U nang buồng trứng hầu hết là những khối u cơ năng lành tính. Tuy nhiên, với một vài trường hợp đặc biệt, u nang có tính chất phức tạp, u nang thực thể, u nang buồng trứng biến chứng gây ra nhiều triệu chứng bất thường, ảnh hưởng tới sức khỏe thì cần phải tiến hành điều trị. Phương pháp cắt nang buồng trứng là giải pháp hiệu quả, giúp loại bỏ u nang buồng trứng, phòng ngừa những biến chứng khó lường. Ngoài ra, đây cũng là phương pháp điều trị đang được áp dụng phổ biến nhất hiện nay.
Menu xem nhanh:
1. Thế nào là cắt nang buồng trứng?
Những khối u nang buồng trứng thường có nhân là dịch đặc như bã đậu, xuất hiện ở buồng trứng. Hầu hết u nang phát triển từ sự rối loạn của nội tiết tố, do chức năng tuyến giáp suy giảm, viêm nhiễm vùng chậu hay do bệnh lý lạc nội mạc tử cung,..
Để điều trị những khối u này, người bệnh cần xác định rõ đó là u nang cơ năng hay thực thể, có ảnh hưởng tới các cơ quan lân cận không, có ảnh hưởng tới khả năng sinh sản không,… Dựa vào nguyên nhân, tính chất của mỗi khối u và nhu cầu của từng bệnh nhân, bác sĩ chuyên khoa sẽ đưa ra phương án điều trị phù hợp.
Đa phần phụ nữ đều cho rằng u nang buồng trứng có thể cải thiện với thuốc. Tuy nhiên, nhận định về phương án điều trị như vậy là sai lầm. Chỉ những khối u cơ năng, cần duy trì kích thước mới cần sử dụng thuốc điều trị nội khoa. Với những khối u thực thể, u do bệnh lý, u phát triển ngày càng to, phương án tối ưu nhất chính là phẫu thuật loại bỏ u nang buồng trứng
Cắt u nang buồng trứng có thể được tiến hành theo hai hướng. Hướng đầu tiên, bác sĩ sẽ tiến hành cắt, bóc u. Nếu như u nang buồng trứng đã ảnh hưởng quá sâu vào âm đạo, tử cung và chức năng của buồng trứng, người bệnh có thể được cắt buồng trứng, vòi trứng để đảm bảo loại bỏ các yếu tố nguy cơ biến chứng bệnh lý.
2. Những phương án phẫu thuật cắt bỏ u nang buồng trứng
Phẫu thuật vẫn luôn là giải pháp hiệu quả, tối ưu và an toàn nhất cho người bệnh có vấn đề về các khối u, trong đó có u nang buồng trứng. Cụ thể, hiện có 2 phương án phẫu thuật giúp loại bỏ nang buồng trứng, đó là mổ mở và mổ nội soi.
2.1. Mổ nội soi cắt nang buồng trứng quy trình ra sao?
Trước khi thực hiện phẫu thuật nội soi, người bệnh cần được thăm khám và chẩn đoán toàn diện tình trạng sức khỏe, đánh giá về khối u. Sau đó, bác sĩ sẽ tư vấn kỹ về phương pháp phẫu thuật này để bệnh nhân có thể hình dung một cách cụ thể, rõ ràng nhất.
Phẫu thuật nội soi nên được thực hiện sau khi người bệnh hết hành kinh khoảng 1 tuần. Bệnh nhân được hướng dẫn thụt tháo trước ca mổ khoảng 2 giờ. Sau đó, bệnh nhân được đưa vào phòng mổ, gắn các điện cực theo dõi chỉ số sinh tồn và sát khuẩn bụng, gây mê nội khí quản.
Ca phẫu thuật cắt nang buồng trứng nội soi được tiến hành như sau:
– Bơm hơi vào ổ phúc mạc.
– Thao tác để đặt đèn soi vào ổ bụng.
– Kiểm tra lại một lần nữa tình trạng khối u nang và xác định mức độ di động, có dính các tạng xung quanh không.
– Nếu u nang dính, bác sĩ sẽ thực hiện gỡ sao cho khối u không bị vỡ. Trường hợp khối u dính nhiều, bệnh nhân sẽ được chuyển sang phẫu thuật mổ mở.
Trong trường hợp bóc u nang buồng trứng, bác sĩ sẽ dùng dao rạch trên bề mặt khối u. Tiếp đó, sử dụng forcep nhỏ kẹp bên mép của vết rạch, kéo lên. Thao tác này giúp bác sĩ bóc tách được khối u ra khỏi vỏ u.
Khi bóc tới đáy của khối u, nếu u nhỏ, không có hiện tượng chảy máu thì có thể tiến hành bóc tách toàn bộ. Nếu u chảy máu, cuống phức tạp thì sử dụng dao điện 2 cực tác động nhiệt, đốt tổ chức phía đáy khối u, sau đó cắt bỏ cuống khối u.
Lấy bệnh phẩm và tiến hành xét nghiệm giải phẫu bệnh lý, xác định tính chất u lành hay u ác. Nếu người bệnh chảy máu, bác sĩ sẽ cầm máu bằng dao hai cực. Sau cùng, bác sĩ sẽ rút các trocart, khâu lại phần rạch.
Trong trường hợp cần cắt bỏ khối u, bác sĩ sẽ sử dụng dao 2 cực đốt cuống u, cắt bỏ phần cuống đó. Tiếp theo, bệnh phẩm sẽ được đưa đi xét nghiệm giải phẫu bệnh lý, xác định tính chất u lành hay u ác.
