Sau khi khỏi sốt xuất huyết cơ thể bạn cần một khoảng thời gian (có thể phải mất hàng tháng) để phục hồi những hệ lụy mà căn bệnh này gây ra. Cùng tìm hiểu một số vấn đề sức khỏe thường gặp sau khi khỏi sốt xuất huyết và chế độ dinh dưỡng giúp bạn phục hồi sức khỏe một cách nhanh chóng.
Menu xem nhanh:
1. Các vấn đề sức khỏe có thể gặp phải sau khi khỏi sốt xuất huyết
1.1 Tăng men gan sau khi khỏi sốt xuất huyết
Rất nhiều người sau khi điều trị khỏi sốt xuất huyết lại phải đối mặt với tình trạng men gan tăng cao có thể gấp 4-5 lần thậm chí gấp 15 lần so với chỉ số men gan bình thường.
Khi chỉ số men gan tăng cao mà không được điều trị kịp thời, hiệu quả có thể dẫn tới tổn thương các tế bào gan gây suy gan, hoại tử tế bào gan, gia tăng nồng độ các yếu tố viêm, phản ứng miễn dịch trong cơ thể.
Theo thống kê, có khoảng 65% người bị sốt xuất huyết có tăng men gan. Tình trạng tăng men gan có thể từ nhẹ đến nặng, diễn ra ngay trong quá trình mắc bệnh hoặc sau khi khỏi sốt xuất huyết.
1.2 Đau khớp và cơ
Tình trạng nhức các khớp và cơ không chỉ diễn ra trong quá trình bị bệnh sốt xuất huyết mà ngay cả khi khỏi sốt xuất huyết rồi nhiều người vẫn than rằng họ cảm thấy đau nhức người “ê ẩm”, đau khớp và các cơ. Có người còn ví rằng họ cảm thấy đau “nhừ” khắp người như bị ai đó đánh. Các khớp (điển hình như khớp bả vai, khớp cổ tay, cổ chân) đều nhức mỏi. Các cơ vùng cổ, tay, chân, quanh người đều đau.
Cơn đau cơ, khớp này có thể kéo dài từ hai đến 3 tuần, thậm chí hàng tháng từ khi bệnh thuyên giảm. Triệu chứng đau khớp và cơ này thường nổi trội hơn ở người cao tuổi, người mắc có sẵn bệnh lý nền về cơ xương khớp, bệnh tiểu đường, bệnh gan, thận, bệnh lý hô hấp hay người đang dùng thuốc giảm miễn dịch.
Khi bệnh ở giai đoạn cấp tính của sốt xuất huyết, cơn đau thường ở dạng viêm khớp phản ứng cấp tính. Còn khi bệnh ở giai đoạn lui hoặc sau khi khỏi sốt xuất huyết cơn đau khớp thường là mạn tính. Nhưng đa số cơn đau khớp và cơ sẽ thoái lui dần, nên người bệnh không cần quá lo lằng.
1.3 Mệt mỏi và thiếu hụt vitamin
Sốt xuất huyết gây ra nhiều triệu chứng khó chịu, cơ thể phải “gồng mình lên để chiến đấu” do đó rất dễ “mất sức”.
Theo nghiên cứu, người bệnh sốt xuất huyết thường dễ thiếu các vitamin như vitamin D, vitamin B12, vitamin E và một số vi chất dinh dưỡng quan trọng. Chính sự thiếu hụt khoáng chất và vitamin này, khiến người bệnh cảm thấy mệt mỏi. Điều này cũng là nguyên nhân khiến tình trạng đau khớp trở nên trầm trọng hơn trong và sau khi khỏi sốt xuất huyết.
1.4 Lo lắng và trầm cảm
Sau khi chống chọi với căn bệnh sốt xuất huyết, nhiều người cảm thấy lo lắng và sợ hãi về tình trạng sức khỏe, cũng như những di chứng mà sốt xuất huyết gây ra. Đặc biệt là những người mắc sốt xuất huyết ở mức độ nặng. Tuy nhiên, bạn không nên quá lo lắng, sự lo lắng căng thẳng chỉ càng khiến tình trạng sức khỏe trở nên tồi tệ. Thay vào đó bạn nên lạc quan và xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý để mau phục hồi sức khỏe.
1.5 Rụng tóc
Có lẽ đây là vấn đề mà chỉ một số ít người bệnh sốt xuất huyết gặp phải. Theo một số lý giải cho biết, nguyên nhân gây tình trạng rụng tóc ở người bệnh sốt xuất huyết là do khả năng miễn dịch suy yếu và thiếu chất dinh dưỡng dễ khiến các nang lông tóc bị ảnh hưởng, dễ gây tình trạng xơ và rụng.
