Sa sút trí tuệ tồn tại ở rất nhiều thể khác nhau. Các triệu chứng sa sút trí tuệ biểu hiện đa dạng tùy theo loại và mức độ bệnh, có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe, sinh hoạt, công việc của người bệnh. Cùng tìm hiểu các biểu hiện và nguyên nhân gây ra căn bệnh này qua bài viết sau đây.
Menu xem nhanh:
1. Triệu chứng sa sút trí tuệ biểu hiện như thế nào?
Theo WHO, sa sút trí tuệ là một hội chứng có diễn tiến mạn tính và tiến triển, đặc trưng là sự suy giảm tư duy so với người bình thường. Hội chứng này có thể gây ảnh hưởng đến trí nhớ, khả năng suy nghĩ, ngôn ngữ, định hướng, tính toán, học tập và phán đoán. Cùng với đó là sự suy giảm khả năng kiểm soát cảm xúc, hành vi xã hội. Cụ thể với các biểu hiện:
1.1 Thay đổi nhận thức – Triệu chứng sa sút trí tuệ phổ biến
Người bệnh thường bị suy giảm về nhận thức ở nhiều mức độ. Họ có thể gặp khó khăn trong việc giao tiếp hoặc tìm từ ngữ diễn tả, vì vậy thường khiến người khác khó hiểu câu chuyện. Họ gặp khó khăn trong việc lập kế hoạch và tổ chức công việc, không thể xử lý các nhiệm vụ phức tạp như trước.
1.2 Nhầm lẫn, mất phương hướng
Nhiều người bị sa sút trí tuệ gặp tình trạng suy giảm khả năng thị giác, nhầm lẫn về không gian, khiến họ dễ bị lạc trong khi lái xe, đi bộ. Bệnh nhân thường bị lạc, không thể tìm thấy phòng ngủ hoặc phòng tắm riêng của mình. Họ vẫn đi lại được nhưng dễ bị ngã hoặc tai nạn.
1.3 Mất trí nhớ
Người bệnh sa sút trí tuệ có thể quên vị trí, đồ vật, quên những sự việc đã xảy ra, quên địa điểm quen thuộc, thậm chí quên bản thân và người người thân là ai. Tuy nhiên, nếu chỉ có triệu chứng mất trí nhớ thì không có nghĩa là người đó bị sa sút trí tuệ.
1.4 Thay đổi tâm lý, tính cách
Những người bị sa sút trí tuệ thường dễ phiền muộn, trở nên lo âu, tự cho mình là trung tâm, dễ cáu gắt, bực bội với mọi thứ, cứng nhắc, có những hành vi không phù hợp gây ảnh hưởng đến các mối quan hệ xung quanh.
1.5 Khó phối hợp, vận động cũng có thể là triệu chứng sa sút trí tuệ
Người bệnh có thể gặp khó khăn trong việc phối hợp vận động. Thậm chí họ cần giúp đỡ trong các hoạt động cơ bản của cuộc sống hàng ngày như tắm rửa, ăn uống, mặc quần áo, đi vệ sinh. Nhiều người không thể tự chủ được việc đại tiểu tiện.
1.6 Hoang tưởng
Ở giai đoạn tiến triển và nặng, người bệnh có thể xuất hiện ảo giác và những hoang tưởng bị hại. Khoảng 10% bệnh nhân sa sút trí tuệ gặp phải tình trạng này.
2. Nguyên nhân gây sa sút trí tuệ
Nguyên nhân gây bệnh sa sút trí tuệ chủ yếu do tổn thương hoặc mất các tế bào thần kinh và các kết nối của chúng ở trong não, thường được chia thành nguyên nhân không thể đảo ngược (do thoái hóa) và có thể đảo ngược.
2.1 Nguyên nhân không thể đảo ngược
Chứng sa sút trí tuệ tiến triển được chia thành nhiều loại, tương ứng với từng nguyên nhân và các triệu chứng như:
– Alzheimer
Alzheimer được coi là nguyên nhân phổ biến nhất của chứng sa sút trí tuệ. Sự tồn tại của các mảng Amyloid và sự xơ hóa các búi sợi tơ thần kinh trong não làm hỏng các tế bào thần kinh khỏe mạnh và các sợi kết nối chúng, gây ra chứng Alzheimer.
– Sa sút trí tuệ mạch máu
Tổn thương ở các mạch cung cấp máu cho não có thể khiến não bị thiếu dưỡng chất, gây sa sút trí tuệ. Các biểu hiện thường gặp ở dạng này gồm khó giải quyết vấn đề, giảm khả năng suy nghĩ, tập trung và tổ chức.
