Mắc dị vật trong mũi phải xử trí như thế nào?

Tham vấn bác sĩ
Thạc sĩ, Bác sĩ 

Nguyễn Chí Trung

Bác sĩ Tai Mũi Họng

Mắc dị vật trong mũi là cấp cứu thường gặp, ảnh hưởng lớn tới sức khỏe và sinh hoạt của mọi người nên cần được xử trí kịp thời. Tìm hiểu ngay!

1. Dị vật mũi thường gặp

Dị vật rơi vào mũi là cấp cứu thường gặp trong lĩnh vực tai mũi họng, đặc biệt là ở trẻ nhỏ. Do kích thước của dị vật quá bé hoặc do ngoại lực, dị vật có thể mắc vào trong mũi và bị hít vào sâu bên trong qua quá trình hô hấp. Mặc dù dị vật có thể mắc ở bất kỳ đối tượng nào nhưng trẻ em có nguy cơ cao nhất do trẻ nghịch ngợm, chưa nhận thức được.

Một số loại dị vật thường mắc vào mũi hoặc hệ hô hấp phải kể tới như là:

– Dị vật vô cơ: Là những dị vật được làm từ chất liệu nhựa hoặc kim loại như: cúc áo, vụn nhựa, kẹp ghim nhỏ, đồ chơi, ốc vít…

– Dị vật hữu cơ: Là những dị vật từ thiên nhiên hoặc làm từ chất liệu hữu cơ, chủ yếu là đồ ăn, trái cây, vụn gỗ, vụn giấy, ngũ cốc, đất sét…

– Dị vật là côn trùng: Một số côn trùng nhỏ có thể bò vào trong mũi của mọi người như muỗi, ruồi, kiến ba khoang…

– Dị vật đặc biệt: Một số loại dị vật có mức độ nguy hiểm cao như pin đồng hồ nhỏ, máy trợ thính, thuốc…

Bất kỳ ai cũng có nguy cơ bị mắc dị vật mũi, do đó mọi người nên cẩn trọng trong chế độ sinh hoạt để giảm thiểu nguy cơ bị mắc dị vật, giúp bảo vệ sức khỏe tai mũi họng tốt hơn.

Mắc dị vật trong mũi là cấp cứu thường gặp ở trẻ nhỏ

Mắc dị vật trong mũi là cấp cứu thường gặp ở trẻ nhỏ

2. Nhận biết mắc dị vật trong mũi

Để nhận biết bản thân có dị vật ở mũi, mọi người có thể quan sát thông qua một số dấu hiệu như:

– Phù nề

– Ngạt tắc mũi

– Đau mũi

– Chảy máu mũi

– Khó thở

– Thở có cảm giác vướng

– Trầy xước mũi

– Chảy nhiều dịch mũi

– Mũi có mùi hôi…

Người lớn có thể dễ dàng phát hiện dị vật thông qua các tình trạng kể trên hoặc do nhìn thấy dị vật ở trong mũi. Tuy nhiên với trẻ nhỏ chưa có nhận thức rõ, cha mẹ cũng có thể phát hiện thông qua việc trẻ thường xuyên lấy tay để dụi mũi, quấy khóc, ho, hắt xì hơi, bỏ ăn, nôn trớ…

Nếu nhận thấy bản thân có các dấu hiệu bất thường này hoặc biết trong mũi đang vướng dị vật, mọi người cần chủ động đi khám kịp thời để được xử trí.

Khi bị mắc dị vật, mọi người thường cảm thấy đau nhức mũi, khó thở...

Khi bị mắc dị vật, mọi người thường cảm thấy đau nhức mũi, khó thở…

3. Lưu ý khi gặp dị vật

Khi thấy bản thân hoặc người nhà mắc dị vật trong mũi, mọi người cần lưu ý tới các vấn đề sau:

– Bình tĩnh để kiểm tra vị trí bị vướng dị vật trong mũi và đánh giá mức độ tổn thương dị vật gây ra.

– Tuyệt đối không tự lấy dị vật ra ngoài bằng tăm bông, đũa, que nhọn… vì có thể khiến dị vật bị đẩy vào sâu bên trong.

– Không nên hít thở mạnh mà hãy hít thở bằng miệng để tránh tình trạng dị vật bị hít vào sâu hơn.

