Nhét dị vật vào mũi trong vô thức, trẻ vô tình tạo ra dị vật mũi bỏ quên và để lại nhiều hệ lụy nguy hiểm. Đây chỉ là một ví dụ trong số rất nhiều trường hợp trẻ có dị vật mũi mà cha mẹ không kiểm soát được và phải đối diện với tình huống nguy hiểm cho con.
Menu xem nhanh:
1. Trẻ nhét dị vật vào mũi và thành dị vật đường thở
Hệ thống Y tế Thu Cúc TCI vừa tiếp nhận một trường hợp bệnh nhân nhi X. bị dị vật đường thở gây khó thở, mệt mỏi. Theo lời của mẹ bệnh nhân X., trước đây khoảng 2 tuần, chị thấy con có biểu hiện chảy nước mũi, hay dụi mũi nhưng không ho hay ốm sốt. Nhìn vào trong mũi con, chị thấy có vật màu xanh giống mảnh đồ chơi của con. Do không thấy con có biểu hiện gì nguy hiểm, chị đã nghĩ tới việc đưa con đi khám. Tuy nhiên, đến ngày hôm sau kiểm tra lại, chị không thấy có vật đó trong mũi con nữa. Nghĩ là hôm qua mình đã nhìn nhầm nên chị cũng không suy nghĩ nhiều.
Đến khoảng gần 1 tuần nay, mẹ X. thấy con có biểu hiện thở khó, hay hụt hơi, ho nhiều và có biểu hiện như sốt nhẹ. Dù uống giảm sốt nhưng tình trạng của bé không đỡ. Tình trạng khó thở có vẻ còn nặng hơn. Bé cũng dễ bị hụt hơi và âm sắc không còn như trước nữa. Chính vì thế, mẹ X. quyết định đưa con đi khám. Kết quả chụp CT cho thấy hình ảnh dị vật đường thở của bé. Đây cũng là nguyên nhân khiến X. ngày càng khó thở và có các triệu chứng như trên.
2. Dị vật mũi có thể trở thành dị vật đường thở nguy hiểm
Theo các bác sĩ suy đoán, di vật trên mũi của X. đã vô tình rơi xuống khu vực họng và trở thành dị vật đường thở. Thông thường, hiện tượng này không dễ xảy ra và sẽ được xử lý ngay từ khi còn là dị vật trong mũi. Tuy nhiên, trường hợp của bé X., dị vật mũi đã trở thành dị vật đường thở với nhiều nguy hiểm. Rất may là mẹ X. đã đưa con đến bệnh viện kịp thời để xử lý gắp dị vật.
Dị vật đường thở có thể trở thành nguyên nhân cả rất nhiều vấn đề như viêm nhiễm đường hô hấp, giãn phế quản, viêm phổi, xẹp phổi, áp xe phổi,… cùng nguy cơ tắc nghẽn đường thở, khiến người bệnh tắc thở, tử vong. Chính vì thế, không thể không cảnh giác hiện tượng này.
3. Nhận biết dị vật trong mũi ở trẻ
Tình trạng dị vật trong mũi có thể dễ dàng nhận ra với người lớn. Nhưng với trẻ nhỏ, cha mẹ có thể không dễ phát hiện ra tình trạng này. Một số dị vật không quá lớn có thể không tạo những phản ứng dễ nhận biết. Do đó, cha mẹ nên chú ý từng hành vi và phản ứng của trẻ để nhận biết tình trạng con có dị vật trong mũi.
Thông thường, khi trẻ có dị vật trong mũi, trẻ sẽ thường có khó chịu tại mũi. Điều này khiến trẻ có phản ứng hay dụi mũi hoặc ngoáy mũi, và thường là ở bên có dị vật. Ngoài ra, phản ứng của niêm mạc mũi với dị vật lúc này thường là xuất hiện dịch nhầy. Dịch mũi cũng xuất hiện bên cánh mũi mắc dị vật. Vì thế, cha mẹ thấy con có biểu hiện mũi tiết dịch nhầy bất thường thì nên xem xét trong mũi trẻ có dị vật không, chứ không hẳn là vì trẻ ốm, sốt.
