Trước đây, đột quỵ chủ yếu xảy ra ở những người trên 65 tuổi. Tuy nhiên căn bệnh này ngày càng trẻ hóa, xuất hiện nhiều ở độ tuổi dưới 45 tuổi. Nguyên nhân nào khiến nguy cơ đột quỵ ở người trẻ gia tăng và làm sao để phòng tránh?
Menu xem nhanh:
1. Sự trẻ hóa của bệnh đột quỵ
Đột quỵ là một biến cố thần kinh nguy hiểm xảy ra khi não không nhận đủ oxy và chất dinh dưỡng. Nguyên nhân có thể do mạch máu não bị tắc nghẽn bởi sự xuất hiện của mảng xơ vữa, cục máu đông hoặc mạch máu não bị vỡ đột ngột. Điều này khiến các tế bào não tổn thương, thậm chí chết đi, gây ảnh hưởng đến hoạt động của não và nhiều cơ quan do não điều khiển. Người bệnh có nguy cơ tử vong cao hoặc gặp phải nhiều biến chứng nguy hiểm. Các nghiên cứu cho thấy 71% những người sau đột quỵ sẽ mất/giảm sức lao động.
Trước đây, căn bệnh này thường xảy ra ở những người người trung niên và cao tuổi. Tuy nhiên, càng ngày đột quỵ càng xuất hiện nhiều ở người trẻ (dưới 45). Thậm chí, không ít trường hợp chỉ mới 20 – 30 tuổi đã có thể bị đột quỵ.
Theo thống kê của Hội Đột quỵ Thế giới, năm 2022 thế giới có 12,2 triệu ca đột quỵ não mới. Trong đó khoảng hơn 16% trường hợp nằm trong độ tuổi 15 – 49 tuổi. Trong 6,5 triệu trường hợp tử vong do đột quỵ mỗi năm thì khoảng 6% là người trẻ tuổi. Tại Việt Nam, các báo cáo của Bộ Y tế cho thấy tỷ lệ người trẻ và người trung niên bị đột quỵ chiếm đến 1/3 tổng số các trường hợp đột quỵ. Tỷ lệ đột quỵ ở người trẻ tuổi tăng 2% mỗi năm.
2. Các yếu tố nào khiến nguy cơ đột quỵ ở người trẻ gia tăng?
Có nhiều nguyên nhân và yếu tố nguy cơ thúc đẩy đột quỵ xảy ra. Ở người trẻ tuổi, nguyên nhân gây đột quỵ thường liên quan đến các bệnh lý bẩm sinh và thói quen thiếu lành mạnh. Cụ thể:
2.1 Chế độ dinh dưỡng thiếu khoa học làm gia tăng nguy cơ đột quỵ ở người trẻ
Cuộc sống hiện đại khiến những bữa ăn cũng trở nên gấp gáp hơn. Thời gian nấu nướng đã nhường chỗ cho công việc hay những thú vui riêng. Thay vào đó người trẻ ăn đồ ăn nhanh, các thực phẩm chế biến sẵn, đồ muối chua, ăn ít hoa quả và rau xanh,… Các thực phẩm này thường giàu chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa, làm tăng nguy cơ hình thành xơ vữa động mạch và cục máu đông.
2.2 Lười vận động
Lười vận động là tình trạng thường gặp ở người trẻ. Điều này có thể gây tích tụ mỡ thừa – một trong những yếu tố làm gia tăng sự hình thành các mảng xơ vữa và huyết khối, tiềm ẩn nguy cơ đột quỵ.
2.3 Nguy cơ đột quỵ ở người trẻ gia tăng do căng thẳng thường xuyên
Đây là một tình trạng rất phổ biến ở những người trẻ tuổi. Căng thẳng ở người trẻ có thể do áp lực từ công việc, nỗi lo về kinh tế. Căng thẳng có thể gây tăng huyết áp, làm tổn thương mạch máu và các tế bào não, làm gia tăng nguy cơ đột quỵ.
