Vacxin cho trẻ dưới 1 tuổi đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng hệ thống miễn dịch vững chắc từ đầu, bảo vệ trẻ trước nguy cơ vi khuẩn, virus tấn công. Trong bài viết này, hãy cùng Thu Cúc TCI tìm hiểu về các mũi vacxin quan trọng với trẻ trong giai đoạn đầu đời nhé!
Menu xem nhanh:
1. Vai trò của tiêm chủng trong giai đoạn đầu đời của trẻ
Trẻ em dưới 1 tuổi có hệ miễn dịch yếu và chưa phát triển đầy đủ nên rất dễ bị nhiễm bệnh. Các mũi vắc xin giúp kích thích sự phát triển của hệ miễn dịch, giúp trẻ phòng ngừa và chống lại nhiều loại bệnh truyền nhiễm. Trẻ giai đoạn này vẫn còn kháng thể được truyền từ mẹ nhưng giảm dần theo thời gian. Vì thể để kịp thời đáp ứng miễn dịch cho trẻ, việc tiêm vacxin đầy đủ trong giai đoạn này sẽ bảo vệ trẻ khi tiếp xúc với môi trường, giảm nguy cơ mắc bệnh. Đây cũng là thời điểm quan trọng bởi có một số loại vacxin chỉ hiệu quả khi tiêm trong độ tuổi này.
Tiêm chủng không chỉ là biện pháp bảo vệ cá nhân mà còn là trách nhiệm và món quà quý giá nhất mà ba mẹ có thể đem đến cho con. Không bao giờ là quá trễ để khám phá lợi ích to lớn của tiêm ngừa vắc xin trong việc bảo vệ sức khỏe và tương lai của trẻ em. Một số vắc xin như vắc xin phòng bệnh bạch hầu, quai bị, uốn ván và viêm gan B giúp ngăn chặn sự lây lan của các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, giảm nguy cơ biến chứng và tử vong. Trẻ nhỏ mắc bệnh có nguy cơ gánh chịu di chứng và chi phí điều trị lớn, vì thế mà tiêm chủng cũng là cách hạn chế những khoản chi phí điều trị tốn kém không đáng.
2. Lịch tiêm các loại vacxin cho trẻ dưới 1 tuổi
2.1 Vacxin cho trẻ dưới 1 tuổi cần tiêm những loại nào?
Dưới đây là các loại vacxin cho trẻ dưới 1 tuổi quan trọng:
Trẻ khi mới chào đời, có 2 loại vacxin quan trọng là vacxin viêm gan B và vacxin phòng bệnh lao.
– Mũi viêm gan B sơ sinh: Ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm và phòng các bệnh liên quan như ung thư gan, xơ gan là tiêm vắc xin viêm gan B cho trẻ trong vòng 24 giờ sau khi sinh. Thời điểm này được coi là “thời gian vàng” giúp cơ thể trẻ phát triển sức đề kháng chống lại virus viêm gan B. Tùy thuộc vào tình trạng viêm gan B của mẹ, trẻ cần tiêm mũi 2 vacxin khi đạt 1 tháng tuổi. Nếu mẹ không nhiễm viêm gan B, trẻ có thể tiêm từ 2 tháng tuổi, kết hợp với các loại vacxin khác
– Mũi tiêm lao: WHO khuyến cáo trẻ em dưới 1 tuổi cần được tiêm vắc xin lao càng sớm càng tốt, trong vòng 30 ngày sau khi chào đời. Vắc xin lao giúp bảo vệ trẻ khỏi nhiễm bệnh lao và giảm nguy cơ phát sinh các biến chứng nguy hiểm.
– Vacxin 6in1: Phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, Hib và bại liệt. Đây là mũi tiêm đầu tiên, cần thêm 2 mũi khi trẻ được 3 và 4 tháng tuổi.
– Vacxin tiêu chảy Rotavirus: phòng ngừa tiêu chảy cấp tính. Gồm 3 liều, 1 liều vào lúc trẻ 7,5 đến 12 tuần tuổi, cần thêm 2 liều khi 3 và 4 tháng tuổi (tùy loại vacxin)
– Vacxin phế cầu: Phòng viêm phổi, màng não và tai giữa do phế cầu khuẩn. Mũi tiêm đầu tiên có thể tiêm từ 6 tuần tuổi, cần thêm 2 mũi khi 3 và 4 tháng tuổi và 1 mũi nhắc lại khi 12-24 tháng tuổi.
