Cảnh báo: Dị vật đường mũi có thể trở thành dị vật đường thở

Tham vấn bác sĩ
Thạc sĩ, Bác sĩ

Đinh Văn Luân

Bác sĩ Tai Mũi Họng

Dị vật đường mũi thường xảy ra ở trẻ nhưng cũng có thể xuất hiện ở người lớn trong nhiều tình huống. Nếu không được xử lý đúng cách, đúng thời điểm, dị vật mũi có thể gây những bất tiện nhất định cho người bệnh, kèm theo đó là nguy cơ trở thành dị vật đường thở.

1. Dị vật đường mũi có thể khó nhận biết với nhiều trường hợp

1.1. Nhận biết

Dị vật mũi rất đa dạng. Đó có thể là mẩu đồ chơi, mảnh ghép, viên bi, viên xúc xắc; cùng có thể là những đồ vật ngay trong nhà như pin, cúc áo, bộ phận của đồ vật,… hoặc bất cứ vật gì trong tầm với của trẻ. Dị vật mũi cũng có thể là thức ăn, mẩu giấy, khăn giấy, bông gòn, túi nilon,… Trong một số tình huống bơi lội, di chuyển trên đường hoặc khi ngủ, dị vật mũi có thể là động vật sống. Những trường hợp này cần được đưa đến các cơ sở y tế để được giải quyết nhanh nhất với phương pháp phù hợp.

Dị vật đường mũi dễ nhận biết

Dị vật đường mũi dễ nhận biết

Cảm giác ngứa cộm, tức mũi là những dấu hiệu khá điển hình và dễ nhận ra khi người bệnh gặp tình trạng dị vật trong mũi. Điều này khiến vấn đề dụi mũi ở bệnh nhân dị vật đường mũi rất phổ biến. Bên cạnh đó, dị vật mũi thường gây hiện tượng chảy dịch mũi từ bên cánh mũi có chứa dị vật. Dịch mũi trong, lỏng, nhưng theo thời gian dị vật trong mũi có thể đặc và có màu, thậm chí là có mùi và máu nếu trong mũi hình thành viêm nhiễm. Nếu dị vật sắc nhọn đâm vào niêm mạc mũi thì bệnh nhân có thể bị chảy máu mũi kèm trong dịch nhầy.

Trong tình huống dị vật lớn, choán hết cánh mũi, bệnh nhân có thể kèm thấy khó thở, thở khò khè. Khi ngủ, ở bệnh nhân dễ xuất hiện tình trạng thở bằng miệng hoặc tiếng thở rất rõ ràng, giống như ngủ ngáy.

1.2. Khó phát hiện dị vật mũi ở trẻ

Chúng ta có thể dễ dàng nhận ra tình trạng mũi bị dị vật ngay khi có dị vật tiến vào. Tuy nhiên, với trẻ em bị dị vật mũi thì khác. Trẻ chưa thể giao tiếp nên không thể hiện được những vấn đề của bản thân. Bên cạnh đó, với những trẻ lớn hơn, trẻ đã có ý thức thì lại đang độ tuổi mải chơi, rất dễ dàng làm xảy ra tình trạng dị vật mũi bỏ quên. Đây cũng là một vấn đề nan giải mà các bác sĩ tai mũi họng luôn cảnh giác với cha mẹ.

Điều này thực sự nguy hiểm vì dị vật mũi có thể rơi xuống khu vực hầu họng và phổi, trở thành dị vật đường thở, có nguy cơ gây bít tắc đường thở, gây hụt hơi, khó thở, thậm chí là ngưng thở. Chính vì thế, cha mẹ cần chú ý khi trẻ có những dấu hiệu dị vật mũi, sớm kiểm tra và cho trẻ xử lý đúng cách.

Nghi ngờ dị vật mũi nếu trẻ có những biểu hiện như: dụi mũi, ngoáy mũi hay nhăn mũi bất thường; chảy dịch mũi; chảy máu mũi; thở có tiếng;… Với những trẻ nhỏ, việc đưa trẻ đến các cơ sở y tế nhanh là cần thiết. Bên cạnh đó, với trẻ lớn, bố mẹ có thể hướng dẫn trẻ xử lý đúng cách trong tình huống dị vật mũi không quá phức tạp.