2.4 Bệnh lý di truyền hoặc tổn thương dị dạng mạch máu não
Đột quỵ ở người trẻ có thể liên quan đến các bệnh lý bẩm sinh hoặc dị dạng mạch máu não. Nhiều trường hợp người bệnh mắc các bệnh này ngay từ khi còn nhỏ. Tuy nhiên các biểu hiện lâm sàng không rõ ràng có thể khiến người bệnh chủ quan không thăm khám sớm, dẫn tới phát hiện bệnh muộn. Thậm chí, có những trường hợp chỉ sau khi đột quỵ, người bệnh được chụp mạch máu não mới phát hiện ra nguyên nhân này.
2.5 Sự trẻ hóa của các bệnh lý
Tim mạch, huyết áp, tiểu đường… là các bệnh lý nguy cơ quan trọng dẫn đến đột quỵ. Hiện nay các bệnh lý này cũng có xu hướng trẻ hóa do lối sống kém lành mạnh và các yếu tố di truyền, môi trường… Do vậy, bệnh đột quỵ cũng có xu hướng trẻ hóa.
Theo các chuyên gia Nội thần kinh, đột quỵ ở người trẻ thường gặp nhất là tình trạng xuất huyết não do tăng huyết áp, dị dạng mạch máu não, vỡ túi phình. Tình trạng phát hiện tăng huyết áp muộn hoặc không tuân thủ điều trị tăng huyết áp ở người trẻ có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ ở những người này.
3. Người trẻ nên làm gì để hạn chế nguy cơ đột quỵ?
Bị đột quỵ từ khi còn trẻ khiến đội ngũ lao động chính của xã hội phải đối mặt với nguy cơ giảm khả năng học tập, làm việc và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Để phòng ngừa đột quỵ, trước hết người trẻ cần thay đổi lối sống lành mạnh. Bên cạnh đó tầm soát để kiểm soát các yếu tố nguy cơ gây đột quỵ.
3.1 Thay đổi lối sống giúp giảm nguy cơ đột quỵ ở người trẻ
Các biện pháp thay đổi lối sống nhằm phòng tránh đột quỵ:
– Thực hiện ăn uống lành mạnh, hạn chế ăn muối, đồ ăn nhiều chất béo.
– Tăng cường vận động thể chất giúp nâng cao sức khỏe và giải tỏa tinh thần, đẩy lùi stress, căng thẳng trong cuộc sống.
– Kiểm soát trọng lượng cơ thể, giữ cân năng hợp lý, tránh tình trạng thừa cân béo phì.
– Không lạm dụng các chất kích thích như rượu bia, thuốc lá, thuốc lào,…
3.2 Phát hiện sớm và kiểm soát các bệnh lý làm tăng nguy cơ ở người trẻ
Nếu đang có các bệnh lý tim mạch, huyết áp, tiểu đường, mỡ máu,… bạn cần tuân thủ sử dụng thuốc dự phòng đột quỵ theo chỉ định của bác sĩ. Đồng thời, thăm khám để kiểm tra và kiểm soát tốt các chỉ số và xử trí kịp thời khi có bất thường.
Ngay cả khi không có các biểu hiện bất thường, người trẻ cũng không nên chủ quan. Cần khám tầm soát đột quỵ sớm để phát hiện kịp thời các yếu tố nguy cơ nếu có và kiểm soát một cách hiệu quả, tránh những diễn tiến nguy hiểm.
Trên đây là những thông tin về nguy cơ đột quỵ ở người trẻ cùng với nguyên nhân và cách phòng tránh hiệu quả. Việc chủ động tầm soát đột quỵ sớm là “chìa khóa” giúp ngăn đột quỵ “tấn công” người trẻ. Nếu có bất cứ thắc mắc nào về bệnh đột quỵ hoặc có nhu cầu thăm khám, người bệnh vui lòng liên hệ 1900 55 88 92 để được tư vấn và hỗ trợ sớm.