Những ngày qua, Khoa Nhi – Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc tiếp nhận rất nhiều trường hợp trẻ bị sốt xuất huyết, thường trong độ tuổi 5 – 15 tuổi. Sốt xuất huyết ở trẻ em là bệnh lý nguy hiểm, có thể dẫn tới những biến chứng nghiêm trọng, thậm chí tử vong nếu trẻ không được thăm khám và điều trị sớm.
Menu xem nhanh:
1. Dấu hiệu sốt xuất huyết ở trẻ em rất dễ bị nhầm lẫn
Bé Đan Nhi, 11 tuổi, Hà Nội có dấu hiệu sốt đã 3 ngày không cắt sốt. Ngoài ra, bé không có thêm triệu chứng nào, nên phụ huynh chủ quan không nghĩ tới sốt xuất huyết. Đến ngày thứ 4, bé vẫn tiếp tục sốt. Lúc này, gia đình mới lo lắng và đưa đi khám tại Khoa Nhi – Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc thì được chẩn đoán sốt xuất huyết.
Tương tự, nằm viện tại Khoa Nhi – bệnh viện ĐKQT Thu Cúc, bố bé Gia Hưng, 7 tuổi cho biết: “Cháu có dấu hiệu sốt cao liên tục, đau mỏi toàn thân và buồn nôn, đi ngoài phân lỏng. Mình nghĩ rằng có thể con bị sốt virus chứ không nghĩ tới sốt xuất huyết vì không thấy có các vết ban đỏ. Sau khi vào viện, cháu được chỉ định làm xét nghiệm thì mới biết bị bệnh và tới ngày thứ 4 mới thấy nổi các vết đỏ”.
Bác sĩ Trần Thanh Hà, bác sĩ Nhi – Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc, người đã tiếp nhận điều trị cho nhiều trẻ sốt xuất huyết trong thời gian gần đây chia sẻ, rất nhiều phụ huynh cứ nghĩ rằng xuất huyết dưới da mới là sốt xuất huyết, nhưng thực tế đó là dấu hiệu muộn hơn – khi trẻ bước vào giai đoạn nguy hiểm. Các triệu chứng ban đầu của sốt xuất huyết đó là: sốt cao liên tục (từ 39-40 độ), đau nhức đầu, đau mỏi người, mệt mỏi, chán ăn, đau nhức 2 hốc mắt…
Ở giai đoạn tiếp theo, tức là giai đoạn nguy hiểm, đó là khoảng ngày thứ 3 – 4 trở đi, lúc này trẻ có thể còn sốt hoặc đã thuyên giảm, lúc này trẻ bắt đầu có dấu hiệu tăng tính thấm thành mạch, gây ra các biểu hiện thoát huyết tương. Các triệu chứng ở giai đoạn này bao gồm: tụt huyết áp, giảm tiểu cầu, chảy máu cam, xuất huyết dưới da, đi ngoài phân lỏng 2-3 lần/ngày, trẻ lờ đờ, mệt mỏi…
Nguy hiểm hơn, trẻ có một số dấu hiệu nghiêm trọng như: sưng nề mi mắt, tràn dịch màng bụng, màng phổi…
2. Biến chứng sốt xuất huyết ở trẻ em nguy hiểm hơn người lớn
Bác sĩ Hà cho biết, sốt xuất huyết là bệnh nguy hiểm, có thể dẫn tới các biến chứng nghiêm trọng, thậm chí tử vong nếu trẻ không được thăm khám, theo dõi và điều trị sớm và đúng cách. Đặc biệt, sốt xuất huyết ở trẻ em thường nặng và nghiêm trọng hơn người lớn, do trẻ có nguy cơ rơi vào tình trạng sốc, tái sốc hơn người lớn.
Thêm vào đó, do ở giai đoạn đầu, trẻ đa phần chỉ có biểu hiện sốt nên phụ huynh dễ chủ quan, chưa cho trẻ thăm khám ngay, khiến trẻ dễ bị nặng mới được điều trị.
Ở người lớn, biến chứng sốt xuất huyết thường gặp là giảm tiểu cầu. Tuy nhiên ở trẻ, biến chứng hay gặp nhất là sốc, dẫn tới nguy cơ suy nội tạng và tử vong.
Việc tự ý điều trị tại nhà cũng góp phần làm cho trẻ không được chăm sóc đúng cách và kịp thời, dễ dẫn tới các biến chứng nguy hiểm.