– Không bóp mũi để kiểm tra dị vật mà có thể dùng đèn pin để soi, nếu dị vật ở sâu bên trong thì không nên chọc ngoáy dị vật bằng các vật sắc nhọn.

– Nếu dị vật có kích thước nhỏ và nằm ở vị trí bên ngoài, dễ nhìn thấy thì có thể xì mũi nhẹ để kích thích dị vật được đẩy ra ngoài.

– Nếu xì mũi nhẹ mà không loại bỏ được dị vật thì không nên cố xì mũi mạnh để tránh làm tổn thương niêm mạc mũi.

– Mọi người nên tới ngay các cơ sở y tế để bác sĩ xử trí kịp thời, bảo toàn sức khỏe mũi họng tối ưu.

4. Xử trí lấy dị vật mũi

Phần lớn trường hợp dị vật trong mũi không nghiêm trọng và có thể lấy dị vật một cách dễ dàng. Tuy nhiên, một số vật có cạnh sắc nhọn có thể làm trầy xước niêm mạc, một số dị vật có thể di chuyển xuống họng khi hít thở, dị vật như pin có thể làm loét, thủng vách ngăn mũi… nên cần được chủ động thăm khám và xử trí kịp thời.

Việc đầu tiên bác sĩ cần làm là sẽ kiểm tra vị trí bị mắc dị vật ở trong mũi của mọi người. Sau khi kiểm tra, bác sĩ sẽ đánh giá mức độ tổn thương ở mũi do dị vật và đưa ra phương án xử trí cho từng trường hợp cụ thể.

Hiện nay, sử dụng nhíp là cách thường được áp dụng để xử trí dị vật mắc vào trong mũi. Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể dùng máy hút dị vật ra cho người bệnh. Nếu dị vật là côn trùng, bác sĩ bơm dầu khoáng để côn trùng bị chết ngộp rồi dùng nhíp gắp ra…

Trường hợp dị vật bị vướng vào sâu bên trong cấu trúc mũi mà không thể nhìn thấy bằng mắt thường thì cần tới sự hỗ trợ của thiết bị nội soi để bác sĩ xử lý dị vật.

Sau khi gắp dị vật ra ngoài, bác sĩ sẽ sát khuẩn và kê đơn thuốc nhỏ mũi để ngăn ngừa viêm nhiễm, giúp vết trầy xước nhanh lành hơn.

Bác sĩ gắp dị vật trong mũi ra cho bệnh nhân

Bác sĩ gắp dị vật trong mũi ra cho bệnh nhân

5. Phòng ngừa mắc dị vật

Để ngăn ngừa nguy cơ mắc dị vật, mọi người nên xây dựng chế độ sinh hoạt khoa học, đặc biệt là trong chế độ chăm sóc trẻ nhỏ:

– Quan sát trong lúc trẻ vui chơi để kịp thời ngăn chặn hành động cho đồ vật lên miệng, mũi của trẻ.

– Không sử dụng đồ chơi, đồ ăn có kích thước quá bé vì trẻ có thể cho vào miệng, mũi để nghịch.

– Chế biến thức ăn kỹ lưỡng, hạn chế để thực phẩm có kích thước quá lớn, đặc biệt là đồ ăn của trẻ nhỏ.

– Chú ý và tập trung khi ăn uống, hạn chế nói chuyện, cười đùa khi đang ăn cơm.

– Sử dụng khẩu trang khi ra ngoài hoặc khi làm việc để tránh bụi bẩn, dị vật bắn vào trong mũi.

– Không nằm ngủ ở gần đất, những nơi ẩm thấp vì côn trùng dễ bò vào mũi.

– Vệ sinh không gian nhà ở sạch sẽ, gọn gàng có thể hạn chế bụi bẩn, côn trùng tấn công.

– Vệ sinh mũi đúng cách để phát hiện sớm dị vật và chủ động thăm khám, xử trí kịp thời.

Mắc dị vật trong mũi cần được phát hiện và xử trí sớm để ngăn ngừa nguy cơ thủng vách ngăn, cản trở quá trình hô hấp… Mọi người nên chủ động đi khám để được bác sĩ xử trí dị vật nhanh chóng và xây dựng chế độ sinh hoạt, bảo vệ tai mũi họng đúng cách.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital