Tử vong là một hệ lụy nguy hiểm nhất của bệnh đột quỵ. Nắm được những thông tin quan trọng về đột quỵ gây tử vong trong bài viết sau đây sẽ giúp mọi người chủ động hơn trong việc phòng tránh bệnh, và xử trí kịp thời để tránh gặp những đáng tiếc không mong muốn.
Menu xem nhanh:
1. Hệ lụy nghiêm trọng của đột quỵ
1.1 Những con số về đột quỵ gây tử vong
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tai biến mạch máu não hay đột quỵ là nguyên nhân gây tử vong thứ 2 trên thế giới với khoảng 6,5 triệu người tử vong mỗi năm. Trên toàn thế giới, hàng năm cũng có khoảng 14 triệu bệnh nhân đột quỵ mắc mới. Bệnh cũng để lại hơn 80 triệu người sống trong tình trạng tàn phế đến cuối đời. Bệnh đột quỵ xảy ra sẽ làm giảm khả năng vận động ở hơn một nửa số người sống sót sau đột quỵ có độ tuổi từ 65 trở lên.
Ở Việt Nam, hàng năm có khoảng 200.000 ca bệnh đột quỵ mới xảy ra, bệnh vẫn đang có xu hướng gia tăng và trẻ hóa. Đột quỵ cũng là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở nước ta, vượt qua nguyên nhân gây tử vong là do bệnh tim mạch và ung thư. Trong các trường hợp bệnh nhân sống sót sau cơn đột quỵ thì nguy cơ gặp tàn phế, lệ thuộc cao. Có đến 10-13% bệnh nhân tàn phế, nằm liệt giường, khoảng 12% bệnh nhân hồi phục một phần, khoảng 25% bệnh nhân có thể độc lập đi lại.
1.2 Đột quỵ gây tử vong do đâu?
Có hai nguyên nhân chính gây ra tình trạng đột quỵ hay tai biến mạch máu não là do thiếu máu não cục bộ (nguồn máu lên não bị tắc nghẽn do cục máu đông) hoặc xuất huyết não (mạch máu não bị vỡ dẫn đến) dẫn đến một phần não bị hư hại đột ngột do mất nguồn máu nuôi dưỡng.
Đột quỵ do thiếu máu cục bộ là loại đột quỵ phổ biến nhất, chiếm khoảng 87% tổng số ca đột quỵ. Trong một giây, 32.000 tế bào não sẽ chết và trong 59 giây, một cơn đột quỵ do thiếu máu cục bộ sẽ giết chết 1,9 triệu tế bào não.
Đột quỵ do xuất huyết có thể xảy ra khi chứng phình động mạch, một túi chứa đầy máu phình ra từ động mạch, vỡ ra, khiến máu tràn vào các mô xung quanh. Tỷ lệ tử vong cao hơn và tiên lượng kém hơn đối với những người bị đột quỵ nhồi máu não.
Nhìn chung, đây là một căn bệnh nguy hiểm, có tỷ lệ tử vong cao, để lại di chứng nặng nề, nhẹ thì yếu liệt một phần cơ thể, rối loạn ngôn ngữ, nặng có thể liệt nửa người hoặc toàn thân, tàn phế…
Nguyên nhân khiến người bệnh đột quỵ tử vong là do không được phát hiện và cấp cứu kịp thời. Các tế bào trong não ngừng hoạt động hoặc chết đi theo từng giây, chính vì thế nếu càng kéo dài thời gian, dòng máu lên não bị ngưng trệ càng lâu sẽ khiến người bệnh càng đối mặt với di chứng nặng nề, thậm chí là tử vong.
2. Đột quỵ nằm trong nhóm gây tử vong hàng đầu, làm thế nào để phòng tránh?
