Đau mắt đỏ là bệnh lý nhãn khoa phổ biến bất cứ ai cũng có thể mắc phải. Nó không chỉ gây suy giảm chất lượng cuộc sống mà còn gây suy giảm thị lực, nếu không được điều trị kịp thời. Bài viết sau của Thu Cúc TCI chia sẻ thông tin chi tiết về dấu hiệu nhận biết, biến chứng và cách chữa đau mắt đỏ, đọc ngay để bảo vệ bản thân và gia đình trước bệnh lý nhãn khoa này, bạn nhé!
Menu xem nhanh:
1. Hướng dẫn nhận biết tình trạng đau mắt đỏ
Với những dấu hiệu sau, bạn có thể dễ dàng nhận biết đau mắt đỏ:
– Mắt đỏ: Mạch máu ở kết mạc giãn nở làm mắt trở nên đỏ hoặc hồng, tùy mức độ nghiêm trọng của bệnh.
– Sưng mí mắt, kèm ngứa và/hoặc đau.
– Tiết nước mắt: Mắt có thể tiết nước mắt nhiều hơn bình thường khi bị đau mắt đỏ.
– Cộm: Người bệnh có thể cảm thấy cộm như có cát trong mắt.
– Đôi khi có mủ: Trường hợp đau mắt đỏ do vi khuẩn, người bệnh có thể có mủ. Mủ đặc biệt nhiều khi thức dậy, khiến mí mắt dính lại với nhau.
2. Chi tiết cách chữa đau mắt đỏ
Nếu không điều trị kịp thời, đau mắt đỏ có thể dẫn đến một số biến chứng nghiêm trọng, nh viêm giác mạc là một ví dụ. Viêm giác mạc có thể gây tổn thương giác mạc và ảnh hưởng đến thị lực vĩnh viễn.
Để hạn chế nguy cơ biến chứng, khi có dấu hiệu, người bệnh đau mắt đỏ nên thăm khám với bác sĩ sớm. Sau thăm khám, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp. Cách chữa đau mắt đỏ thường bao gồm dùng thuốc điều trị nguyên nhân và chăm sóc, giảm triệu chứng.
2.1. Cách chữa đau mắt đỏ dùng thuốc
2.1.1. Thuốc điều trị đau mắt đỏ phát sinh do vi khuẩn
Sử dụng thuốc kháng sinh dạng nhỏ hoặc dạng bôi là phương pháp thông thường để kiểm soát nhiễm trùng và giảm các triệu chứng đau mắt đỏ do vi khuẩn. Dưới đây là một số thuốc kháng sinh phổ biến bác sĩ có thể kê trong trường hợp này:
2.1.1.1. Thuốc kháng sinh dạng nhỏ
– Tobramycin: Tobramycin là kháng sinh nhóm aminoglycosid, thường được sử dụng để điều trị nhiễm trùng mắt do vi khuẩn. Tobramycin kiểm soát sự sinh sôi của vi khuẩn bằng cách ngăn chặn quá trình sản xuất protein cần thiết cho sự sống của chúng.
– Ciprofloxacin: Thuộc nhóm fluoroquinolones, ciprofloxacin chống nhiều vi khuẩn rất hiệu quả bằng cách ngăn chặn enzym vi khuẩn sử dụng để sửa chữa và phân chia.
2.1.1.2. Thuốc kháng sinh dạng bôi
– Erythromycin: Erythromycin là kháng sinh nhóm macrolid. Erythromycin ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn bằng cách can thiệp vào quá trình tổng hợp protein của chúng.
– Mỡ mắt Polymyxin B-Trimethoprim: Kết hợp hai loại kháng sinh để tăng hiệu quả điều trị nhiễm trùng mắt do vi khuẩn, polymyxin B phá vỡ màng tế bào, trong khi trimethoprim ngăn chặn sự sản xuất folic acid cần thiết cho vi khuẩn.
– Chloramphenicol: Chloramphenicol là một loại kháng sinh khác, cũng thường được sử dụng để điều trị nhiễm trùng mắt. Chloramphenicol ngăn chặn sự tổng hợp protein trong tế bào vi khuẩn, từ đó ngăn chặn sự phát triển của chúng.
