Hội chứng lỵ ở trẻ em là mối lo ngại của nhiều bậc phụ huynh bởi bệnh khiến trẻ phải đi ngoài nhiều lần gây mệt mỏi, kiệt sức. Thấu hiểu nỗi lo đó, bài viết sau đây sẽ mang tới những thông tin tổng quan về hội chứng lỵ và nguyên tắc điều trị đúng cách, giúp cha mẹ chủ động phòng tránh và điều trị khi trẻ không may mắc bệnh.
Menu xem nhanh:
1. Hội chứng lỵ ở trẻ là gì?
Hội chứng lỵ là tình trạng trẻ bị nhiễm trùng đường ruột cấp tính với các biểu hiện thường thấy như là đi đại tiện nhiều lần liên tục kèm dịch nhầy và máu trong phân. Một số trường hợp đặc biệt không biểu hiện thành triệu chứng ở người bệnh. Bệnh lý xuất hiện ở mọi độ tuổi nhưng thường thấy nhất là ở trẻ em. Trẻ nhỏ là đối tượng dễ mắc bệnh và có thể xuất hiện biến chứng nếu không được điều trị đúng cách.
2. Biểu hiện của hội chứng lỵ ở trẻ em
Trẻ sẽ phát bệnh sau khoảng từ 1-7 ngày ủ bệnh. Biểu hiện của hội chứng lỵ ở trẻ mà cha mẹ có thể nhận thấy là:
– Trẻ mắc hội chứng lỵ xuất hiện tình trạng đi đại tiện nhiều lần, không thể rời bồn cầu vì lúc nào cũng muốn đi ngoài;
– Đau bụng, ban đầu đau quanh rốn sau đó lan ra khắp bụng và đau hố chậu trái;
– Bụng quặn đau khiến trẻ luôn muốn đi đại tiện;
– Phân ít, dạng lỏng lẫn với dịch nhầy, máu tươi và cả bọt hơi;
– Trẻ thường quấy khóc nhiều trước khi đi đại tiện. Sau khi đi vệ sinh xong, hiện tượng đau bụng giảm nên trẻ khóc ít hơn;
– Trẻ buồn nôn và muốn nôn nhiều lần trong ngày;
– Triệu chứng đi ngoài liên tục kèm nôn mửa khiến bé nhanh mất nước;
– Người mệt mỏi, mất sức, lờ đờ, đứng ngồi không vững…
Nếu không được điều trị đúng cách, bệnh lỵ có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm cho bé như: Thủng ruột, xuất huyết tiêu hóa, viêm loét đại tràng sau lỵ, lồng ruột, viêm ruột thừa… thậm chí là tử vong.
3. Trẻ bị hội chứng lỵ do đâu?
Các nhà khoa học tìm ra nguyên nhân gây nên hội chứng lỵ ở trẻ là do:
– Trực khuẩn ngắn, bất động thuộc nhóm Shigella như Shigella Amigua, Paradystenteria…
– Khuẩn Amip: Loại vi khuẩn gây ra nhiều loại bệnh về đường tiêu hoá như tiêu chảy, kiết lỵ ở trẻ.
Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ là đối tượng rất dễ mắc các bệnh về đường tiêu hoá, đặc biệt là hội chứng lỵ. Hệ tiêu hoá và lợi khuẩn đường ruột của các bé vẫn còn trong giai đoạn hoàn thiện, chưa kể, hệ thống miễn dịch của trẻ còn non nớt, cho nên vi khuẩn và tác nhân có hại dễ dàng xâm nhập gây nên tình trạng viêm, rối loạn tiêu hoá.
4. Nguồn lây và phương thức lây nhiễm hội chứng lỵ
– Ổ chứa: Ký chủ chính và quan trọng nhất là người.
– Thời gian ủ bệnh: Khoảng 12-72 giờ (trung bình từ 1-5 ngày).
– Thời kỳ lây truyền: Trong suốt thời gian nhiễm khuẩn cấp tính và có thể kéo dài khoảng 4 tuần sau khi người bệnh khỏi bệnh.
Chứng bệnh này chủ yếu lây lan ở những người tiếp xúc trực tiếp với người nhiễm bệnh ở nhà, bệnh viện, nơi công cộng… Ngoài ra, bệnh có thể lây do tiếp xúc với những nơi chứa mầm bệnh như:
– Thực phẩm có chứa vi khuẩn;
– Nước bẩn, nước ô nhiễm;
– Đồ dùng có chứa nguồn bệnh;
– Quần áo, đồ lót của người nhiễm bệnh;
– Côn trùng, động vật mang mầm bệnh lỵ;
Do đó, những khu vực ẩm thấp, thiếu nước sạch, vệ sinh môi trường không đảm bảo có tỷ lệ trẻ nhiễm bệnh cao. Bệnh có thể bùng phát thành dịch, đe dọa tới sức khoẻ của trẻ em.
5. Nguyên tắc điều trị hội chứng lỵ ở trẻ
5.1. Điều trị thể nhẹ
– Nguyên tắc điều trị trẻ mắc hội chứng lỵ là cho trẻ nghỉ ngơi nhiều và bổ sung nước, điện giải để tránh tình trạng mất nước.
– Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể chỉ định một số loại thuốc giảm triệu chứng tiêu chảy, chuột rút cho bé.
– Lưu ý với cha mẹ có con mắc hội chứng lỵ là không nên cho con uống các loại thuốc làm chậm đường ruột vì chúng có thể khiến tình trạng bệnh nặng thêm.
5.2. Điều trị thể nặng
– Sử dụng kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ với loại thuốc, liều lượng phụ thuộc vào tình trạng bệnh của từng trẻ.
– Nếu vi khuẩn không kháng thuốc, bác sĩ có thể kê Ampicilline với liều lượng 100mg/kg/ngày, chia 4 lần, trong 5 ngày cho trẻ.
– Nếu vi khuẩn kháng thuốc, bác sĩ có thể kê Ciprofloxacine, Pefloxacine hoặc Ofloxacin trẻ trẻ bị bệnh.
– Bệnh lỵ do Amip được điều trị bằng các loại thuốc tiêu diệt ký sinh trùng như Metronidazole hoặc Tinidazole.
– Bồi hoàn nước điện giải bằng dung dịch oresol (ORS) uống sớm, hoặc dịch truyền nếu mất nước điện giải nặng.
– Không có chỉ định sử dụng một số loại thuốc thuốc làm giảm nhu động ruột như paregoric, diphenoxylate vì có thể kéo dài thời gian bệnh và làm chậm thải loại vi khuẩn ở trẻ.
6. Các biện pháp phòng hội chứng lỵ ở trẻ em
– Nuôi con bằng sữa mẹ để bé khoẻ mạnh, sức đề kháng tốt.
– Vệ sinh cá nhân đúng cách, thường xuyên cả ở cha mẹ lẫn con trẻ;
– Khuyến cáo uống nước đun sôi để nguội, nước được khử khuẩn.
– Kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm, đặc biệt là thực phẩm cho trẻ.
– Bảo vệ, lọc, clo hóa nguồn nước sinh hoạt trong gia đình.
– Giữ vệ sinh khu vực nhà tắm, toilet.
– Thường xuyên diệt ruồi, xử lý rác thải để tránh tạo môi trường cho côn trùng, vi khuẩn sinh sôi.
Hội chứng lỵ ở trẻ em có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm nếu không được phòng và điều trị đúng cách. Do đó, cha mẹ nên trang bị cho mình những kiến thức hữu ích để bảo vệ con khỏi các tác nhân gây hại.