Một số biến chứng nếu không được theo dõi và điều trị như:
– Suy tim, suy thận
– Sốc do mất máu
– Xuất huyết nội tạng, xuất huyết tiêu hoá
– Xuất huyết não gây co giật, hôn mê
– Tràn dịch màng phổi
– Thậm chí tử vong
3. Điều trị sốt xuất huyết: Tuyệt đối không nên tự ý điều trị tại nhà
Bác sĩ Hà cho biết, trẻ sốt xuất huyết cần thăm khám và tư vấn điều trị với bác sĩ chuyên khoa. Tuỳ từng trường hợp, trẻ có được điều trị ngoại trú hoặc nội trú.
Trường hợp trẻ có thể điều trị ngoại trú đó là: trẻ sốt dưới 39-40 độ, không có thêm các dấu hiệu khác, trẻ tỉnh táo, có người chăm sóc và theo dõi tại nhà, nhà gần bệnh viện và có điều kiện thăm khám lại khi cần thiết.
Trẻ cần nhập viện ngay nếu:
– Sốt cao trên 40 độ C
– Trẻ nhỏ
– Trẻ có vấn đề về miễn dịch
– Nhà ở xa bệnh viện
Trẻ thường bị sốt 3-4 ngày đầu, mệt 2 – 3 ngày tiếp theo, thường mệt lả đi, huyết áp thấp. Do đó, thời gian trung bình trẻ cần nằm viện 5-7 ngày. Khi nào trẻ hạ sốt, tỉnh táo và ăn uống bình thường thì được ra viện.
Tại Khoa Nhi, Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc, những trẻ lưu viện sẽ được bác sĩ theo dõi, thăm khám sức khỏe hàng ngày và đo huyết áp thường xuyên để theo dõi đề phòng tụt huyết áp do sốt xuất huyết. Bên cạnh đó, bệnh nhi được truyền dịch, hạ sốt, bù điện giải bằng Oresol, bổ sung Vitamin C giúp tăng cường sức đề kháng. Trẻ bị sốt xuất huyết thường rất mệt mỏi, chán ăn, do đó, Khoa Nhi – Bệnh viện Thu Cúc xây dựng những thực đơn riêng ngon miệng, giàu dinh dưỡng, dễ tiêu hoá, và phù hợp với thể trạng của các bé.
Bác sĩ Hà cho biết, hầu hết trẻ có thể xuất viện sau khoảng 5-7 ngày, khi trẻ cắt sốt hoàn toàn, tỉnh táo, ăn uống tốt, tiêu hoá bình thường.
4. Mùa dịch sốt xuất huyết ở trẻ em: Cha mẹ cần làm gì để bảo vệ con?
Như chúng ta đã biết, sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm do vi rút Dengue gây ra. Do vậy, để phòng sốt xuất huyết cho trẻ em và các thành viên trong gia đình thì trước hết bạn cần diệt muỗi, bọ gậy, loăng quăng tại môi trường xung quanh nơi chúng ta ở và sinh hoạt. Không có bọ gậy, lăng quăng và muỗi sẽ không có sốt xuất huyết.
– Muỗi thường đẻ trứng tại nơi có nước đọng, vì vậy phụ huynh nên loại bỏ những nơi trú ẩn và đẻ trứng của chúng.
– Phun hóa chất diệt muỗi định kỳ nơi ở, và khu dân cư xung quanh để diệt muỗi. Nên phun vào đầu mùa mưa và cuối mùa mưa để mang lại hiệu quả cao.
– Ngoài ra để phòng tránh muỗi đốt cho trẻ, phụ huynh nên cho bé ngủ màn, mặc quần áo dài tay, dùng hương muỗi, kem chống muỗi, hoặc dùng đèn xông tinh dầu đuổi muỗi…
– Đặc biệt lưu ý hơn, những người bị sốt xuất huyết cần phải nằm màn, đề phòng muỗi đốt lây lan bệnh cho những người khác.
Khoa Nhi – Hệ thống Y tế Thu Cúc TCI là địa chỉ thăm khám tin cậy cho trẻ, được hàng ngàn phụ huynh lựa chọn bởi tại đây quy tụ đội ngũ bác sĩ Nhi giàu kinh nghiệm và tận tâm với trẻ; hệ thống máy móc, xét nghiệm hiện đại như hệ thống xét nghiệm Robot tự động Power Express – Hoa Kỳ, cho kết quả nhanh chóng và chính xác; Hệ thống phòng lưu viện hiện đại, tiện nghi, hỗ trợ chăm sóc trẻ 24/24, giúp ba mẹ an tâm tuyệt đối.