– Sa sút trí tuệ thể Lewy
Dạng sa sút trí tuệ xảy ra khi tồn tại những khối protein bất thường giống như quả bóng trong não. Người bệnh dễ bị mộng du, ảo giác, giảm sự tập trung và chú ý, khó phối hợp, run và cứng đơ.
– Sa sút trí tuệ vùng trán
Xảy ra do sự phân hủy (thoái hóa) của các tế bào thần kinh hoặc mất kết nối của tế bào thần kinh ở thùy trán và thái dương, gây mất ổn định trong hành vi, tính cách, suy nghĩ, khiến người bệnh gặp khó khăn phán đoán, ngôn ngữ và cử động.
– Sa sút trí tuệ hỗn hợp
Dạng sa sút trí tuệ do mắc nhiều loại bệnh cùng lúc ở người cao tuổi ví dụ bệnh Alzheimer cùng với sa sút trí tuệ mạch máu.
– Bệnh Huntington
Loại đột biến gen gây loại thải một số tế bào thần kinh trong não, dẫn đến sự suy giảm nghiêm trọng về nhận thức.
– Chấn thương sọ não (TBI)
Chấn thương đầu lặp đi lặp lại có thể gây ra các triệu chứng của bệnh sa sút trí tuệ như trầm cảm, kích động, mất trí nhớ, giảm khả năng ngôn ngữ, các triệu chứng bệnh parkinson. Các triệu chứng có thể xuất hiện ngay sau chấn thương hoặc sau nhiều năm.
– Dịch bệnh Creutzfeldt-Jakob
Creutzfeldt-Jakob hay còn gọi là bệnh bò điên. Bệnh xảy ra do sự lắng đọng các protein lây nhiễm (prion) hoặc do di truyền cũng có thể gây suy giảm khả năng tư duy.
– Bệnh Parkinson
Thực tế cho thấy rất nhiều người bị bệnh Parkinson cuối cùng phát triển các triệu chứng sa sút trí tuệ.
2.2 Nguyên nhân sa sút trí tuệ có thể đảo ngược
Một số nguyên nhân của chứng sa sút trí tuệ có thể đảo ngược bao gồm:
– Nhiễm trùng, rối loạn miễn dịch
Khi phản ứng với các tác nhân gây nhiễm trùng, hệ miễn dịch có thể tấn công các tế bào thần kinh khỏe mạnh, gây ra chứng sa sút trí tuệ.
– Các bệnh lý nội tiết
Bệnh tuyến giáp, hạ đường huyết, rối loạn natri hoặc canxi, rối loạn hấp thụ vitamin B12,…là những vấn đề về nội tiết và chuyển hóa có thể phát triển các triệu chứng giống như sa sút trí tuệ.
– Thiếu hụt dinh dưỡng
Tình trạng mất nước, thiếu hụt một số chất dinh dưỡng như vitamin B1, B6, B12, vitamin E, đồng trong chế độ ăn uống có thể gây ra các triệu chứng của bệnh sa sút trí tuệ.
– Tác dụng phụ của thuốc
Tác dụng phụ, phản ứng với thuốc hoặc tương tác của một số loại thuốc với nhau có thể gây ra các triệu chứng giống như sa sút trí tuệ.
– Máu tụ dưới màng cứng
Sa sút trí tuệ có thể là hậu quả của tình trạng chảy máu giữa bề mặt não và lớp phủ trên não, thường gặp ở người cao tuổi sau khi bị ngã.
– Nhiễm độc
Nhiều nghiên cứu cho thấy những người tiếp xúc với các kim loại nặng như chì, thuốc trừ sâu, uống rượu nặng, dùng chất kích thích có nguy cao mắc chứng sa sút trí tuệ.
– U não
Người bệnh u não có thể bị sa sút trí tuệ do khối u chèn ép gây tổn thương các thần kinh.
– Thiếu oxy
Tình trạng các mô cơ quan không nhận đủ oxy, thường gặp ở những người mắc chứng ngưng thở khi ngủ, hen suyễn, đau tim, ngộ độc carbon monoxide…
– Não úng thủy
Tình trạng các tâm thất trong não mở rộng có thể gây ra các vấn đề về đi lại, khó tiểu và sa sút trí tuệ.
Trên đây là những triệu chứng sa sút trí tuệ và nguyên nhân gây bệnh. Nếu có một trong các triệu chứng trên hoặc có các yếu tố nguy cơ gây bệnh, hãy chủ động thăm khám bác sĩ chuyên khoa Nội thần kinh để được chẩn đoán và điều trị phù hợp.