Túi mật đóng vai trò quan trọng trong hoạt động của hệ tiêu hóa. Vậy đối với trường hợp phải cắt túi mật có ảnh hưởng gì tới sức khỏe và cuộc sống sau này của người bệnh không? Hãy cùng tìm hiểu ngay.
Menu xem nhanh:
1. Trường hợp cần phải thực hiện cắt bỏ túi mật
Trước khi tìm hiểu việc cắt túi mật có ảnh hưởng đến sức khỏe không, chúng ta sẽ tìm hiểu về những trường hợp cần thực hiện chỉ định này. Thông thường, bác sĩ sẽ chỉ định phải cắt bỏ túi mật ở các ca bệnh xuất hiện biến chứng do sỏi mật hoặc nguy cơ xảy ra biến chứng cao.
Cụ thể, những trường hợp sau sẽ cần thực hiện cắt túi mật:
– Sỏi túi mật quá lớn, gây biến chứng viêm túi mật, làm dịch mật bị tắc nghẽn hoặc sỏi mật chiếm tới 2/3 diện tích cả túi mật. Hậu quả là dịch mật không lưu thông và điều tiết được.
– Sỏi mật gây viêm tụy cấp.
– Viêm, teo túi mật hoặc làm dày thành túi mật khiến bộ phận này bị vôi hóa, bị mất dần khả năng co bóp vốn có.
– Người bệnh bị đồng thời cả polyp túi mật và bị sỏi mật.
– Người bệnh mắc túi mật phức tạp như: viêm túi mật, có lỗ rò túi mật tá tràng, hội chứng Mirizzi hoặc bị ung thư túi mật.
– Người bệnh đang chờ ghép cấy tạng.
2. Những ảnh hưởng từ việc cắt túi mật
2.1. Những ảnh hưởng trong quá trình phẫu thuật cắt túi mật
Tuy hiếm khi xảy ra, nhưng cũng như các phẫu thuật khác, cắt túi mật vẫn có thể gặp phải một số rủi ro biến chứng, bao gồm:
– Nhiễm trùng: vết mổ có thể bị nhiễm trùng gây ra các triệu chứng như đau nhiều, sưng hoặc tấy đỏ, có mủ rò rỉ… Để ngăn ngừa tình trạng này, người bệnh sẽ được chỉ định thuốc kháng sinh.
– Xuất huyết: một số ít người bệnh có thể bị xuất huyết ngay sau khi vừa phẫu thuật, trong những trường hợp này người bệnh cần phải được can thiệp nội khoa ngay lập tức.
– Rò rỉ mật: khi túi mật được lấy ra, bác sĩ sẽ sử dụng những kẹp đặc biệt để đóng lại đầu nối túi mật với ống mật chủ, nhưng đôi khi dịch mật có thể bị rò rỉ ra ngoài bụng gây nhiễm khuẩn phúc mạc.
– Tổn thương ống mật: các ống dẫn mật có thể bị tổn thương ngay trong quá trình loại bỏ túi mật. Khi đó người bệnh có thể cần phải tiến hành phẫu thuật một lần nữa để giải quyết các tổn thương này.
– Tổn thương ruột, mạch máu: dụng cụ phẫu thuật có thể làm tổn thương ruột, các mạch máu. Tuy nhiên, trường hợp này rất hiếm xảy ra khi người bệnh lựa chọn được bác sĩ phẫu thuật giỏi.
2.2. Ảnh hưởng trên đường tiêu hóa sau này khi cắt túi mật
Sau khi túi mật bị loại bỏ, gan vẫn sản xuất dịch mật đều đặn, chất lượng và số lượng dịch mật không hề thay đổi. Nhưng thay vì đi con đường vòng như trước kia, nay dịch mật đi nhanh hơn và đổ thẳng xuống tá tràng ngay cả khi không có thức ăn. Điều này có thể gây ra những rối loạn rối loạn nhất định về tiêu hóa như đầy trướng, chậm tiêu hay chán ăn.
Sau phẫu thuật, cũng có khoảng 10 – 15% người bệnh gặp phải hội chứng sau cắt túi mật, với các triệu chứng tương tự sỏi mật như đau bụng, khó tiêu, tiêu chảy, vàng da, vàng mắt, sốt cao…., Nguyên nhân gây nên hội chứng này vẫn chưa được giải thích rõ ràng, nhưng có thể liên quan đến sự thích nghi của cơ thể khi thiếu vắng túi mật hoặc do còn sót sỏi ở trong đường mật. Các triệu chứng này có thể thoáng qua và biến mất sau một vài tuần, nhưng cũng có nhiều trường hợp kéo dài dai dẳng trong nhiều tháng hoặc nhiều năm.
Để làm giảm được tình trạng này, sau cắt túi mật người bệnh nên cố gắng hạn chế dầu mỡ, đồ ăn nhiều cholesterol. Sau đó khi cơ thể đã thích ứng trở lại, người bệnh có thể tập ăn lại từng ít một và tăng dần lên. Nếu bị tiêu chảy mạn tính, hãy hỏi ý kiến của bác sĩ để được sử dụng một số loại thuốc cầm tiêu.
3. Lưu ý dành cho người bệnh sau cắt túi mật
Người bệnh sau cắt túi mật không nên quá lo lắng hay đặt nặng tâm lý cắt bỏ túi mật sẽ gây ảnh hưởng xấu tới cuộc sống sau này. Hãy thực hiện tốt những yêu cầu sau:
3.1. Đối với chế độ ăn uống
Phẫu thuật túi mật về cơ bản là không ảnh hưởng nhiều tới chế độ ăn uống của người bệnh. Người bệnh không cần kiêng cữ khắt khe gì nếu đường mật ở bên trong và ngoài gan cũng như chức năng gan không bị tổn thương.
Tuy nhiên, sau khi phẫu thuật, bệnh nhân nên lựa chọn những thực phẩm dễ tiêu, tránh ăn đồ ăn nhiều dầu mỡ. Hình thành thói quen “theo dõi” cơ thể mình khi ăn, nếu không có biểu hiện bất thường nào thì có thể ăn uống như bình thường.
3.2. Đối với chế độ sinh hoạt
Khi sức khỏe đã dần ổn định, người bệnh có thể trở lại sinh hoạt, tập thể dục như bình thường. Cần lưu ý rằng, người bệnh hãy bắt đầu bằng những bài tập nhẹ nhàng, cường độ thấp rồi mới nâng dần lên những bài tập cần nhiều sức hơn.
Bên cạnh đó, người bệnh sau cắt túi mật cần tuân thủ đúng lịch thăm khám sức khỏe định kỳ theo đúng chỉ định để được theo dõi, đánh giá đúng chức năng tiêu hóa cũng như kịp thời phát hiện và xử lý những bất thường nếu gặp phải.
Cắt túi mật sẽ có những ảnh hưởng nhất định với người bệnh tuy nhiên chúng ta vẫn có thể khắc phục đúng cách. Trên hết, người bệnh có sỏi túi mật hoặc nghi ngờ sỏi túi mật cần chủ động thăm khám và tiến hành điều trị sớm để tránh được nguy cơ phải cắt bỏ túi mật.