Căn bệnh vẩy nến không chỉ ảnh hưởng tới thẩm mỹ mà còn gây hại cho sức khỏe. Mặc dù có nhiều phương pháp điều trị nhưng người bệnh cần kiên trì vì bệnh dễ tái phát sau khi ngưng sử dụng thuốc. Bên cạnh đó còn có một số yếu tố nguy cơ khác có thể kích hoạt sự xuất hiện của các cơn bùng phát mà người bệnh cũng nên biết để chủ động phòng tránh.
Menu xem nhanh:
1. Căng thẳng
Cơ thể của chúng ta phản ứng với tình trạng căng thẳng. Nghiên cứu cho thấy căng thẳng có thể làm cho bệnh vẩy nến nặng hơn. Hãy hít thật sâu và đếm đến 10 hoặc ngâm mình thư giãn trong bồn tắm hay chia sẻ với bạn bè, người thân. Đó là những cách đơn giản để giảm bớt căng thẳng và kiểm soát các cơn bùng phát của bệnh vẩy nến.
2. Dị ứng
Nghiên cứu cho thấy rằng những người mắc bệnh vẩy nến có khả năng có một số lượng lớn tế bào mast viêm – một loại tế bào có khả năng kích hoạt các phản ứng dị ứng như sưng và ngứa. Tuy nhiên không có bằng chứng nào cho thấy bệnh vẩy nến là một phản ứng dị ứng.
3. Đồ uống có cồn
Các nhà khoa học tin rằng uống nhiều rượu có thể gây ra cơn bùng phát bệnh vẩy nến. Tuy nhiên cần có thêm nhiều nghiên cứu chuyên sâu hơn để tìm ra mối liên kết giữa bệnh vẩy nến và đồ uống có cồn. Tốt nhất bệnh nhân vẩy nến nên tránh uống rượu hoàn toàn để tránh gây kích ứng. Ngoài ra một số loại thuốc điều trị bệnh vẩy nến không thể dùng chung với rượu. Vì thế không nên sử dụng các loại đồ uống có cồn, thay vào đó nên uống các loại đồ uống không cồn như trà hoặc đi bộ nhẹ nhàng để thư giãn, tập thể dục hàng ngày và tiếp xúc với ánh sáng mặt trời trong vòng 20 phút sẽ làm dịu các triệu chứng khó chịu của bệnh vẩy nến.
4. Thời tiết lạnh và khô
Thời tiết lạnh, khô của mùa đông có thể làm cho bệnh vẩy nến nặng hơn, trong khi đó thời tiết nắng ấm lại tốt hơn cho người bệnh. Điều quan trọng là luôn phải giữ cho da ẩm. Do đó có thể hỏi ý kiến bác sĩ để sử dụng một số loại kem dưỡng ẩm cho da. Sử dụng các loại xà phòng có mùi thơm và được thiết kế cho làn da nhạy cảm để giảm kích ứng. Người bệnh cũng có thể sử dụng máy tạo độ ẩm trong nhà vào những tháng khô để giảm ngứa và đau.
5. Xăm
Nhiều hình xăm rất đẹp và ý nghĩa nhưng quá trình xăm lại là một cơn ác mộng đối với bệnh vẩy nến. Kim xăm liên tục được đâm vào da và mực xăm có thể gây tổn thương da nặng, kéo theo những vết lở loét mới xuất hiện, thường khoảng 10- 14 ngày sau đó. Xăm mình cũng có thể gây nhiễm trùng – một yếu tố kích hoạt bệnh vẩy nến bùng phát khác.
Vì thế người bệnh vẩy nến không nên xăm mình, xâu khuyên, châm cứu.
6. Thuốc
Một số loại thuốc dùng để điều trị cao huyết áp, bệnh tim, viêm khớp, và các rối loạn tâm thần có thể gây ra bệnh vẩy nến. Các thuốc thông thường như thuốc ức chế men chuyển, thuốc chẹn bêta, và lithium có thể dẫn tới cơn bùng phát bệnh vẩy nến. Thuốc steroid như prednisone giúp kiểm soát các cơn bùng phát bệnh vẩy nến nhưng có thể khiến cho tình trạng bệnh trở nên tồi tệ hơn sau khi sử dụng lâu dài.
Thông báo với bác sĩ nếu loại thuốc đang sử dụng gây kích ứng da.
7. Nhiễm trùng
Tình trạng nhiễm trùng có thể khiến bệnh vẩy nến chuyển biến xấu. Nhiễm nấm men, nấm, viêm họng, nhiễm trùng đường hô hấp và nhiễm trùng tụ cầu đều được biết đến là những yếu tố có thể dẫn tới cơn bùng phát bệnh vẩy nến.
8. Vết cắt và vết bầm tím
Tổn thương mới có thể xuất hiện khi người bệnh vẩy nến chẳng may bị thương. Để tránh gây tổn thương cho da, có thể đeo găng tay khi làm việc, tránh bị côn trùng đốt, cháy nắng và cẩn thận khi sử dụng bấm móng tay hoặc dao cạo râu.
9. Hút thuốc
Nghiên cứu cho thấy hút thuốc có liên quan trực tiếp đến mức độ nghiêm trọng của bệnh vẩy nến. Người bệnh càng hút lá nhiều thì các cơn bùng phát bệnh vẩy nến càng tồi tệ hơn.
Bỏ thói quen độc hại này, người bệnh có thể hạn chế được tần suất cơn bùng phát bệnh vẩy nến xảy ra.
10. Hormones
Bệnh vẩy nến có thể bắt đầu ở bất cứ lứa tuổi nào, ở cả nam và nữ. Tuy nhiên tỷ lệ mắc bệnh cao nhất là ở những người trong độ tuổi từ 20 – 30, 50 – 60. Tuổi dậy thì và mãn kinh có thể kích hoạt sự phát triển của bệnh vẩy nến. Các nhà nghiên cứu cho rằng có mối liên kết giữa hormones và bệnh vẩy nến.
Điều thú vị là theo một nghiên cứu, nồng độ estrogen tăng cao trong giai đoạn mang thai lại có thể góp phần làm cải thiện tình trạng bệnh vẩy nến.
Bên cạnh việc phòng tránh các yếu tố kích thích dẫn tới sự bùng phát của bệnh vẩy nến nêu trên, người bệnh cũng cần tuân thủ chặt chẽ các hướng dẫn điều trị của bác sĩ.