Hiện nay, tỷ lệ người dân nắm được những yếu tố nguy cơ gây đột quỵ trong cộng đồng còn thấp. Do đó, để phòng tránh đột quỵ xảy ra, các chuyên gia y tế khuyến cáo người chưa bị đột quỵ nhưng có các yếu tố nguy cơ như: Huyết áp cao, đái tháo đường, bệnh lý tim mạch, béo phì, mỡ máu, rối loạn lipid máu… cần điều chỉnh những yếu tố nguy cơ này. Trước tiên nên bắt đầu bằng cách xây dựng lối sống lành mạnh, chế độ dinh dưỡng hợp lý, khoa học, không lạm dụng rượu bia, ngừng sử dụng thuốc lá, hạn chế mỡ động vật, tăng cường vận động, hạn chế căng thẳng, ngủ nghỉ đủ giấc…
Ngoài việc áp dụng các biện pháp trên, nên thực hiện khám tầm soát nguy cơ đột quỵ, nhằm phát hiện sớm các yếu tố thúc đẩy đột quỵ có thể xảy ra. Từ đó sẽ kiểm soát triệt để, điều trị, hoặc theo dõi sát sao các chỉ số sức khỏe ở mức ổn định, tránh diễn biến thành đột quỵ. Đây được xem là biện pháp dự phòng hiệu quả và chủ động nhất hiện nay.
3. Những sai lầm trong xử trí khi gặp người bị đột quỵ và cách làm đúng
3.1 Sơ cứu không đúng cách khiến tình trạng nặng thêm
Đột quỵ xảy ra không chọn thời gian, không gian mà thường xảy ra đột ngột. Vậy nên khi nhận thấy người bị đột quỵ tuyệt đối không tự ý điều trị cho bệnh nhân tại nhà, tránh tình trạng quá thời gian vàng, cơ hội sống sẽ trở nên mong manh.
Ngoài ra, cũng không nên cạo gió, chích đầu ngón tay, xoa dầu… cho người bệnh hoặc đưa người bệnh sử dụng các loại thuốc như hạ huyết áp… Những điều này có thể làm tình trạng bệnh nhân diễn tiến xấu, để lại di chứng nặng nề hơn.
3.2 Xử trí đúng cách khi gặp người đột quỵ
Nắm bắt quy tắc BE FAST – Nhận biết dấu hiệu đột quỵ
Việc phát hiện sớm, và điều trị sớm sẽ giúp người bệnh đột quỵ được hồi phục, trở lại cuộc sống tốt hơn. Thời gian vàng để cứu người bệnh khỏi đột quỵ, tránh thiệt mạng là trong vòng 3 đến 6 giờ sau khi có cơn đột quỵ.
Các dấu hiệu nhận biết người bệnh đột quỵ, bạn có thể dựa vào quy tắc BE FAST để có thể phát hiện sớm và đưa người bệnh đi cấp cứu kịp thời là:
– B (Balance – Sự cân bằng): Người bệnh đột ngột mất thăng bằng, đau đầu dữ dội, khả năng phối hợp vận động bị mất đi.
– E (Eyesight – Mắt): Thị lực giảm, nhìn mờ.
– F (Face – Mặt): Khuôn mặt có sự biến đổi như méo miệng, nhân trung bị lệch.
– A (Arms – Tay): Bệnh nhân được yêu cầu nâng 2 cánh tay lên cùng lúc nhưng tay còn lại có thể bị tê liệt, cử động khó.
– S (Speech – Giọng nói): Bệnh nhân nói khó, không rõ chữ, nói ngọng hoặc nói lắp.
– T (Time – Thời gian): Nếu một người có bất kỳ dấu hiệu nào kể trên, cần nhanh chóng gọi cấp cứu càng sớm càng tốt.
Hướng dẫn xử trí
Khi có biểu hiện đột quỵ, điều đầu tiên là cần đỡ người bệnh tránh để bị ngã. Khi bệnh nhân còn tỉnh táo, để bệnh nhân nằm yên ở nơi thoáng khí và nhanh chóng gọi cấp cứu. Trong thời gian chờ đợi, để bệnh nhân nằm nghiêng, làm sạch đờm dãi của người bệnh giúp thông thoáng đường thở, không hít phải chất nôn.
Trong trường hợp bệnh nhân hôn mê, cần kiểm tra xem bệnh nhân thở như thế nào. Nếu bệnh nhân ngưng thở cần thực hiện hô hấp nhân tạo nhằm kịp thời cung cấp oxy cho não.
Trên đây là các thông tin về tình trạng đột quỵ gây tử vong và cách để phòng tránh. Thực hiện cấp cứu đột quỵ trong thời gian vàng là cách giúp bệnh nhân giảm tỷ lệ tử vong, hạn chế di chứng để lại. Đặc biệt thực hiện tầm soát nguy cơ đột quỵ là giải pháp quan trọng quyết định tránh mắc căn bệnh nguy hiểm này.