2.2 Mổ mở cắt nang buồng trứng quy trình ra sao?
Những trường hợp u nang kích thước lớn ( >10cm), có nguy cơ hoặc đã bị vỡ, xoắn, sinh thiết có tồn tại tế bào ung thư,… sẽ được chỉ định mổ mở để bóc tách toàn bộ. Sau khi người bệnh được kiểm tra sức khỏe, sát khuẩn vùng bụng, gây tê, bác sĩ sẽ rạch một vết rạch tại ổ bụng, sau đó tiến hành bóc tách u nang buồng trứng hay thậm chí cắt bỏ buồng trứng trong trường hợp cần thiết. Tuy nhiên, việc cắt bỏ buồng trứng chỉ được thực hiện khi người bệnh có nhu cầu, mong muốn.
Hạn chế của phương pháp phẫu thuật này là người bệnh cảm thấy đau hơn, mất máu nhiều hơn và thời gian hồi phục lâu hơn. Sau khi phục hồi, nguy cơ để lại sẹo gây mất thẩm mỹ cũng rất cao. Sau phẫu thuật, u nang buồng trứng được bóc tách sẽ được gửi đi xét nghiệm giải phẫu bệnh, xác định là u lành hay u ác.
3. Phẫu thuật loại bỏ u nang buồng trứng có nguy hiểm không?
Một số rủi ro được nhận định có thể xảy ra trong quá trình cắt nang buồng trứng gồm:
– Chảy máu, mất máu nhiều.
– Tổn thương tới một số cơ quan lân cận trong quá trình mổ.
– Nhiễm trùng sau mổ.
– Viêm dính, tắc ruột.
– Một số dạng u lạc nội mạc tử cung vẫn có nguy cơ tái phát.
– Nang dính sau mổ.
– Suy giảm chức năng buồng trứng, ảnh hưởng tới khả năng sinh sản.
4. Người bệnh cần lưu ý chuẩn bị gì trước, trong và sau mổ?
Bác sĩ chuyên khoa Sản phụ khoa Thu Cúc TCI khuyến cáo người bệnh nên lưu ý một số vấn đề trước, trong và sau cắt nang buồng trứng để hạn chế tối đa nguy cơ xảy ra biến chứng:
Trước phẫu thuật
– Bệnh nhân cần hiểu rõ về lý do thực hiện phẫu thuật, các nguy cơ, biến chứng có thể gặp phải.
– Thuốc làm rối loạn đông máu được khuyến cáo tránh sử dụng.
– Đưa ra thông tin cụ thể về các loại thuốc đang sử dụng để bác sĩ có thể tiên lượng chính xác.
– Cần lưu ý điều trị các bệnh lý nhiễm trùng, tim mạch, cường giáp, tiểu đường, hen suyễn, huyết khối, thiếu máu,…
– Cần cung cấp chính xác và đầy đủ các thông tin về sức khỏe khi thực hiện phẫu thuật (các phản ứng khi sử dụng thuốc gây tê, gây mê, bệnh lý về máu,…)
– Không sử dụng thuốc lá, rượu bia và chất kích thích trước phẫu thuật tối thiểu 1 tháng.
Chuẩn bị cho cuộc phẫu thuật
– Nhịn ăn, uống tối thiểu 6 giờ trước ca mổ.
– Tắm gội sạch sẽ, vệ sinh đầy đủ và đi ngủ sớm, giữ một tâm lý thoải mái trước ngày phẫu thuật.
Sau khi ca mổ kết thúc
– Từ 1 tới 2 ngày sau ca mổ, người bệnh vẫn sẽ cảm thấy đau và có thể giảm đau dần vào những ngày sau đó.
– Chú ý đến việc sử dụng thuốc giảm đau, thuốc kháng sinh. Chỉ nên sử dụng nếu có sự đồng ý của bác sĩ chuyên khoa.
– Sau 24 giờ, bệnh nhân nên cố gắng ngồi dậy và di chuyển nhẹ nhàng để hạn chế dính ruột hay huyết khối tĩnh mạch..
Với kết quả xét nghiệm giải phẫu bệnh từ khối u nang buồng trứng, nếu lành tính, quá trình điều trị coi như đã hoàn tất. Trường hợp khối u được xác định là u ác tính, các bác sĩ thảo luận chi tiết với người bệnh để đưa ra kế hoạch điều trị tiếp theo.
U nang buồng trứng là bệnh lý có thể điều trị nếu được phát hiện sớm. Vì vậy, chị em nên chủ động theo dõi sức khỏe của bản thân và có kế hoạch thăm khám, kiểm tra khi thấy có những dấu hiệu bất thường.
Hiện nay, trên cả nước đều có những cơ sở y tế chuyên khoa cung cấp dịch vụ khám và điều trị u nang buồng trứng. Trong đó, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Thu Cúc TCI với đội ngũ các bác sĩ có trình độ chuyên môn cao, nhiều năm kinh nghiệm luôn được chị em tin tưởng khi gặp phải các vấn đề bệnh lý phụ khoa, u xơ tử cung, u nang buồng trứng cần thực hiện phẫu thuật. Hệ thống máy móc, trang thiết bị chẩn đoán, thăm khám luôn cho kết quả chính xác nhất, tiết kiệm tối đa thời gian của khách hàng.
Ngoài ra, Thu Cúc TCI cũng đã ứng dụng thành công kỹ thuật mổ nội soi với hàng ngàn ca bệnh, hạn chế tối đa các biến chứng sau phẫu thuật. Dịch vụ với đầy đủ tiện ích, chăm sóc bệnh nhân sau mổ chu đáo cũng góp phần giúp cho TCI nhận được nhiều phản hồi tích cực cùng sự tín nhiệm của nhiều bệnh nhân.