2. Nhiều nguy cơ khi bị dị vật mũi

Di vật mũi thường gây khó chịu cho bệnh nhân. Bên cạnh đó, nhiều dị vật mũi như pin cúc, đồ liên quan đến điện tử,… có thể gây viêm nhiễm và nguy hiểm với sức khỏe trong thời gian ngắn. Các dị vật mũi bỏ quên và để lâu trong mũi cũng trở thành mối đe dọa nhiễm trùng khu vực mũi. Đó còn là chưa kể tình trạng dị vật sắc nhọn gây đau và chảy máu.

Như đã nói trên, dị vật mũi có thể trở thành dị vật đường thở khi rơi xuống khu vực đường thở. Dị vật có thể gây viêm nhiễm trong khu vực đường thở, gây các vấn đề nghiêm trọng như viêm phế quản, áp xe thanh quản, viêm phổi, xẹp phổi,… Đây cũng là một trong những vấn đề có thể gây nguy hiểm cho bệnh nhân với tình trạng bít tắc đường thở, khó thở, thậm chí là nguy cơ ngưng thở. Chính vì thế, không thể không đề phòng hiện tượng dị vật mũi.

Dị vật đường mũi có thể gây nhiều nguy hiểm

Dị vật đường mũi có thể gây nhiều nguy hiểm

3. Xử lý như thế nào với tình trạng dị vật mũi?

3.1. Xử trí đúng cách

Cần bình tĩnh khi gặp tình trạng dị vật mũi, nhất là với trẻ em. Tốt nhất, người lớn không được quát mắng trẻ mà hãy giúp trẻ bình tĩnh để có thể bảo đảm dị vật mũi trẻ không bị sâu vào trong hốc mũi hơn. Nhiều trường hợp trẻ hoảng hốt, khóc nhiều và sịt mũi mạnh có thể khiến dị vật mắc vào trong hốc mũi, thậm chí là xuống luôn đường họng, bỏ mất cơ hội có thể xử lý nhanh dị vật mũi tại nhà.

Với các dị vật nhỏ, không lấp đầy cánh mũi, chúng ta có thể nhìn thấy từ ngoài, bệnh nhân có thể thử xì mũi mạnh để đẩy dị vật ra ngoài. Chú ý rằng, khi xì mũi, không nên hít hơi quá mạnh khiến dị vật bị hút sâu vào bên trong.

Với các dị vật như khăn giấy, bông, nilon,… mà chúng ta có thể quan sát thấy ngay từ bên ngoài, không quá sâu trong hốc mũi, chưa bị bó lại do dịch mũi, có thể sử dụng nhíp nhỏ để gắp dị vật ra ngoài một cách nhẹ nhàng.

Trong các tình huống dị vật trơn lấp khoang mũi, dị vật sâu trong hốc mũi, dị vật là động vật hay dị vật mũi ở trẻ em chưa có ý thức, dị vật gây viêm nhiễm, chảy máu,… cần đến sớm các cơ sở tai mũi họng để được xử lý đúng cách.

dị vật đường mũi

Thăm khám bác sĩ để gắp dị vật mũi

3.2. Tránh những sai lầm khi lấy dị vật trong đường mũi

Dị vật trong mũi rất dễ được xử lý sai cách khi điều trị tại nhà:

– Dùng tăm bông để ngoáy dị vật mũi, khiến tăng nguy cơ dị vật chui sâu vào trong hơn, hoặc thậm chí là tăm bông bị giữ lại trong mũi, trở thành một dị vật mũi.

– Hướng dẫn trẻ chưa có khả năng nhận thức hít thở đúng cách xì mũi đẩy dị vật, có thể khiến trẻ hít dị vật vào sâu bên trong.

– Dùng tay để ngoáy mũi và khiến cho dị vật càng bị đẩy vào trong,gây phức tạp cho việc điều trị về sau.

– Cố kéo các dị vật bị đóng khô trong mũi trong khi chưa dùng các loại thuốc làm lỏng/tan dịch nhầy.

– Dị vật là vật sống nhưng không được đưa ngay đến bệnh viện hoặc các cơ sở y khoa để được xử lý.

– Không đi khám bác sĩ trong tình huống dị vật gây chảy máu hay viêm nhiễm.

– Để dị vật quá lâu trong mũi mà không có biện pháp lấy dị vật ra ngoài

Những cách làm trên đều là những nguy cơ khiến dị vật mũi phức tạp và nguy hiểm hơn. Với dị vật đường mũi không thể tự lấy, tốt nhất, bệnh nhân nên gặp các bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng để được xử lý an toàn và chăm sóc sau lấy dị vật phù hợp, phòng ngừa những biến chứng mà dị vật đã gây nên.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital