Bệnh chân tay miệng gây ra bởi virus và hiện không có thuốc đặc trị. Cách chữa tay chân miệng chủ yếu là điều trị những triệu chứng và ngăn cản tối đa biến chứng bệnh. Làm sao để trẻ nhanh khỏi và ít khả năng mắc lại? Cùng theo dõi những thông tin về bệnh chân tay miệng trong bài viết dưới đây.
Menu xem nhanh:
1. Đôi nét cần biết về bệnh tay chân miệng
1.1. Khái niệm bệnh
Bệnh tay chân miệng là một bệnh truyền nhiễm với tác nhân gây bệnh là virus đường ruột. Có 2 họ thường gặp nhất của bệnh là A16 và EV71. Trong đó nhóm A16 thường gặp hơn, còn EV71 tuy ít gặp hơn nhưng lại gây ra nhiều biến chứng nặng nề hơn.
Nhóm virus này khiến cho nhiều trường hợp bị biến chứng nặng, thậm chí có thể tử vong, đa phần ở nhóm tuổi dưới 3 tuổi.
1.2. Nguyên nhân khiến trẻ bị mắc bệnh tay chân miệng
Theo các bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Thu Cúc TCI, bệnh tay chân miệng thường gặp nhất ở trẻ sơ sinh và trẻ dưới 5 tuổi, hiếm khi gặp ở người trưởng thành. Bệnh có thể xảy ra ở bất kỳ thời gian nào trong năm nhưng sẽ bùng mạnh nhất vào tháng 2- tháng 4 và từ tháng 9- tháng 12.
Những loại virus gây ra bệnh tay chân miệng tồn tại trong đường ruột của trẻ và có khả năng lây truyền sang cho người khác. Con đường truyền nhiễm của bệnh là lây qua đường nước bọt, chất dịch từ nốt bọng nước, giọt bắn khi ho, hắt hơi hoặc chất nôn của trẻ bị bệnh.
1.3. Những giai đoạn phát triển của trẻ bị bệnh tay chân miệng
– Giai đoạn 1: ủ bệnh. Giai đoạn này thường rất khó nhận biết vì thông thường trẻ sẽ không có biểu hiện nào của bệnh.
– Giai đoạn 2: khởi phát. Sẽ diễn ra trong 1 đến 2 ngày sau đó. Thời điểm này trẻ sẽ có một số dấu hiệu như quấy khóc, bỏ ăn, chán ăn, sốt nhẹ, đau họng…
– Giai đoạn 3: toàn phát. Giai đoạn này sẽ kéo dài từ 3 cho đến 10 ngày, các triệu chứng bệnh cũng trở nên rõ ràng hơn. Trong đó có những biểu hiện điển hình của bệnh là loét miệng và vùng chân tay nổi ban nốt đỏ có nước.
Những vết loét ở miệng có thể vỡ ra và khiến cho trẻ cảm thấy đau đớn nên biếng ăn, chán ăn và bỏ ăn. Những nốt khác trên người nếu không bị vỡ ra và nhiễm trùng thì không làm cho trẻ bị đau đớn và sau khi khỏi bệnh trẻ cũng không bị để lại sẹo.
Đây là giai đoạn có thể xuất hiện những biến chứng bệnh về hô hấp, thần kinh và tim mạch. Cha mẹ cần theo dõi sát sao để tránh những biến chứng nguy hiểm.
– Giai đoạn 4: lui bệnh. Nếu trẻ không gặp biến chứng gì thì đây sẽ là giai đoạn trẻ dần hồi phục sức khỏe dần về như bình thường.
2. Cách điều trị và ngăn ngừa chân tay miệng hiệu quả
2.2. Cách chữa tay chân miệng cho trẻ cha mẹ cần biết
Virus là nguyên nhân gây bệnh tay chân miệng nên không có thuốc đặc trị. Điều trị bệnh chủ yếu là điều trị các triệu chứng của bệnh hoặc biến chứng bệnh. Những biện pháp điều trị bệnh cơ bản sẽ là:
– Giảm sốt khi trẻ sốt cao trên 38,5 độ, cho trẻ dung paracetamol để giảm sốt, không dùng ibuprofen đề phòng trẻ bị sốt xuất huyết.