Trong một số trường hợp nhất định, nhất là khi dị vật sắc nhọn, cha mẹ có thể thấy tình trạng chảy máu từ mũi của trẻ do niêm mạc mũi bị dị vật làm tổn thương. Ngoài ra, với tình trạng dị vật để lây trong hốc mũi, trẻ có thể có hiện tượng hơi thở hôi do viêm nhiễm. Tình trạng viêm nhiễm cũng có thể khiến trẻ ốm, sốt.
4. Xử lý khi trẻ nhét dị vật vào trong mũi
Trước tình huống trẻ nhét dị vật vào trong mũi, cha mẹ nên bình tĩnh để giải quyết vấn đề. Việc phản ứng thái quá có thể khiến trẻ giật mình và có hành vi không mong muốn khiến mũi bị tổn thương bởi dị vật.
4.1. Dạy trẻ cách xì mũi đúng cách đẩy dị vật trong mũi
Với dị vật đơn giản và với trẻ ở độ tuổi có thể hướng dẫn, cha mẹ có thể dạy con cách xì mũi để đẩy dị vật. Chú ý rằng, hãy dạy con lấy hơi bằng đường miệng và xì mũi. Trường hợp trẻ không biết cách thực hiện thao tác này có thể sẽ hít dị vật vào sâu trong hốc mũi và khiến việc lấy dị vật không thể tự giải quyết và sẽ khó khăn hơn. Vì thế, cha mẹ nên cân nhắc xem con có thể thực hiện việc này không trước khi hướng dẫn cho trẻ.
Cha mẹ chú ý: không nên tự ngoáy mũi con để khều hoặc đẩy dị vật ra. Việc tự thực hiện thao tác này có thể khiến tình trạng dị vật rắc rối hơn, đồng thời có thể tạo nên những thương tổn cho mũi trẻ. Tốt nhất, nếu trẻ nhỏ không tự xì mũi, hoặc với dị vật khó lấy, cha mẹ nên đưa con đến các bác sĩ Tai Mũi Họng để được hỗ trợ và lấy dị vật trong mũi trẻ đúng cách.
4.2. Đưa con đến các cơ sở y khoa Tai Mũi Họng để được lấy dị vật mũi nhanh chóng
Dị vật mũi có thể gây những thương tổn cho mũi của trẻ, vì thế, cha mẹ nên ưu tiên việc giải quyết dị vật trong mũi trẻ. Cần đưa trẻ đến các cơ sở y khoa Tai Mũi Họng để được các bác sĩ chuyên khoa giải quyết tình trạng dị vật mũi trẻ khi:
– Dị vật mũi trẻ là các vật đặc biệt như: động vật sống, pin cúc, nam châm, …
– Dị vật gây tổn thương cho mũi trẻ với các biểu hiện như chảy máu, viêm nhiễm, khó thở, hơi thở có mùi,…
– Dị vật trong mũi trẻ khó lấy và cha mẹ không thể giải quyết.
– Dị vật nằm phía sau hoặc phía trên mũi và không dễ nhìn thấy.
– Không thể tiếp cận dị vật hoặc không có dụng cụ phù hợp để tiếp cận dị vật trong mũi trẻ.
Khi trẻ nhét dị vật vào mũi, dị vật trong mũi thường dễ giải quyết hơn và để lại ít biến chứng hơn so với tình trạng dị vật đường thở. Cha mẹ nên chú ý vấn đề này để ngăn chặn dị vật mũi thành dị vật đường thở. Tốt nhất, nên thường xuyên kiểm tra và khi phát hiện dị vật mũi ở trẻ, cần xử lý ngay cho trẻ. Hãy dạy con xì mũi đúng cách để đẩy dị vật ra. Trong tình huống trẻ còn nhỏ hoặc dị vật to nên không thể bay ra khi xì mũi, cần sớm đến bệnh viện để con được khám và xử lý dị vật đúng cách.