Biến chứng sốt xuất huyết rất nguy hiểm, khó lường, diễn tiến phức tạp và dễ gây nguy kịch trong thời gian ngắn, tổn thương đến đa cơ quan. Do đó, nhận biết chính xác dấu hiệu cảnh báo sốt xuất huyết và những biến chứng sốt xuất huyết Dengue gây nguy hiểm như thế nào đối với người bệnh trong bài viết dưới đây sẽ giúp bạn có thêm kiến thức trong điều trị và phòng tránh.
Menu xem nhanh:
1. Bệnh sốt xuất huyết có do đâu?
Sốt xuất huyết là một trong những bệnh truyền nhiễm ở Việt Nam, dễ bùng phát vào mùa mưa và có nguy cơ hình thành dịch nếu không được kiểm soát đúng cách. Nguyên nhân gây bệnh là do một loại virus mang tên Dengue lây lan cho người thông qua muỗi đốt. Virus Dengue có 4 chủng huyết thanh là DEN-1, DEN-2, DEN-3, DEN-4, nghĩa là nếu một người đã mắc sốt xuất huyết chủng DEN-1 vẫn có thể mắc các chủng huyết thanh khác.
Quá trình lây truyền virus Dengue từ muỗi qua người thông qua vết đốt, virus từ tuyến nước bọt của muỗi sẽ đi vào máu của con người sau đó sẽ trải qua thời gian ủ bệnh và gây ra sốt xuất huyết.
Muỗi cũng có thể bị lây nhiễm bởi những người mang virus Dengue. Đây có thể là những bệnh nhân nhiễm sốt xuất huyết có triệu chứng hoặc chưa có triệu chứng. Một khi đã bị lây nhiễm, muỗi có thể truyền virus suốt đời.
2. Cảnh giác mức độ nguy hiểm của bệnh sốt xuất huyết Dengue
2.1 Giai đoạn cảnh báo sốt xuất huyết có thể dẫn đến biến chứng
Bệnh sốt xuất huyết Dengue thường trải qua 3 giai đoạn chính. Bắt đầu là giai đoạn khởi phát với các triệu chứng dễ nhầm lẫn với các loại sốt virus thông thường. Người bệnh có sốt cao từ 39 độ C đến 40 độ C kéo dài 2-7 ngày và khó hạ sốt.
Tiếp theo bệnh sẽ chuyển sang giai đoạn nguy hiểm cần chú ý là từ ngày thứ 3 cho đến ngày thứ 7 kể từ khi bị sốt. Các triệu chứng có thể nhận thấy bao gồm: Xuất huyết dưới da, chảy máu chân răng, chảy máu cam, tiểu máu, rong kinh, kinh nguyệt kéo dài ở phụ nữ, nôn ra máu, đi cầu phân đen (do bị xuất huyết nội tạng); các triệu chứng đau bụng, buồn nôn, chân tay lạnh, người li bì vật vã (do xuất huyết nội tạng gây mất máu, tụt huyết áp).
Sau đó, bệnh sẽ chuyển biến sang giai đoạn 3 là giai đoạn phục hồi, người bệnh hết sốt và thể trạng bắt đầu tốt hơn, huyết động bắt đầu ổn định, người bệnh đi tiểu nhiều, các xét nghiệm tiểu cầu tăng dần lên và trở về trạng thái ổn định thông thường.
Ở giai đoạn 2, nếu không được nhận biết và được đưa đến viện kiểm tra và điều trị kịp thời đúng triệu chứng, một số người bệnh có thể chuyển biến thành những diễn tiến khó lường, thậm chí là tử vong – Những trường hợp này còn được biết tới là sốt xuất huyết ở thể bệnh nặng.
2.2 Mức độ nguy hiểm của bệnh sốt xuất huyết Dengue
Các triệu chứng của bệnh sốt xuất huyết có thể trở nên nghiêm trọng trong vòng vài giờ. Sốt xuất huyết thể nặng là một trường hợp cấp cứu y tế. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC), có khoảng 1 trong 20 người mắc bệnh sốt xuất huyết sẽ phát triển thành bệnh sốt xuất huyết thể nặng. Sốt xuất huyết thể nặng có thể dẫn đến sốc, chảy máu và thậm chí là tử vong.
3. Liệt kê các biến chứng do sốt xuất huyết gây ra
3.1 Sốc do mất máu
Sốc do mất máu, thoát huyết tương là biến chứng hàng đầu của bệnh sốt xuất huyết do virus Dengue gây ra. Nguyên nhân dẫn đến biến chứng này là do virus Dengue làm tăng tính thấm mao mạch gây thoát huyết tương, theo đó làm cô đặc máu dẫn đến sốc khiến máu bị đẩy ra ngoài. Biểu hiện của sốc là việc máu sẽ bị đẩy ra ngoài, từ đó dẫn đến các triệu chứng xuất huyết nội tạng.