– Bù nước điện giải cho trẻ bằng dung dịch oresol, nước lọc, hydrite…
– Bổ sung vitamin C và kẽm đối với những trẻ bị loét miệng.
– Điều trị những vết loét miệng bằng cách làm sạch khuẩn miệng trước và sau khi ăn, giúp trẻ bớt đau và ăn được nhiều hơn.
– Khi thấy trẻ xuất hiện những triệu chứng về thần kinh như giật mình thì cần nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được cho uống thuốc chống co giật và xử lý kịp thời.
– Cha mẹ cần theo dõi kỹ những biểu hiện của trẻ khi bị tay chân miệng như nôn ói, sốt cao, li bì…nếu thấy những dấu hiệu nguy hiểm, cần đưa trẻ đi khám ngay. Thậm chí, ngay khi trẻ đã trong giai đoạn bình phục, những dấu hiệu biến chứng vẫn có thể xuất hiện bất ngờ nên cha mẹ cũng cần phải lưu tâm.
Chú ý: Bệnh do virus gây nên, việc uống kháng sinh trong trường hợp này là không cần thiết. Thậm chí uống kháng sinh còn làm cho bệnh nặng hơn, có khả năng làm cho trẻ bị kháng thuốc…
2.2. Dinh dưỡng và cách chăm sóc trẻ bị tay chân miệng
Những vấn đề khi chăm sóc và ăn uống của trẻ bị tay chân miệng như sau:
– Trẻ bị loét, đau miệng nên cần được ăn những loại thức ăn mềm lỏng
– Không cho trẻ ăn những loại thực phẩm cay nóng, rất có hại cho sức khỏe của trẻ và khiến cho trẻ bị đau đớn trong miệng.
– Ngoài việc uống dung dịch bù nước điện giải, có thể cho trẻ uống thêm nhiều nước hoa quả, nếu trẻ đang bú mẹ thì tăng lượng sữa cho trẻ bú để bù nước, tăng sức đề kháng.
– Khi trẻ bị sốt cần chườm ấm cho trẻ trước để hạ nhiệt song song với uống oresol. Khi trẻ sốt cao hơn, đến thời điểm cần uống hạ sốt thì cho trẻ uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ.
2.3. Làm gì để ngăn không cho trẻ bị mắc tay chân miệng
Hiện vẫn chưa nghiên cứu thành công vắc xin bệnh tay chân miệng ở trẻ nhỏ. Cách hữu hiệu nhất để bảo vệ trẻ là ngăn chặn những nguy cơ có thể lây lan bệnh sang cho trẻ.
Những biện pháp có thể áp dụng đó là:
– Không cho trẻ tiếp xúc với những trẻ khác đang mắc bệnh
– Người lớn sau khi tiếp xúc và chăm sóc trẻ bị bệnh cần phải vệ sinh thân thể, đảm bảo diệt khuẩn sạch sẽ, tránh lây cho người khác.
– Không được để trẻ làm vỡ các mụn nước vì có thể làm nhiễm trùng và mụn nước chảy ra có thể làm lây lan bệnh.
– Thường xuyên vệ sinh những đồ dùng cá nhân của trẻ như đồ chơi, núm ti,…vì trẻ rất hay có thói quen cho đồ vật vào miệng.
– Rửa tay cho trẻ thường xuyên
– Không cho trẻ đi học hoặc đến những nơi công cộng khi đang có dịch tay chân miệng ở cộng đồng.
Bệnh tay chân miệng không quá phức tạp nhưng cha mẹ cũng không nên chủ quan khi con mắc bệnh. Cần quan sát những triệu chứng của trẻ, nếu thấy những bất thường thì cần phải đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được thăm khám.