Các tình trạng trên có thể chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, thường không quá nguy hiểm nhưng người bệnh cần phải được chăm sóc và điều trị hiệu quả. Đặc biệt, thận trọng với trường hợp người bệnh bị sốt xuất huyết nặng, các biến chứng để lại có thể nặng nề và dai dẳng kéo dài.
2. Một số thực phẩm, đồ uống giúp cơ thể bạn phục hồi nhanh hơn
Chế độ dinh dưỡng sau khi khỏi sốt xuất huyết đóng vai trò quan trọng không kém gì lúc bị bệnh. Một chế độ dinh dưỡng không khoa học khi khỏi sốt xuất huyết, sẽ khiến cơ thể lâu hồi phục hơn. Chế độ ăn uống khoa học và lành mạnh giúp cơ thể tăng khả năng miễn dịch, sức đề kháng giúp cơ thể mau chóng phục hồi.
Các chuyên gia khuyến cáo một số thực phẩm bạn nên bổ sung sau khi khỏi sốt xuất huyết như sau:
2.1 Khuyến cáo chung
Nước dừa
Nước dừa cung cấp khoáng chất và muối cần thiết, giúp duy trì mức điện giải, ngừa mất nước, giúp giảm suy nhược. Trong thời gian hồi phục, bạn nên uống hai cốc nước dừa mỗi ngày. Tuy nhiên, cần lưu ý với người mắc bệnh lý huyết áp thấp, đái tháo đường, suy thận, rối loạn điện giải nên tham khảo ý kiến của bác sĩ.
Nước hoa quả
Chất lỏng nhanh chóng được cơ thể hấp thụ và đóng vai rất quan trọng giúp phục hồi bệnh, trong đó có bệnh sốt xuất huyết. Các loại nước ép trái cây, đặc biệt như họ cam quýt, ổi, cung cấp vitamin và chất chống oxy hóa rất tốt cho cơ thể, giúp tăng cường miễn dịch, thân thiện với đường ruột.
Kiwi cũng chứa nhiều chất dinh dưỡng tốt cho người bệnh sốt xuất huyết.
Trà thảo mộc
Trà thảo quả, bạc hà, gừng, quế,… giúp thư giãn cơ thể và tinh thần, tạo giấc ngủ ngon, giúp bạn mau phục hồi sức khỏe sau bệnh sốt xuất huyết. Tuy nhiên, bạn cần đảm bảo loại trà mà mình sử dụng là rõ nguồn gốc xuất xứ và đảm bảo an toàn.
Cháo, súp
Đồ ăn mềm như cháo, súp giúp bạn dễ tiêu hóa, không cảm thấy nặng bụng và đầy hơi sau khi ăn quá nhiều. Trong giai đoạn phục hồi và có thể sau khi khỏi hẳn sốt xuất huyết bạn nên duy trì ăn các món như cháo thịt nạc, thịt gà để bổ sung dinh dưỡng và protein cho cơ thể.
2.2 Khuyến cáo với người bị men gan cao sau khi khỏi sốt xuất huyết
Đặc biệt với trường hợp bị tăng men gan trong hoặc sau khi điều trị sốt xuất huyết, các chuyên gia khuyến cáo người bệnh không nên quá lạm dụng đồ ngọt để hạ men gan vì có thể dẫn tới gan nhiễm mỡ. Bởi khi bổ sung thừa đường, gan của bạn bắt buộc phải chuyển hóa thành mỡ dễ dẫn đến thừa cân béo phì. Khi bị béo phì, gan nhiễm mỡ có thể biến chứng gây xơ gan.
Vì vậy, sau điều trị sốt xuất huyết người bệnh nên ăn đồ ăn giàu chất đạm, giàu vitamin khoáng chất như thịt, cá, trứng, sữa, đậu đỗ,… Và ăn nhiều thực phẩm giàu vitamin đặc biệt là vitamin A (bởi vitamin D rất cần thiết cho những bệnh nhân có chỉ số men gan cao). Vitamin A có nhiều trong lòng đỏ trứng, gan động vật, sữa, các loại rau xanh đậm và quả màu vàng cũng chứa nhiều các chất tiền vitamin A.
Bên cạnh đó, bạn cũng nên bổ sung các thực phẩm giàu vitamin B như vitamin B1, B6, B12 thông qua các thực phẩm như đậu nành, mầm giá đỗ, sữa tươi, các loại rau màu xanh, trứng, trái cây,…
3. Tránh các thực phẩm và đồ uống sau
Đồ chiên rán và đồ ăn vặt
Thức ăn cay
Cà phê
Tuyệt đối nên tránh uống bia, rượu, cũng như các đồ uống có cồn.