2.1.2. Thuốc điều trị đau mắt đỏ phát sinh do virus
Để điều trị đau mắt đỏ do virus, người bệnh thường chỉ cần tập trung giảm triệu chứng bởi nhiễm trùng do virus sẽ tự khỏi mà không cần điều trị nguyên nhân. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, thuốc chống virus có thể được sử dụng theo khuyến nghị của bác sĩ để điều trị đau mắt đỏ do virus. Đó là những trường hợp đau mắt đỏ do herpes simplex virus. Thuốc chống virus điều trị những trường hợp đau mắt đỏ này là ganciclovir hoặc acyclovir, cả hai thuốc này đều là thuốc bôi.
2.1.3. Thuốc điều trị đau mắt đỏ dị ứng
Đau mắt đỏ dị ứng thường được điều trị bằng các thuốc kiểm soát phản ứng dị ứng, giảm triệu chứng đỏ, ngứa, chảy nước mắt. Dưới đây là một số thuốc thường được sử dụng để điều trị đau mắt đỏ loại này.
2.1.3.1. Thuốc nhỏ chống dị ứng
– Antihistamines: Thuốc nhỏ chứa antihistamine như olopatadine, ketotifen hoặc azelastine có thể giúp giảm đỏ, ngứa mắt nhanh chóng bằng cách ức chế phản ứng histamine trong cơ thể.
– Mast-cell stabilizers: Loại thuốc này, như Cromolyn Sodium, ngăn chặn tế bào mast giải phóng histamin và các chất gây dị ứng khác, giúp giảm triệu chứng dị ứng lâu dài.
2.1.3.2. Thuốc nhỏ chống viêm
Trong trường hợp dị ứng nặng hoặc trong trường hợp các thuốc khác không hiệu quả, thuốc nhỏ chứa corticosteroid (như loteprednol hoặc prednisolone) có thể được sử dụng. Tuy nhiên, chúng chỉ nên được sử dụng ngắn hạn, dưới sự giám sát của bác sĩ.
2.1.3.3. Thuốc uống
Thuốc uống như cetirizine, loratadin hoặc diphenhydramine cũng có thể được sử dụng để giảm ngứa và các triệu chứng dị ứng khác, trong trường hợp dị ứng nghiêm trọng hoặc trong trường hợp các thuốc khác không hiệu quả
Điều trị đau mắt đỏ dị ứng cần kết hợp giữa sử dụng thuốc và các biện pháp kiểm soát môi trường như tránh tiếp xúc với các dị nguyên, giữ gìn vệ sinh nhà cửa.
2.2. Cách chữa đau mắt đỏ không dùng thuốc
Ngoài sử dụng thuốc, bạn có thể áp dụng một số biện pháp sau để giảm triệu chứng đau mắt đỏ:
– Giữ vệ sinh mắt sạch sẽ: Vệ sinh mắt cẩn thận là rất quan trọng để ngăn chặn sự lây lan của nhiễm trùng và hỗ trợ quá trình hồi phục. Bạn nên vệ sinh mắt như sau: Nhỏ vài giọt nước muối sinh lý vào mỗi mắt; giữ mắt mở trong khi nhỏ để dung dịch rửa toàn bộ bề mặt mắt; dùng gạc y tế lau nhẹ nhàng từ khóe trong (gần mũi) ra khóe ngoài của mắt; không chà xát mắt khi lau vì chà xát có thể làm trầm trọng thêm các tổn thương mắt vốn có.
– Chườm mát: Chườm mát là biện pháp đơn giản nhưng hiệu quả để giảm đau, giảm sưng khi đau mắt đỏ. Sau đây là hướng dẫn chườm mát chi tiết: Sử dụng túi chườm có sẵn hoặc tạo một túi chườm bằng cách đặt đá vào trong một túi nhựa và bọc túi nhựa lại bằng một chiếc khăn mỏng; đặt túi chườm lên vùng mắt bị ảnh hưởng trong khoảng 10 – 15 phút; lặp lại nhiều lần trong ngày nếu cần, nhưng cần giữ khoảng cách ít nhất 1 giờ giữa các lần chườm.
– Tránh chạm vào mắt
– Đeo kính râm khi ra ngoài để bảo vệ mắt khỏi bụi và tia UV.
Tóm lại, để điều trị đau mắt đỏ hiệu quả, bạn cần xác định chính xác nguyên nhân và áp dụng phương pháp điều trị phù hợp. Để an toàn, hãy luôn tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào. Bên cạnh đó, bạn cũng cần duy trì thói quen chăm sóc mắt để tối ưu hiệu quả điều trị đau mắt đỏ.