– Vacxin bại liệt: Nếu trẻ trước đó không tiêm vacxin 6in1 mà tiêm vacxin 5in1 kết hợp uống vacxin phòng bại liệt thì lúc trẻ 5 tháng cần bổ sung 1 mũi vacxin phòng bệnh bại liệt.
– Vacxin cúm mùa: Trẻ em từ 6 tháng tuổi trở lên được ưu tiên tiêm vắc xin cúm mùa, tiêm 2 mũi cách nhau 1 tháng và tiêm nhắc 1 mũi hàng năm. Tiêm vacxin cúm mùa giúp ngăn chặn sự lây lan của virus cúm mùa và giảm nguy cơ mắc các biến chứng nghiêm trọng.
– Vacxin sởi: Bao gồm 2 mũi tiêm. Mũi tiêm đầu tiên được thực hiện khi trẻ đạt 9 tháng tuổi, mũi tiêm thứ hai khi trẻ đạt 18 tháng tuổi.
– Vacxin phòng viêm não mô cầu ACYW-135, tiêm 2 mũi, mỗi mũi cách nhau 03 tháng. Mũi 1 tiêm khi trẻ đạt 9 tháng tuổi.
– Vacxin thủy đậu: Tiêm mũi 1 khi trẻ đạt 12 tháng tuổi.
– Vacxin phòng sởi quai bị rubella MMR, tiêm mũi 1 khi trẻ đủ 1 tuổi.
Lưu ý: Nếu mũi 1 tiêm khi trẻ đạt 9 đến 11 tháng, tiêm sau 6 tháng kể từ mũi 1 và mũi 3 tiêm sau 3 đến 5 năm. Nếu như mũi 1 tiêm khi trẻ >1 tuổi, thì mũi 2 tiêm cách sau đó 4 năm. Ngoài ra, có thể tiêm các mũi vacxin riêng lẻ cho sởi, quai bị, rubella, hoặc có thể kết hợp vacxin sởi – quai bị – rubella.
2.2 Một số lưu ý khi tiêm các loại vacxin cho trẻ dưới 1 tuổi
Để đảm bảo quá trình tiêm chủng của trẻ diễn ra an toàn và đạt hiệu quả, bố mẹ cần lưu ý một số điều dưới đây:
– Tuân thủ lịch tiêm chủng được khuyến cáo bởi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các cơ quan y tế địa phương để đảm bảo hiệu quả phòng ngừa tối đa. Đảm bảo khoảng cách giữa các mũi tiêm, các loại vacxin theo quy định.
– Theo dõi các phản ứng sau tiêm của trẻ bao gồm: Ở lại cơ sở tiêm chủng 30 phút để theo dõi phản ứng phụ và tiếp tục theo dõi sức khỏe trong 24-48h sau tiêm. Cần kiểm tra nhiệt độ cơ thể, vị trí tiêm, trạng thái và các phản ứng toàn thân khác.
– Nếu có bất kỳ phản ứng bất thường nào như nôn, thở gấp, da tím tái, đã hạ sốt nhưng không giảm… bố mẹ nên đưa bé đến cơ sở y tế để được kiểm tra và xử trí kịp thời.
– Tiêm phòng đầy đủ cho trẻ là điều cần thiết và quan trọng, nhưng cần đảm bảo trẻ đủ điều kiện tiêm phòng. Nếu trẻ đang gặp vấn đề sức khỏe, bố mẹ nên thông báo với bác sĩ. Một số trường hợp không nên tiêm vacxin cho trẻ bố mẹ cần nắm:
Trẻ có dị ứng hoặc phản ứng nặng với bất kỳ thành phần nào của vắc xin, hoặc phản ứng nặng ở các lần tiêm trước nên kiểm tra trước khi tiêm.
Trẻ đang mắc bệnh nặng hoặc có vấn đề về hệ thống miễn dịch cần thảo luận với bác sĩ để cân nhắc về tính an toàn, hiệu quả khi tiêm.
Trẻ đang trong tình trạng sốt cao nên trì hoãn việc tiêm vắc xin cho đến khi hồi phục.
Các bệnh lý cụ thể nên được xem xét và quyết định về việc tiêm chủng phải dựa trên đánh giá toàn diện của bác sĩ.
Hy vọng với các thông tin trên đây sẽ giúp bố mẹ nắm rõ các vấn đề quan trọng về các loại vacxin cho trẻ dưới 1 tuổi. Liên hệ ngay với phòng tiêm chủng Thu Cúc TCI để đặt lịch tiêm vacxin để bảo vệ trẻ trong giai đoạn đầu đời hoặc cần hỗ trợ giải đáp thắc mắc liên quan.