3.2 Biến chứng sốt xuất huyết xảy ra đối với hệ thần kinh
Sốt xuất huyết thể nặng được đặc trưng bởi tình trạng giảm tiểu cầu, dẫn đến biểu hiện xuất huyết. Nếu tình trạng mất máu và thoát huyết tương không được xử lý kịp thời, tình trạng tụt huyết áp đột ngột có thể dẫn đến xuất huyết não, rất dễ tử vong.
Ngoài ra, tình trạng xuất huyết nội tạng kéo dài liên tục có thể dẫn đến dịch huyết tương bị ứ đọng trong màng não qua các thành mạch dẫn đến phù não, hôn mê và các hội chứng liên quan đến thần kinh.
3.3 Biến chứng xảy ra đối với hệ hô hấp
Thoát huyết tương có thể dẫn đến việc tràn hoặc xâm nhập của huyết tương vào hệ hô hấp, từ đó gây viêm đường hô hấp, tràn dịch màng phổi, viêm phổi hay phù phổi cấp.
Các tình trạng này nếu không được kiểm soát và điều trị kịp thời có thể dẫn đến những nguy hiểm ảnh hưởng đến tính mạng người bệnh.
3.4 Suy tim, suy thận
Chảy máu liên tục cũng có thể dẫn đến suy tim, khiến tim không đủ máu để thực hiện chức năng tuần hoàn máu cho cơ thể. Trong trường hợp khi tim không đủ sức bơm máu, dịch huyết tương xuất hiện khiến màng tim bị tràn dịch gây ứ đọng, thêm vào đó thận sẽ phải làm việc liên tục để bài tiết huyết tương qua đường nước tiểu. Tình trạng này kéo dài sẽ dẫn đến biến chứng suy thận cấp – Một biến chứng sốt xuất huyết người bệnh có thể phải đối mặt.
3.5 Biến chứng của sốt xuất huyết xảy ra ở mắt
Sốt xuất huyết có thể dẫn đến biến chứng về mắt là mù đột ngột do xuất huyết võng mạc hoặc xuất huyết trong dịch kính mắt. Xuất huyết võng mạc làm cho mạch máu của võng mạc tổn thương khiến thị lực bị giảm sút. Dịch kính mắt là một dạng chất nhầy trong nhãn cầu giúp con người có thể nhìn sáng rõ mọi vật. Khi gặp tình trạng xuất huyết, lớp dịch này sẽ bị che phủ và hòa tan khiến người bệnh gần như mù mắt.
3.6 Biến chứng xảy ra đối với phụ nữ mang thai
Đối với phụ nữ đang mang thai mắc sốt xuất huyết, phụ nữ có thể bị sốt cao khiến tim thai đập nhanh hơn, ảnh hưởng đến thai nhi trong những ngày đầu mắc bệnh. Ở giai đoạn bệnh tiếp theo phụ nữ mang thai có nguy cơ giảm tiểu cầu dẫn đến tình trạng xuất huyết. Theo đó sẽ phải đối mặt với nhiều hệ lụy như: Thai chết lưu, tiền sản giật, chảy máu kéo dài khi chuyển dạ, sinh non… Khi phụ nữ đang ở trong những tháng đầu của thai kỳ có thể rất dễ gặp tình trạng sảy thai.
4. Lời khuyên để giảm biến chứng khi mắc sốt xuất huyết
Sốt xuất huyết xảy ra ở cả trẻ nhỏ và người lớn, và bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc-xin phòng bệnh. Hơn thế nữa, sốt xuất huyết thường gây ra dịch lớn với nhiều người cùng lúc nhiễm bệnh làm cho công tác điều trị tại các bệnh viện cũng trở nên quá tải và gặp nhiều khó khăn.
Do đó, nếu bạn nhận thấy có bất kỳ dấu hiệu cảnh báo bệnh sốt xuất huyết bạn nên nhanh chóng đến bệnh viện thăm khám và kiểm tra xác định giai đoạn bệnh và thể bệnh đang mắc. Trong trường hợp nếu được chỉ định điều trị ngoại trú tại nhà và theo dõi bởi bác sĩ, trong quá trình điều trị, nếu nhận thấy những biểu hiện bệnh ở thể nặng đang diễn ra, thì cần nhanh chóng thông báo chi tiết cho bác sĩ, đến cơ sở y tế ngay để được chăm sóc và theo dõi, điều trị kịp thời.
Ngoài ra, trong quá trình điều trị bạn cũng nên nghỉ ngơi, uống nhiều nước và sử dụng đúng thuốc theo chỉ định của bác sĩ điều trị, tránh tự ý mua thuốc và dùng thuốc mà không được bác sĩ kê đơn theo chính xác tình trạng bệnh và các yếu tố sức khỏe liên quan.