên trong ổ cối.
– Sụn viền: Bao quanh ổ cối và ôm lấy chỏm xương đùi.
– Mạch máu nuôi dưỡng chỏm xương đùi: Vùng vùng chỏm xương đùi được cung cấp máu bởi các mạch máu chính như cuống trên, cuống dưới và cuống trong.
4.2. Các phương tiện nối khớp
Các phương tiện nối khớp bao gồm 2 bộ phận:
– Bao khớp: Là một lớp bao sợi dày, chắc bao quanh khớp háng và phía xương chậu và xương đùi.
– Dây chằng: Bao gồm dây chằng nằm trong ổ khớp và dây chằng nằm ngoài ổ khớp.
4.3. Cấu trúc giải phẫu khớp háng – Bao hoạt dịch
Bao hoạt dịch gồm 2 phần chính đó là:
– Phần chính: Lót ở mặt trong, bao khớp và quanh sụn viền và lên tới chỏm xương đùi.
– Phần phụ: Bọc quanh dây chằng tròn để dây chằng tròn nằm trong ổ khớp nhưng vẫn nằm ngoài bao hoạt dịch.
4.4. Cấu trúc liên quan khớp háng
Bên cạnh đó, khớp háng còn có các cấu trúc liên quan như:
– Phía trước: Tam giác đùi, bó mạch thần kinh đùi.
– Phía sau: Mạch máu, thần kinh vùng mông.
4.5. Các động tác khớp háng
Khớp háng có thể thực hiện nhiều động tác khác nhau bao gồm gập, duỗi, dạng, xoay ngoài, xoay trong và xoay theo 3 chiều.
Cấu trúc của khớp háng cho phép nó thực hiện đa dạng động tác và đóng vai trò quan trọng trong việc vận động và hỗ trợ cơ thể con người hàng ngày.
Như vậy, bài viết trên đây là những kiến thức căn bản về giải phẫu khớp háng và chức năng của khớp háng. Hy vọng rằng sẽ giúp ích cho mọi người trong việc thu thập thêm nhiều kiến thức mới về cấu trúc giải phẫu khớp háng.